Thứ tư, 11/09/2024, 10:30
Ô nhiễm ánh sáng làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer
Các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện việc tiếp xúc ánh sáng nhân tạo quá mức vào ban đêm, còn gọi là “ô nhiễm ánh sáng”, có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi (bệnh Alzheimer), đặc biệt là những người dưới 65 tuổi.
Hạn chế ô nhiễm ánh sáng có thể bảo vệ sức khỏe trí não. Ảnh: New Scientist.
Để đi đến kết luận trên, các chuyên gia tại Trung tâm Y khoa Đại học Rush đã phân tích cường độ ánh sáng ban đêm trung bình theo 48 tiểu bang và quận tại Mỹ trong giai đoạn 2012-2018, sau đó họ so sánh dữ liệu này với dữ liệu quốc gia về tỷ lệ mắc bệnh Alzheimer và các yếu tố nguy cơ gây ra căn bệnh thoái hóa thần kinh này.
Kết quả phân tích cuối cùng cho thấy ở những người từ 65 tuổi trở lên, ô nhiễm ánh sáng là một yếu tố nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, nhưng không ảnh hưởng mạnh bằng các yếu tố khác như bệnh tiểu đường, huyết áp cao và đột quỵ.
Nhưng đối với những người dưới 65 tuổi, ô nhiễm ánh sáng là yếu tố nguy cơ lớn nhất về bệnh Alzheimer. Điều này cho thấy những người trẻ hơn có thể đặc biệt nhạy cảm với tác động của việc tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm.
Theo chuyên gia Robin Voigt-Zuwala - trưởng nhóm nghiên cứu, ngoài các yếu tố về gien di truyền có thể làm tăng nguy cơ bệnh Alzheimer, thì những người trẻ tuổi có nhiều khả năng sống ở các khu vực thành thị và có lối sống có thể làm tăng khả năng tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm.
Do nhịp sinh học của cơ thể điều chỉnh phần lớn hoạt động sinh học bên trong và hành vi của chúng ta, nên sự gián đoạn có thể dẫn đến tình trạng viêm ở hệ vi sinh đường ruột, thúc đẩy tình trạng rò rỉ ruột và khiến cá nhân kém phục hồi hơn trước các tác nhân gây căng thẳng và dễ mắc bệnh hơn.