Thứ năm, 19/05/2022, 13:00
Người đam mê sưu tầm kỷ vật chiến tranh
Tây Ninh - Hơn 37 năm qua, cựu chiến binh Trần Ngọc (SN 1959, ngụ khu phố 3, phường 1, thành phố Tây Ninh) đã lặn lội khắp nơi để sưu tầm, cất giữ gần cả ngàn kỷ vật thời chiến tranh và xem đó như là báu vật.
Bi đông đựng nước của quân đội Mỹ được ông Ngọc sưu tầm.
Ngoài nơi ở của gia đình, ông Trần Ngọc còn xây thêm 5 căn phòng khác, mỗi căn rộng khoảng 25m2 được ông sắp xếp ngăn nắp theo chủ đề các kỷ vật thời chiến, như: mũ cối, ba lô, bi-đông đựng nước, chén sắt, hệ thống thông tin liên lạc, máy chụp hình, các vật dụng phục vụ hậu cần…
Ngoài sân, những vỏ đạn, súng cối được sắp đặt ngăn nắp, gọn gàng. Ông Ngọc cho biết: “Để có được cách bố trí thứ tự của từng kỷ vật như hôm nay, tôi phải đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở một số bảo tàng từ Trung ương đến địa phương”.
Vừa là chủ nhân, vừa là người thuyết minh những kỷ vật chiến tranh, mỗi lần giới thiệu các hiện vật, ông Ngọc lại say sưa kể về tiểu sử, lai lịch của từng kỷ vật. Ông nói, được ngắm nhìn, chạm vào kỷ vật là ông lại cảm nhận như có đồng đội ở bên mình.
Ông Ngọc sinh ra và lớn lên tại một vùng quê của xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Năm 1978, sau khi tốt nghiệp THPT, chàng trai Trần Ngọc cùng rất đông thanh niên trong làng xung phong lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
Năm 1979, ông được cử đi học Trường sĩ quan Chỉ huy công binh tại Bình Dương, nay là Đại học Ngô Quyền. Năm 1982 ra trường, ông được điều về E548 công binh thuộc Mặt trận 479 tham gia nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia; năm 1989 ông về công tác tại Tỉnh đội Tây Ninh, đến năm 2015 ông nghỉ hưu với quân hàm thượng tá.
Ông Ngọc bắt đầu sưu tầm kỷ vật chiến tranh từ năm 1985. Hằng tháng, vào những ngày nghỉ, ông trích một ít tiền lương rong ruổi khắp địa bàn trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Long An để sưu tầm hiện vật…
Sau mỗi chuyến đi, ông mang về khi thì chiếc nón cối, nón tai bèo đã bạc màu theo thời gian; khi thì những chiếc ba lô, bi-đông đựng nước đã tróc hết sơn. Đến nay, trong nhà ông trưng bày hơn 800 kỷ vật chiến tranh. "Chiếc mũ cối này từng được bộ đội ta sử dụng, tôi được một CCB tặng; chiếc bi-đông đựng nước và chiếc nón tai bèo được mua lại từ một người dân ở Tân Châu.
Ông Ngọc chỉ vào từng món đồ nói. Biết ông hay đi sưu tầm kỷ vật chiến tranh nên khi có người mách bảo là ông tranh thủ đến tận nơi. Có nhiều gia đình ông phải năn nỉ mãi người ta mới chia để ông mang về trưng bày. Biết ông say mê sưu tầm kỷ vật chiến tranh, nhiều đồng đội, người thân ở xa cũng gửi tặng ông.
Để bộ sưu tập thêm phong phú, không chỉ sưu tầm những kỷ vật của bộ đội ta, ông Ngọc còn sưu tầm cả những vật dụng của quân đội Mỹ như các thẻ bài, ăng gô, ba lô, dây nịt, giày đinh, nón sắt…Ngoài ra, ông Ngọc còn sưu tầm những chiếc xe honda, chiếc máy ảnh, điện thoại để bàn từ các thời kỳ.
Ông Ngọc chia sẻ: “Mấy năm trước đây khi kinh tế còn khó khăn lắm, thấy tôi trích một phần tiền lương đi mua hết món này đến món khác, có hôm phải mướn xe lôi chở những kỷ vật chiến tranh về đầy sân, bà xã rất bực mình. Nhưng khi tôi giải thích, phân tích từng món đồ gắn với những mẩu chuyện chiến tranh, dần dần bà xã ủng hộ". Khoảng 2 tuần, ông dành thời gian lau chùi những kỷ vật để không bị sét, gỉ, bụi bặm, việc làm này nay còn có thêm sự hỗ trợ của bà xã.
Ông Ngọc bên những vỏ quả bom.
Khi được hỏi về giá trị của những món đồ, ông Ngọc cho rằng không định giá được. Đối với người khác, những đồ vật này không khác gì sắt vụn. Nhưng với người đam mê thì đây là vật vô giá, nhất là trên mình nó còn những dấu tích của lịch sử.
Ông Ngọc tiết lộ cho chúng tôi một điều khá thú vị, ông còn nhớ rất rõ, vào ngày 14/11/2016, một luật sư người Mỹ (không biết tên đầy đủ) tên là David đã bay hơn 15.000km dẫn theo cậu con trai lúc đó 27 tuổi tên Steven, được một hướng dẫn viên chi nhánh du lịch lữ hành tại TP. Hồ Chí Minh dẫn đến nhà ông Ngọc.
Trong lúc trò chuyện (có người phiên dịch), ông David nói rằng: “Ông dẫn theo con trai, bảo là cho nó học bài học từ chiến tranh Việt Nam, những trang đau buồn nhất của lịch sử Hoa Kỳ”. Tại nhà ông Ngọc, con trai của ông David ngỡ ngàng khi lần đầu nhìn thấy những vỏ trái bom tấn mà năm xưa quân đội Mỹ ném xuống đất Tây Ninh. Đầu đạn đại bác 175mm, từng được mệnh danh “vua chiến trường” nằm sóng soài dưới góc sân nhà ông Ngọc.
Ông Trần Lê Tuấn, nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam phường 1, TP. Tây Ninh chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ và cảm phục khi biết bộ sưu tập khá đồ sộ của gia đình ông Ngọc. Khi đến tham quan đã nhắc nhở cho chúng ta về một thời bom đạn chiến tranh ác liệt mà hào hùng. Nếu thế hệ trẻ được xem những kỷ vật này sẽ hiểu nhiều hơn về các bài học lịch sử trong sách giáo khoa”.
Hiện tại, ông Ngọc vẫn tiếp tục sưu tầm những kỷ vật giá trị, không chỉ có lòng đam mê mà phải có cả kiến thức để thẩm định đúng giá trị món đồ.
Giữa cuộc sống hiện đại, bộ sưu tập về kỷ vật chiến tranh của ông Ngọc gợi nhớ ký ức về một thời “mưa bom, bão đạn” của dân tộc. Xuất phát từ đam mê, ông Ngọc ước mơ xây dựng ngôi nhà của mình thành một bảo tàng hiện vật chiến tranh mi ni. “Tôi mong muốn việc làm của mình sẽ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về lòng yêu nước, tự hào dân tộc, có trách nhiệm hơn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông Ngọc bày tỏ nguyện vọng.
(Nguồn: baotayninh.vn)
Link gốc: https://baotayninh.vn/nguo-i-dam-me-suu-ta-m-ky-va-t-chie-n-tranh-a145317.html