Thứ hai, 06/02/2023, 15:00
Nở rộ lừa đảo trên mạng xã hội
Hiện nay, nạn lừa đảo trên mạng xã hội (MXH) nở rộ, thông qua nhiều thủ đoạn như dùng giấy tờ giả mạo, giả danh cơ quan nhà nước, người thân thông qua tài khoản bị “hack”,...
Những thủ đoạn lừa đảo
Phổ biến nhất là thủ đoạn chiếm quyền kiểm soát tài khoản Facebook, Zalo, sau đó nhắn tin đề nghị người thân, bạn bè của chủ tài khoản chuyển tiền hoặc nạp thẻ điện thoại. Nhiều người vẫn bị lừa vì người thân đang là “chính danh” của tài khoản, cộng với số tiền nhờ giúp đỡ không lớn, trong khi người thân “đang cấp cứu ở bệnh viện” hay “đang sửa xe cần tiền gấp”.
Một thủ đoạn tuy cũ nhưng nhiều người vẫn bị lừa là chiêu trò nhắn tin thông báo trúng thưởng, yêu cầu chủ số điện thoại chuyển tiền đóng thuế thu nhập cá nhân, thuế trước bạ (trường hợp trúng xe), yêu cầu đóng góp ủng hộ quỹ vì người nghèo. Để làm tin, chúng gửi hình ảnh lễ quay thưởng hết sức hoành tráng với đầy đủ quan khách, danh sách trúng thưởng, quyết định trao thưởng đóng dấu đỏ chóe.
Một chiêu trò nữa cũng khá hấp dẫn là “việc nhẹ, lương cao” nên khá nhiều người sập bẫy. Đối tượng lừa đảo đăng thông tin tuyển dụng trên MXH, “thả thính” hấp dẫn “con mồi” với nhiều lợi nhuận hấp dẫn, chiết khấu hoa hồng cao rồi mời gọi làm cộng tác viên bán hàng. Để trở thành cộng tác viên, nạn nhân phải bỏ ra một số tiền để mua hàng, sau đó sẽ được trả tiền hoa hồng với tỷ lệ phần trăm khá lớn. Khi nạn nhân mua hàng, chúng sẽ chuyển một khoản tiền hoa hồng để tạo niềm tin, sau đó lừa nạn nhân mua những đơn hàng lớn hơn rồi “bùm” tiền, sau đó xóa sạch liên hệ.
Một hình thức lừa đảo khá mới là các ứng dụng (app) liên quan tới hoạt động “tín dụng đen” cho vay với lãi suất “cắt cổ”. Nạn nhân nhận được tin nhắn kèm đường link cài đặt ứng dụng có nội dung như “Không cần thế chấp, lãi suất không đồng”, “Vay siêu tốc, nhận tiền sau 30 phút, lãi suất thấp, nhận tiền ngay”,...Khi nạn nhân đồng ý vay nợ, các ứng dụng này sẽ yêu cầu cho phép ứng dụng truy cập vào danh bạ điện thoại, tài khoản MXH, chụp ảnh nhận diện, ảnh căn cước công dân. Khi đến hạn thanh toán mà không trả hoặc chậm trả lãi, các đối tượng sẽ truy cập vào điện thoại hoặc quay sang đòi nợ những người trong danh bạ (dù không liên quan đến tài khoản vay); gửi tin nhắn đe dọa, xúc phạm hoặc dùng MXH đăng tải hình ảnh người khác với mục đích bôi nhọ,...gây áp lực ép người vay phải trả tiền. Hình thức lừa đảo này đã khiến không ít người bị mất nhà, tài sản.
Làm gì để không sập bẫy
Việc đầu tiên chúng ta nên làm là sử dụng mật khẩu MXH có độ bảo mật cao (không sử dụng số điện thoại hoặc ngày, tháng, năm sinh làm mật khẩu); thường xuyên thay đổi mật khẩu cho tài khoản MXH để tránh bị các đối tượng lợi dụng sơ hở xâm nhập vào tài khoản và “chính danh” thực hiện hành vi lừa đảo.
Đồng thời, chúng ta cẩn trọng khi nhận được các đường link hoặc file qua Facebook, Zalo, vì khi bấm vào đường link này sẽ dẫn tới những trang web độc hại. Dù chưa thao tác gì nhưng kẻ xấu có thể đã cài đặt mã độc lên máy tính hoặc điện thoại của nạn nhân, kiểm soát thiết bị, đánh cắp dữ liệu và các thông tin liên quan đến tài khoản. Cần tỉnh táo trước những thông tin tuyển dụng làm "việc nhẹ, lương cao", làm cộng tác viên cho các gian hàng thương mại điện tử trên Lazada, Shopee, Tiki, Sendo,...Không chuyển tiền đặt cọc nếu chưa xác minh tính xác thực của thông tin tuyển dụng. Hạn chế mua hàng trên MXH, trường hợp bạn muốn mua, hãy xác định rõ giá trị thực của món hàng đó và chỉ thanh toán khi đã cầm trên tay món hàng.
Ngoài ra, chúng ta cần cẩn trọng với bất kỳ thông tin nào trên không gian mạng, mọi người đều có thể bị giả mạo và bị đội lốt bởi kẻ lừa đảo. Không thiếu trường hợp tài khoản bị "hack" và đi lừa gạt mọi người. Đồng thời cũng không nên làm theo các yêu cầu đăng ký để được nhận quà bởi đó thường là những chiêu trò lừa đảo.
(Nguồn: baolongan.vn)
Link gốc: https://baolongan.vn/no-ro-lua-dao-tren-mang-xa-hoi-a149215.html