Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ tư, 18/09/2024, 11:30

Nỗi lo thiếu lao động nghề biển

Cà Mau - Thời gian gần đây, tình trạng thiếu lao động nghề biển trên địa bàn huyện Ngọc Hiển diễn ra khá phổ biến, nhất là hiện nay, khi mùa cao điểm khai thác trong năm đang bước vào vụ chính thì nhiều chủ tàu phải lao đao tìm bạn. Nguồn lao động thiếu hụt và non yếu tay nghề ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, hiệu quả vươn khơi.

Tại xã đảo Tân Ân, thời gian qua, nhiều tàu cá có chung tình trạng thường xuyên thiếu người đi biển, thậm chí nhiều tàu phải nằm bờ do không đủ bạn thuyền. Theo ông Trịnh Thành Trung, Chủ tịch UBND xã, nguyên nhân là do ngành khai thác thuỷ sản đang gặp khó, nguồn lợi khan hiếm, sản lượng đánh bắt sụt giảm, thu nhập của các thuyền viên không ổn định nên họ đi tìm công việc khác tốt hơn. Mặt khác, do đặc thù nghề biển vất vả, tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì thế mà dần mất đi những ngư dân lành nghề.

Lao động trên tàu dần ít đi, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác. Ảnh: HUỲNH TỨ.

Từ nghề cha truyền con nối, ông Võ Văn Dúng, ấp Ô Rô, xã Tân Ân, có hơn 30 năm bám biển với nghề lưới cá chim. Trước đây, mỗi chuyến ra khơi, trên tàu sử dụng 8 lao động, công việc đánh bắt thuận lợi, hoạt động hết công suất, thu nhập khá ổn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, lao động bỏ nghề ngày càng nhiều, giải pháp của ông Dúng là giảm số lao động trên tàu xuống còn từ 5-6 người.

Ông Dúng trăn trở, lao động thì ít đi nhưng công việc trên tàu vẫn không thay đổi. Có 5 người mà phải gồng gánh công việc của 8 người nên không kịp. Ví như lúc trước, mỗi ngày đánh 9, 10 mẻ lưới thì giờ giảm xuống chỉ còn 6, 7 mẻ khiến sản lượng đánh bắt sụt giảm. Thêm vào đó, giá hải sản không ổn định, chi phí xăng dầu đội lên cao nên đồng lời mỗi chuyến biển không còn bao nhiêu, có khi huề, thậm chí lỗ vốn.

Ông Võ Văn Dúng (bìa phải) chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến ra khơi.

Cũng bởi thiếu bạn đồng hành nên anh Tô Văn Chiến, ấp Nhà Diệu, xã Tân Ân, đã chuyển đổi từ nghề cào sang nghề lưới cá khoai. Theo anh Chiến, nếu như trước đây, cách một ngày khi chuẩn bị ra khơi, chỉ cần vài cuộc gọi thông báo đã tập hợp đầy đủ lượng bạn xuống ghe. Còn bây giờ thì phải tìm bạn trước nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần mà có khi không đủ số lượng.

Anh Chiến tâm tình, vài năm trước, để có một chân đi biển, đòi hỏi người lao động phải có sức khoẻ và kinh nghiệm. Nhưng nay thì chủ tàu chọn bạn theo kiểu quơ đại, chỉ cần không say sóng và chịu làm là được. Ða số lao động trên biển giờ độ tuổi từ 35 trở lên chớ không còn mười tám, đôi mươi như trước. Bởi lớp trẻ hiện nay chủ yếu đi học, đi làm công ty, xuất khẩu lao động... chứ không mặn mà với biển.

Tại thị trấn Rạch Gốc, thông thường những năm trước vào mùa này, 145 tàu cá của địa phương đã xuất bến vươn khơi tìm lộc biển. Thế nhưng theo ghi nhận, hiện nay tình trạng tàu cá nằm bờ khá phổ biến.

Chỉ tay về chiếc ghe mới tu sửa, dài hơn 16 m đang neo đậu, ông Lưu Minh Cảnh, Khóm 4, thị trấn Rạch Gốc, ngậm ngùi: “Hơn 2 tháng nay không kiếm được bạn nên đành phải đậu. Năm ngoái, mùa này trung bình mỗi chuyến biển cũng thu về 70, 80 triệu đồng, có khi trúng thì hơn 100 triệu đồng. Giờ đang vô mùa chính mà thiếu bạn, không ra khơi được, kinh tế gia đình lâm vào cảnh khó khăn ngay”.

Trong định hướng phát triển ngành khai thác thuỷ sản, Ngọc Hiển sẽ giảm dần số lượng tàu cá gần bờ, tăng cường khai thác xa bờ để nâng cao hiệu quả khai thác (Ảnh: Huỳnh Tứ, chụp tại Cảng cá Rạch Gốc).

Theo các chủ tàu, đặc thù nghề biển không trả lương theo tháng mà tính theo công sức, ăn chia phần trăm theo từng chuyến biển. Ðể tìm bạn đồng hành, giải pháp của chủ tàu là tăng tiền công cho bạn thuyền. Hiện nay, thuyền viên được ăn chia 25-35% với chủ tàu, cao hơn trước đó từ 5-10%. Thậm chí, các chủ tàu còn cho bạn thuyền ứng tiền trước, ít thì 1 hoặc 2 triệu, nhiều gần chục triệu đồng. Nhiều người đã thoả thuận, ứng tiền xong xuôi nhưng đến ngày đi thì không liên lạc được. Cũng có người đi một, hai chuyến không làm được rồi bỏ ngang, nghỉ hẳn, không trả nợ khiến chủ tàu lao đao.

Anh Cảnh cho hay, tính đến nay, anh đã cho các thuyền viên ứng và mượn nợ lên đến hơn 100 triệu đồng. Không cho mượn thì bạn không chịu xuống ghe. Giờ anh không còn khả năng cho mượn nữa nên bạn ghe lần lượt bỏ đi, còn ghe của anh phải neo bờ vì thiếu bạn.

Toàn huyện Ngọc Hiển có 502 tàu cá, tăng gần 50 tàu so với đầu năm. Số lượng tàu thuyền ngày càng tăng, chủ tàu càng đối mặt với việc thiếu nguồn lao động.

Ông Hồ Hoàng Chương, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: “Trong định hướng phát triển ngành khai thác thuỷ sản, địa phương sẽ giảm dần số lượng tàu cá gần bờ, tăng cường khai thác xa bờ để giảm cường lực khai thác, bảo vệ nguồn lợi, nâng cao hiệu quả. Bên cạnh đó, khuyến khích các chủ tàu áp dụng khoa học công nghệ, ngư cụ, trang thiết bị hàng hải hiện đại nhằm giảm bớt lệ thuộc vào lao động tay chân và cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho lao động trên biển. Ðồng thời, nhanh chóng mở các lớp đào tạo nghiệp vụ liên quan đến nghề cá, tiến tới xây dựng đội ngũ có trình độ chuyên môn, có tay nghề, góp phần tạo nguồn lực phát triển khai thác thuỷ sản bền vững và hiệu quả cao trong tương lai”.

(Nguồn: baocamau.vn)

Link gốc: https://baocamau.vn/noi-lo-thieu-lao-dong-nghe-bien-a34468.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Chuyện ít người biết về kẹo Giáng sinh

Tu bổ, phục hồi di tích điện Cần Chánh - nơi vua làm việc hằng ngày

Người đàn ông vô địch cuộc thi ghép từ tiếng Tây Ban Nha dù không biết nghĩa

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829