Thứ ba, 15/02/2022, 12:00
Người dân Thụy Sĩ ủng hộ siết chặt quảng cáo thuốc lá
Trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 13/2, đa số người dân Thụy Sĩ đã ủng hộ lệnh cấm quảng cáo thuốc lá tại những nơi công cộng.
Theo kết quả trưng cầu dân ý, gần 57% cử tri và 16/26 chính quyền khu vực tại Thụy Sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ cấm gần như hoàn toàn quảng cáo thuốc lá. Theo luật hiện hành, quảng cáo thuốc lá vẫn hợp pháp trên phạm vi toàn quốc, ngoại trừ sóng truyền hình, phát thanh và những trường hợp đặc biệt liên quan tới trẻ em.
Một bảng hiệu kêu gọi mọi người ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý phản đối quảng cáo thuốc lá tại Thụy Sĩ. Ảnh: AFP
Jean-Paul Humair, người đứng đầu trung tâm phòng chống nghiện thuốc lá Geneva, ca ngợi kết quả trưng cầu là “bước đi rất quan trọng” trong cuộc chiến chống sử dụng thuốc lá và ông thẳng thừng bác bỏ lập luận của ngành công nghiệp thuốc lá Thụy Sĩ. Humair cho rằng sử dụng thuốc lá tạo ra sự phụ thuộc nghiêm trọng. Hơn ¼ số người trưởng thành ở Thụy Sĩ tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá và mỗi năm nước này ghi nhận khoảng 9.500 ca tử vong liên quan thuốc lá, trong khi hàng trăm ngàn người đang vật lộn với các bệnh mãn tính do hút thuốc lá. Ðược biết, hơn 40% thiếu niên 14, 15 tuổi ở Thụy Sĩ tự mình mua thuốc lá từ siêu thị, nhà hàng hoặc máy bán hàng tự động. Nhiều em bị thu hút bởi họ coi hút thuốc là hành vi của người lớn.
Thụy Sĩ hiện thua xa phần lớn các nước giàu về việc hạn chế quảng cáo thuốc lá. Nguyên nhân được cho là do sự vận động hành lang ráo riết của một số công ty thuốc lá lớn nhất thế giới mà trụ sở hoặc chi nhánh đặt tại đất nước 8,6 triệu dân này, bao gồm Philip Morris International, British American Tobacco và Japan Tobacco.
Theo tờ Thời báo New York, Chính phủ Thụy Sĩ lâu nay duy trì một mối quan hệ thân thiện với các công ty thuốc lá. Ngành công nghiệp thuốc lá đóng góp cho kinh tế Thụy Sĩ khoảng 6,5 tỉ USD mỗi năm, tương đương 1% GDP và tạo ra 11.500 việc làm.
Một số bang của Thụy Sĩ đã ban hành lệnh cấm quảng cáo thuốc lá nghiêm ngặt, song các nhà hoạt động bảo vệ sức khỏe muốn có những quy định khắt khe hơn nữa. Trong khi đó, phe phản đối ý tưởng này, bao gồm cả các thành viên Chính phủ và Quốc hội, cho rằng điều đó đi quá xa. Bộ trưởng Y tế Thụy Sĩ Alain Berset hôm 13/2 nhấn mạnh với báo giới rằng quy định mới về hạn chế quảng cáo thuốc lá ít có khả năng có hiệu lực trong năm nay.
Những bước đi tích cực nhưng chưa đủ
Trong những năm gần đây, Thụy Sĩ đã có những nỗ lực nhằm ban hành những quy định cứng rắn hơn về các sản phẩm liên quan thuốc lá. Ðơn cử như năm 2015, Hội đồng Liên bang, một nhánh hành pháp của Thụy Sĩ, từng đề xuất Luật Sản phẩm Thuốc lá, trong đó cấm bán thuốc lá và các sản phẩm liên quan cho trẻ em cũng như hạn chế quảng cáo mặt hàng có hại cho sức khỏe này. Cuối cùng quốc hội lại thông qua phiên bản ít nghiêm khắc hơn của dự luật.
Phản ứng với quyết định trên, một nhóm gồm hơn 40 tổ chức y tế đã ra đời và khởi xướng Luật Sản phẩm Thuốc lá điều chỉnh, trong đó lần đầu tiên giới hạn độ tuổi tối thiểu để mua thuốc lá trên toàn quốc là 18. Luật này, cũng bao gồm những điều khoản liên quan đến quảng cáo thuốc lá mà các cử tri thông qua hôm 13/2, dự kiến có hiệu lực vào năm 2023.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động cho rằng luật mới không đủ để cải thiện thứ hạng thấp của Thụy Sĩ tại châu Âu về việc hạn chế quảng cáo thuốc lá. Ðến nay, Thụy Sĩ vẫn chưa phê chuẩn Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dù đã tham gia ký kết từ năm 2004. Tương tự, Mỹ cũng chưa phê chuẩn công ước khung này. Theo WHO, thuốc lá cướp đi sinh mạng của hơn 8 triệu người trên thế giới mỗi năm.
Thuốc lá có hàm lượng hắc ín cao không được phép sản xuất hoặc bán trong Liên minh châu Âu mà Thụy Sĩ không là thành viên. Thuốc lá, sôcôla và phô-mai nằm trong nhóm những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Thụy Sĩ.
(Nguồn: Báo Cần Thơ)