Thứ bảy, 15/04/2023, 10:00
Những chiếc bánh của người thợ già
Những chiếc bánh ấy, thế hệ sau chúng tôi chưa từng thấy bao giờ. Nhưng nó lại là ký ức thân quen của người cũ, là kế mưu sinh cả đời của bà Dương Kim Thêu (sinh năm 1948, ngụ xã Hòa An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang).
Mấy mươi năm nay, bà Thêu sống một mình trong căn nhà nhỏ, nằm sâu trong đồng quê. Thuở thiếu nữ, bà thấy người nhà, bà con xung quanh làm bánh, nấu ăn, bà mê lắm, xắn tay vô bếp tập tành món này, món kia. Tuổi đôi mươi, bà chính thức trở thành thợ nấu, món gì cũng cố gắng tự học, tự làm. Trời cho năng khiếu ở đôi tay, bà kiếm sống bằng nghề bếp núc.
Người thiếu nữ xưa dần luống tuổi, chứng kiến cuộc sống ở vùng quê thay đổi nhiều. Những món ăn xưa kia được ưa chuộng, thì giờ chẳng mấy ai nhớ đến. Nhưng bà quen tay, quen nếp sống cũ, vẫn cặm cụi làm từng chiếc bánh cũ, trong căn nhà cũ.
Đó là những chiếc bánh dân gian, được làm từ bột mì khoảnh, bột mì ngang, đường, nước cốt dừa… trộn với nhau theo công thức riêng mấy chục năm của bà. Để chiếc bánh thêm bắt mắt, bà trộn với phẩm màu ngay khi nhồi bột.
Chưa đầy 1 phút, bà đã làm xong chiếc bánh đầu tiên, có tên khá lạ: Họng xôi. Loại bánh này gần như thất truyền, rất hiếm gặp. Trước đó, chúng được dùng phổ biến trong đám tiệc ở làng quê (đám cưới, đám giỗ…).
Cũng cùng công thức bột, bà khéo tay làm thêm bánh sầu riêng, với nhiều “gai nhọn”. Thật ra, bên trong bánh là dừa, mè, đường… xào chín, không hề có vị sầu riêng.
Tương tự, là bánh cua…
Và bánh tôm. Hồi trước, bà lấy hột cam thảo màu đỏ, màu đen làm mắt cho tôm, cua. Dần dần, nguyên liệu ấy mất hẳn, bà chuyển sang dùng hột tiêu.
“Tôi dạy con cháu làm bánh, nhưng tụi nó không biết làm, hoặc không chịu theo nghề. Nhồi bột không khéo, bột sẽ chảy, hoặc chai, không tạo hình được. Bánh cua, tôm khó làm hơn các loại khác, mất thời gian cắt tỉa càng. Nghĩ mình lớn tuổi, cứ giữ nghề làm bánh xưa giờ. Khách đặt nhiều thì làm 2-3 ngày, từ từ làm, một mình xoay xở cũng xong” – bà Thêu chia sẻ.
Không nướng bánh trên bếp than như hồi xưa, bà đầu tư chiếc lò nướng điện, vừa tiện vừa sạch sẽ. Thế nhưng, bà cân nhắc hoài, không dám mua thêm chiếc máy nữa, sợ sức khỏe mình lên xuống thất thường, rồi chiếc lò bị bỏ quên…
Những chiếc bánh chậm rãi chín, nở bung trong lò nướng, cũng là lúc bà Thêu cặm cụi làm mẻ bánh mới. Cứ như thế, suốt 4-5 tiếng đồng hồ, bà nướng được vài chục chiếc bánh, đủ yêu cầu khách đặt.
Một số bạn trẻ trải nghiệm làm bánh họng xôi, bà nhiệt tình hướng dẫn. Thật ra, người khéo tay thì có thể hoàn thành chiếc bánh sau vài lần trật vuột. Chỉ có điều, để chiếc bánh đều tăm tắp, không bị sứt gãy khi nướng, lại cần quãng thời gian dài tập luyện.
Bà Bảy, một người em của bà Thêu, năm nay hơn 60 tuổi cũng thi thoảng sang nhà tiếp cán bánh, làm mấy khâu lặt vặt. Thấy vậy chứ có người đỡ đần tay chân, trò chuyện, bà Thêu vui hẳn lên, căn nhà rộn rã tiếng nói cười, vất vả mệt nhọc trôi đi mất.
Bánh nướng xong thường có ngả màu trắng đục, chưa bắt mắt lắm. Bà Thêu lại dùng trứng gà phết lên vàng ươm, rồi đem nướng lần nữa.
Bước cuối cùng là “bắt bông” cho bánh họng xôi. Đó là đường tán nhuyễn, pha thêm phẩm màu và chanh, chốc lát khô cứng lại trên mặt bánh. Lúc này, bánh thật sự bắt mắt, ưa nhìn, như hoa cúc nở rộ.
Cả mâm bánh này, bà Thêu làm từ sáng sớm đến quá trưa. Mỗi chiếc bánh chỉ từ 6.000 đến 10.000 đồng, chất chứa tâm tình của người thợ xưa cũ. Người mua giờ ít dần, nhiều hôm chái bếp của bà vắng lặng. Thi thoảng có khách, bà lại tất bật mua bột, mua dừa, lặng lẽ biến bột thành hoa, sáng bừng góc bếp.
“Tôi lớn tuổi, làm theo khả năng của mình, nên không thể làm bánh số lượng lớn để bán thường xuyên. Chẳng có truyền nhân, có lẽ bánh sẽ thất truyền. Nhưng thôi, cuộc sống là vậy, lo lắng quá làm chi. Ngày nào còn làm bánh được, tôi vẫn sẽ duy trì nghề này” – bà cười tươi, kết thúc buổi làm bánh của mình.
(Nguồn: baoangiang.com.vn)
Link gốc: https://baoangiang.com.vn/nhung-chiec-banh-cua-nguoi-tho-gia-a360253.html