Thứ tư, 21/09/2022, 06:00
Nghề lặn bắt 'thần dược' trên vịnh di sản
Quảng Ninh - Chỉ với một chiếc kính lặn cùng một chiếc rìu sắt, mỗi ngày vợ chồng anh Dũng kiếm được tiền triệu nhờ việc lặn bắt hà gai, loại hải sản được coi là “thần dược” của ngư dân vịnh Hạ Long.
Mang rìu sắt đi biển
Dưới ánh nắng vàng của những ngày đầu thu, vợ chồng anh Dũng lại tất bật cho chuyến ra biển. Chị Hà (vợ anh Dũng) nhanh tay buộc lại những mảnh lưới đang phơi ở đầu mũi thuyền, anh Dũng tỉ mẩn kiểm tra lại dầu đèn cho chiếc máy nổ hiệu Đông Phong, nó là của hồi môn của hai gia đình khi anh chị mới cưới nhau.
Như đã hẹn, đúng 8 giờ sáng tôi có mặt ở đảo Tuần Châu để cùng anh chị ra vịnh lặn bắt hà gai. Đi cùng chuyến còn có thêm anh Hào, em trai chị Hà cũng là một tay lặn cừ khôi của đảo. Thấy tôi thắc mắc vì chị Hà gom hết ngư cụ cất vào hầm phía dưới boong tàu. Anh Dũng cười bảo: Lặn hà gai chỉ cần mang rìu đi là đủ.
Con thuyền cũ rẽ sóng, vòng vèo qua những vách núi đá dựng đứng, xanh ngắt cây rừng của vịnh Hạ Long. Tiếng chim hót, tiếng khỉ hú hét nhau mỗi khi thuyền lướt qua khe núi tạo nên một âm thanh đầy sức sống. Không khô khốc như những âm thanh mà trước đây tôi được nghe mỗi lần ra vịnh.
“COVID, mọi thứ đều đóng cửa, duy chỉ các hệ sinh thái trên vịnh Hạ Long được mở cửa. Nó hồi sinh sau hơn 2 năm dịch bệnh. Hai năm không có sự tác động quá đáng của con người, không phải gánh chịu những ảnh hưởng ghê gớm của du lịch. Vịnh đang hồi sinh mạnh mẽ”, anh Dũng giải thích về những âm thanh khác lạ mà tôi nghe thấy.
Chiến lợi phẩm sau thời gian ngụp lặn trong lòng biển di sản.
Sau gần 1 tiếng chạy thuyền, chúng tôi đến gần khu vực làng chài Cửa Vạn. Làng chài cổ có nét văn hóa riêng biệt hàng trăm năm của ngư dân vịnh Hạ Long và được báo chí nước ngoài xếp hạng vào “top” những làng chài cổ đẹp nhất thế giới. Nhưng hiện tại ngôi làng chỉ còn lại những ngôi nhà trống không. Ngư dân đã bị chuyển hết lên bờ vì sợ ô nhiễm môi trường vịnh.
Neo thuyền vào khu vực khuất gió, chị Hà nhanh tay thả mấy chiếc rổ xuống con xuồng nhỏ buộc phía sau thuyền rồi nhanh tay chèo về phía hòn đảo đối diện. Anh Dũng và anh Hào tay cầm sẵn 2 chiếc rìu, đầu đội kính lặn và rủ tôi bơi theo chiếc thuyền nhỏ kia.
Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, anh Dũng chỉ kịp nói với theo: “Bơi đi, nước đang xuống nhanh, tí qua đây anh kể cho mà nghe”. Theo lời anh, tôi chỉ kịp bọc cái điện thoại vào bao chống nước đeo trước ngực, mặc vội áo phao rồi hối hả bơi theo.
Hà gai được các thợ lặn biển chuyên nghiệp xem là “thần dược” nếu dùng đúng cách
Lặn bắt “thần dược”
Nước vịnh trong xanh gần như nhìn thấy đáy, lô nhô những tảng đá bám đầy vỏ hàu đã được người dân khai thác trước đó. Ánh mặt trời tuy không gắt nhưng cũng đủ làm lóa mắt mỗi khi nhìn vào những con sóng lăn tăn trên mặt vịnh. Thủy triều xuống, dần lộ ra những hốc đá ăn sâu vào núi tạo nên những hình thù kỳ thú.
