Thứ hai, 20/05/2024, 10:00
Người 'kỹ sư nông dân' với thú chơi xe cổ
Ông Đinh Văn Sơn (ấp 1, xã Long Cang, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) được mọi người biết đến như một “kỹ sư nông dân” khi có hàng loạt các sáng chế máy móc phục vụ sản xuất. Những lúc căng thẳng trong công việc, ông tìm đến thú chơi xe cổ như một cách để giảm stress.
Nhiều năm qua, ông Đinh Văn Sơn được mọi người biết đến như một “kỹ sư nông dân”. Dù chưa từng được đào tạo về cơ khí nhưng bằng sự đam mê học hỏi, mày mò sáng chế, ông Sơn sáng tạo nhiều máy móc, thiết bị ứng dụng hiệu quả trong đời sống, nhất là phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Trong quá trình chăn nuôi, thấy lợi nhuận của nông dân không cao bởi chi phí đầu tư thức ăn công nghiệp quá lớn, từ đó, ông mày mò nghiên cứu chế tạo máy ép, sấy cám viên cho gia súc. Qua nhiều lần thất bại, với sự kiên trì, năm 2011, ông Sơn sáng chế thành công máy ép, sấy cám viên cho gia súc.
Với nhu cầu thị trường, sau đó, gia đình ông Sơn mở xưởng cơ khí sản xuất máy, tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương. Sau thành công từ chiếc máy ép, sấy cám cho gia súc, ông còn sáng chế nhiều máy móc khác có tính ứng dụng cao như máy tự động cùng một lúc vừa hút rầy, vừa phun thuốc; máy ép, sấy cám viên cho tôm.
Với đam mê sáng chế, ông Sơn từng vinh dự được trao giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo nhà nông của tỉnh và hạng Nhì tại Hội thi Sáng tạo toàn quốc do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức. Trong xưởng sản xuất của ông Sơn, chiếc tủ trưng bày giấy khen, đồ lưu niệm được đặt trang trọng ở phòng khách.
Công việc cơ khí vốn khô khan, vì thế, ông Sơn tìm đến thú chơi xe cổ như một cách để giảm stress sau nhiều năm "làm bạn" với sắt, thép. Những chiếc xe ông sưu tầm chủ yếu là Mobylette.
Chiếc Mobylette đầu tiên do ba của ông Sơn để lại. “Trước đây, tôi thường mày mò nghiên cứu máy móc, có những chiếc máy mất một vài năm mới hoàn thành. Những lúc căng thẳng do công việc, tôi lại tìm hiểu chính chiếc xe cổ của ba tôi. Cũng không biết từ khi nào, tôi có niềm đam mê đặc biệt với những chiếc xe Mobylette cổ”, ông Sơn cho biết.
Ông Sơn chia sẻ, chiếc Mobylette cổ chai gần như còn nguyên bản nhất được ông yêu thích nhất trong những chiếc xe cổ hiện có.
Nhiều bộ phận của chiếc Mobylette cổ chai được giữ nguyên bản.
Đèn, còi trên chiếc xe cổ vẫn còn hoạt động tốt dù trải qua gần 70 năm.
Điểm thú vị ở chiếc xe Mobylette cổ khi có cả hộp nhôm đựng đồ trang điểm của phụ nữ được treo trên yên sau của xe.
Xe Mobylette là thương hiệu xe đạp máy của hãng Motobecane, Pháp. Lịch sử của chiếc xe kéo dài 48 năm từ năm 1949-1981.
Ký hiệu chữ G là viết tắt của Aiglon – Công ty anh em của Peugeot. Tuy là xe máy, song xe Mobylette có thêm bàn đạp để sử dung khi hết xăng.
Xe Mobylette kiểu Bima với dung tích 49cc. Dòng xe này được sản xuất năm 1954.
Ông Sơn cho biết, chiếc Mobylette cổ chai có biển số và giấy tờ đầy đủ, trước đây từng có người trả giá 400 triệu đồng nhưng ông nhất quyết không bán.
(Nguồn: baolongan.vn)
Link gốc: https://baolongan.vn/nguoi-ky-su-nong-dan-voi-thu-choi-xe-co-a176372.html