Đang tải ...
  
Du lịch cuộc sống Điểm đến

Thứ hai, 26/02/2024, 10:30

Những cung leo núi đẹp nhất Việt Nam

Trước đây, dân leo núi chủ yếu chinh phục Fansipan, đỉnh núi cao nhất Đông Dương. Tuy nhiên, khi cáp treo lên đỉnh bắt đầu được xây dựng, dân đam mê leo núi đã cùng người dân địa phương khám phá ra các điểm leo mới ở Tây Bắc.

Hiện có tất cả 15 đỉnh núi cao nhất ở Tây Bắc được giới leo núi (trekkers) chinh phục hàng năm.

Tôi leo Fansipan tháng 11 năm 2015, hai tháng trước khi cáp treo lên đỉnh được khánh thành. Chuyến đi đó đã thay đổi suy nghĩ của tôi về môn thể thao leo núi và từ đó đến nay tôi đã chinh phục được 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Tôi xin được giới thiệu một số cung leo đáng chú ý để bạn đọc tham khảo.

Tác giả trong một lần leo đỉnh Tà Xùa. Ảnh: Đức Hùng.

Pusilung – cung leo dài và khắc nghiệt nhất

Đỉnh núi Pusilung là ngọn núi có độ cao 3.086m, nằm ở xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, giáp với biên giới Trung Quốc.

Cung leo 3 ngày 2 đêm với tổng chiều dài hơn 60km là điểm đến trong mơ của mọi phượt thủ do trước đây 10 người leo thì chỉ có 4-5 người chinh phục thành công. Cung leo được giới trekkers đánh giá là khắc nghiệt nhất vì để đến được điểm xuất phát leo cách Hà Nội khoảng 550 km phải đi xe ô tô mất khoảng 15 tiếng, khiến bào mòn thể lực của các trekkers ngay trước khi leo.

Trước đây, cả quãng đường đi về của cung leo vào khoảng 60km, dài nhất trong tất cả các cung leo ở Tây Bắc. Hai năm trở lại đây, quãng đường được rút ngắn còn khoảng 45 km nhờ có lối đi mới nhưng vẫn là cung leo dài nhất.

Pusilung cao thứ hai Việt Nam, xếp sau đỉnh Fansipan (3.143 mét). Ảnh: Đức Hùng.

Cung leo Pusilung có tổng cộng 11 con suối lớn nhỏ, là cung leo có nhiều suối thứ 2 sau Nam Kang Hô Tao. Cung này được khuyến cáo không nên đi nếu dự báo có mưa do nước ở các dòng suối dâng lên rất nhanh và chảy xiết, chia cắt du khách đi tiếp hoặc quay trở về. Đường lên đỉnh Pusilung sẽ đi qua cột mốc 42, là mốc biên giới cao thứ hai trên toàn lãnh thổ Việt Nam (chỉ sau cột mốc 79) nằm trên cao độ 2.866 mét.

Cung leo có nhiều con suối rất nguy hiểm. Ảnh: Đức Hùng.

Nam Kang Ho Tao - cung leo khó và nguy hiểm nhất

Đỉnh Nam Kang Ho Tao có độ cao 2.881 nằm trên địa phận thuộc tiểu khu 303A, núi Hoàng Tha Thầu, thôn Tả Trung Hồ, xã Bản Hồ, thị xã Sapa và nằm trong Vườn quốc gia Hoàng Liên.

Được khám phá năm 2017, khá muộn so với nhiều đỉnh khác, Nam Kang Ho Tao ngay lập vượt Pusilung thành đỉnh núi khó chinh phục nhất Tây Bắc do cung đường dài cùng các vách đá cheo leo dựng đứng và các con suối lớn dữ dằn.

Nam Kang Ho Tao. Ảnh: Dũng Coli.

Các trekkers đam mê khám phá vẻ đẹp tự nhiên của núi rừng Tây Bắc và thử thách giới hạn của bản thân thường chinh phục Nam Kang Ho Tao trong 3 ngày 2 đêm. Họ xuất phát từ bản Thào A, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu và về qua bản Dền Thàng, thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai với tổng chiều dài 43 km. 

 Cung leo Nam Kang Ho Tao không dành cho những người mới leo và kể cả những người có kinh nghiệm, nếu gặp trời mưa thì không nên đi tiếp vì các vách núi cheo leo lúc đó trơn trượt, rất nguy hiểm nếu cố vượt qua.

Đường lên Nam Kang Ho Tao. Ảnh: Dũng Coli.

Anh Tẩn Chỉnh Khệ, người dẫn đường kiêm gùi đồ (porter) có nhiều năm dẫn các tour leo núi ở Tây Bắc chia sẻ: “Cung leo Nam Kang Ho Tao là cung leo dài thứ 2 sau Pusilung trong tổng số 15 cung leo các đỉnh núi cao nhất ở Việt Nam. Tuy nhiên, cung có các dốc núi cao và nhiều vách núi chênh vênh nguy hiểm hơn, nên các porters chúng tôi đều cho rằng Nam Kang Ho Tao là đỉnh núi khó chinh phục nhất”.

Khu rừng nguyên sinh từ đỉnh Nam Kang Ho Tao xuống phía Lào Cai được đánh giá là khu rừng đẹp nhất Tây Bắc. Các ngọn thác và suối thơ mộng, thảo quả mọc bạt ngàn phía dưới, phía trên là cây quý hiếm như bách xanh, thông đỏ, đỗ quyên đặc biệt là pơ mu, mỗi cây có đường kính hơn 1m khiến du khách như lạc vào vườn cổ tích.