Khi cảm giác đã bơi đến đúng địa điểm, anh Dũng chỉnh lại kính lặn rồi hít một hơi thật sâu, tay cầm chắc chiếc rìu quẫy người lặn xuống. Thoắt một cái, không thấy người đâu, chỉ thấy đôi chân đạp quẫy lên, để lại một đám bọt nước trên mặt biển. Anh Hào cũng lặn theo ngay sau đó.
Sau hơn 1 phút, anh Dũng dần trồi lên, tay cầm mấy cục đá màu đỏ sẫm, màu vàng cát và cả màu nâu nhạt, bên ngoài mọc đầy gai nhọn như quả chôm chôm. Miệng cười nhoẻn, anh thốt lên: “Đúng hà gai rồi, lâu lắm mới thấy lại thần dược vợ ơi”. Ngay sau đó, anh Hào cũng mang lên 2 con hà gai màu đỏ sẫm miệng cười như hoa nở.
Anh Dũng dần trồi lên cùng chiếc rìu, tay cầm mấy cục đá màu đỏ sẫm, màu vàng cát và cả màu nâu nhạt, bên ngoài mọc đầy gai nhọn như quả chôm chôm.
“Chỉ những ngư dân chuyên lặn biển mới biết đến con này. Loại hà mình thường ăn là những con hà nhỏ bằng ngón tay bám vào bờ đá gần bờ. Loại hà gai này nằm sâu dưới nước, cũng bám vào đá nhưng thân mọc đầy gai nhọn và to gấp nhiều lần con hà kia”, anh Dũng giải thích.
Cũng theo anh Dũng, loại hà gai này rất ít người được nhìn thấy chứ chưa nói đến việc biết tác dụng của nó. Nó được các thợ lặn biển chuyên nghiệp xem là “thần dược” nếu dùng đúng cách. Đàn ông ăn vào sẽ bổ thận, tráng dương, phụ nữ ăn vào sẽ đẹp da, dài tóc. Nhưng không biết mà ăn nhiều (quá 10 con) sẽ gây choáng hay còn gọi là say đạm.
Để khai thác được hà gai không phải chuyện dễ làm. Phải chọn đúng con nước, đúng địa điểm và phải đúng mùa. Mùa hà gai kéo dài khoảng 1 tháng, là thời điểm giao mùa giữa mùa hè và mùa thu, hà gai sẽ béo và giàu chất dinh dưỡng nhất. Chọn đúng con nước xuống ròng mới lặn bắt hà gai vì nó nằm sâu dưới đáy vịnh và thân đầy gai bám chắc vào đá rất khó khai thác.
Thời gian khai thác chỉ diễn ra khoảng 1 tiếng lúc thủy triều xuống ròng, và có một nguyên tắc bất thành văn của ngư dân lặn biển là chỉ bắt đúng mỗi người một rổ (khoảng 10kg) không được khai thác nhiều hơn. Thuyền chúng tôi có 4 người nên cũng chỉ khai thác đầy 4 rổ rồi quay về thuyền.
“Khi lặn xuống biển, chiếc rìu là công cụ hữu hiệu khi cạy con hà ra khỏi đá. Không những thế, màu đỏ thẫm của chiếc rìu sắt gỉ sét sẽ là màu chủ đạo để mình khai thác hà gai. Chỉ những con tương xứng với màu của chiếc rìu là ăn được vì trong quá trình sinh trưởng nó sẽ có màu theo từng giai đoạn. Độc nhất là màu đen, nhạt nhất là màu trắng và ngon nhất là màu đỏ thẫm”, anh Dũng lý giải việc mang rìu sắt đi khai thác hà gai.
Mỗi ki-lô-gam hà gai có giá khoảng 35 đến 50 nghìn đồng tùy theo màu sắc của lô hàng. Đặc biệt khi bán sẽ không được bán quá 10kg cho 1 người mua vì theo các ngư dân trong hà gai có độc tố, nếu ăn nhiều sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe. Mỗi khi bán loại hải sản này, người bán đều phải nhắc đi nhắc lại việc không ăn quá 10 con một lần.
Hà gai thường được chế biến thành 3 món chính là hà gai hấp sả chấm muối tiêu chanh; hà gai xào măng trúc hoặc mướp và món được các ngư dân vùng vịnh ưa thích là cháo hà gai ăn kèm lá tía tô. Tất cả đã tạo nên những món ăn độc lạ và giàu chất dinh dưỡng được ví như “thần dược” của ngư dân vịnh di sản.
(Nguồn: baogialai.com.vn)
Link gốc: https://baogialai.com.vn/channel/1622/202209/nghe-lan-bat-than-duoc-tren-vinh-di-san-5790599/