Bạch Mộc Lương Tử - Cung leo đẹp nhất

Nằm ở độ cao 3.046m, Bạch Mộc Lương Tử (tên gọi khác là Kỳ Quan San) là ngọn núi cao thứ tư ở Việt Nam. Cung leo có tổng chiều dài đi về 30km được đánh giá là cung leo đẹp nhất Việt Nam nhờ có địa hình núi đá, suối và hệ thực vật và rừng nguyên sinh đa dạng và đẹp.

Bạch Mộc Lương Tử cũng là thiên đường của mây. Bạch Mộc Lương Tử nằm trong danh sách “phải đến” của bất kỳ phượt thủ thích leo núi.

Có thể leo Bạch Mộc Lương Tử từ hai hướng, hướng thứ nhất dễ hơn là từ xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai và hướng thứ hai hiểm trở hơn từ bản Dền Sung, xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Thông thường các trekkers sẽ chinh phục Bạch Mộc Lương Tử trong hai ngày với các thành viên có sức khỏe và kinh nghiệm và họ thường đi vào tháng 2-3, khi hoa đỗ quyên nở rộ nhất.

Hoa đỗ quyên sẽ nở rộ trên Bạch Mộc Lương Tử vào mùa xuân. Ảnh: Đức Hùng.

Tà Xùa – Cung leo có rừng rêu đẹp nhất và sống lưng khủng long dài nhất

Đỉnh Tà Xùa thuộc xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái có độ cao 2.865m so với mực nước biển. Đỉnh Tà Xùa là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Yên Bái và Sơn La.

Tà Xùa có ba đỉnh hợp thành, nhìn trông giống như một con khủng long đá khổng lồ với sống lưng nhấp nhô gai góc và hiểm trở.

Tà Xùa. Ảnh: Dũng Khuất.

Cung leo Tà Xùa thu hút du khách chú ý bởi sở hữu đoạn sống lưng khủng long độc đáo, dài và đẹp, mang lại cho du khách cảm giác mạnh không nơi nào sánh được.

Trên đỉnh Tà Xùa còn có một khu rừng phủ rêu có một không hai ở Việt Nam. Nơi đây cũng là thiên đường của mây.

Thiên đường mây Tà Xùa. Ảnh: Dũng Khuất.

Lùng Cúng – Cung leo ngắm hoàng hôn và bình minh đẹp nhất

Đỉnh Lùng Cúng cao 2.913m, thuộc xã Nậm Có, huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái, là đỉnh núi cao thứ 11 trong danh sách 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Lùng Cúng thu hút một lượng lớn các trekkers do địa hình rừng núi đẹp, cung đường leo ngắn với độ khó vừa phải và đây cũng là nơi lý tưởng để săn mây.

Hoàng hôn Lùng Cúng: Ảnh: Lại Hồng Thái.

Nhờ có tầm nhìn 360 độ ở trên đỉnh và thảm cỏ dầy và xanh ấn tượng trên đường lên đỉnh mà hoàng hôn trên đỉnh Lùng Cúng được đánh giá là đẹp nhất trong các đỉnh ở Việt Nam.

Hoàng hôn Lùng Cúng. Ảnh: Mạnh Chiến.

Lảo Thẩn - Thiên đường săn mây đẹp nhất

Đỉnh núi Lảo Thẩn nằm ở độ cao 2.862m ở thôn Phìn Hồ, xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, là đỉnh núi đứng thứ 12 trong những đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Không có núi non hùng vĩ hay có hệ sinh thái rừng và suối đa dạng như các cung leo khác nhưng Lảo Thẩn được nhiều người ưa thích bởi đây là đỉnh núi dễ leo nhất trong 15 đỉnh núi cao nhất nước ta.

Lảo Thẩn. Ảnh: Nguyễn Anh Chiêm.

Ngoài ra, đây là điểm săn mây đẹp nhất Tây Bắc do hiện tượng mây đặc biệt ở khu vực này cũng như địa hình thoáng, không bị núi và cây cối che khuất. Theo anh A Hờ, chủ lán nghỉ trên đường lên đỉnh Lảo Thẩn, những ngày cuối tuần có những hôm có tới hơn 300 người lên đỉnh để ngắm mây trong khi lán của anh chỉ chứa được khoảng 100 người, dẫn tới việc nhiều người phải ngủ lều. Đi vào những ngày trong tuần sẽ tránh được việc quá tải trong sinh hoạt trên khu vực ở lán nghỉ là lời khuyên của anh A Hờ.

Ngày càng có nhiều người tham gia phong trào leo núi: Ảnh: Đức Hùng.

Một số lưu ý khi tham gia leo núi

Tìm hiểu kỹ về cung leo trước chuyến đi và lượng sức mình để tránh đi các cung leo khó và nguy hiểm khi kinh nghiệm leo núi chưa nhiều.

Tập luyện thể lực bằng cách chạy và leo cầu thang bộ trước khi leo để tránh bị chấn thương.

Đi leo núi theo tour hoặc tự tổ chức nhưng bắt buộc phải có người dân địa phương, thường được gọi là porters (những người gùi đồ và dẫn đường) đi cùng để tránh gặp rủi ro do lạc đường hoặc tai nạn.

Thời gian lý tưởng nhất để leo các đỉnh núi ở Tây Bắc là từ tháng 10 đến cuối tháng 4 khi thời tiết mát, trời vào mùa khô, ít gặp mưa rừng, tránh nguy cơ bị lũ quét hoặc các con suối bị ngập nước và trở nên hung dữ.

(Nguồn: theleader.vn).

Link gốc: https://theleader.vn/nhung-cung-leo-nui-dep-nhat-viet-nam-1707737655123.htm

Chia sẻ

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829