Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ tư, 05/07/2023, 06:30

Nghề 'cắt lá ra tiền'

Hậu Giang - Bao năm qua, ở những xóm nhỏ ven sông vẫn sống gắn bó với bụi lục bình, một thứ quà quê hương “rẻ như bèo” nhưng lại hái ra tiền và giúp cho cuộc sống của người dân huyện Long Mỹ khá giả hơn trước.

Lục bình vốn được xem là loài cỏ dại xâm lấn chiếm diện tích mặt nước, làm cạn kiệt lòng sông. Thế nhưng, trong những năm gần đây, lục bình đã “hóa kiếp” và trở thành món quà thiên nhiên ban tặng để giúp cuộc sống của người dân vùng ven sông Cái Lớn được sung túc, no đủ hơn.

Có dịp trở về xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân đang cắt tỉa, phơi và đan lục bình thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đem bán. Vào những ngày trời nắng, lục bình tươi được phơi đầy ở các khoảng sân trống, trên đường đi và tận cả những mé sông để kịp khô giao cho thương lái.

Cây lục bình đã giúp nhiều hộ có công ăn việc làm và thoát nghèo.

Anh Nguyễn Minh Cảnh, ở ấp 6, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, người có hơn 8 năm gắn bó với nghề cắt, phơi lục bình khô, chia sẻ: “Tôi được truyền nghề làm lục bình này từ mẹ tôi và giờ nó trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Làm cái nghề này thì cực lắm, phải thức khuya dậy sớm đi cắt lục bình, nắng hay mưa cũng phải làm chứ không được nghỉ tay. Dù vất vả nhưng cũng nhờ đó mà cuộc sống gia đình được cải thiện hơn trước, con cái cũng đủ điều kiện ăn học”.

Tương tự, bà Bùi Thị Tím, ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, cũng tranh thủ vào mỗi buổi sáng một mình chèo chiếc xuồng nhỏ cắt từng cọng lục bình đem lên phơi. Bà Tím cho biết, nếu đi cắt từ 6 giờ sáng thì đến khoảng 1 giờ chiều sẽ đầy một ghe, tương đương 250-260kg lục bình tươi, khi phơi đủ nắng sẽ được tầm 20kg lục bình khô.

Theo chân bà Tím lên khoảng sân trải đầy lục bình trước nhà, mặc cho cái nắng chan chát nhưng bà vẫn cố gắng phơi cho xong những bó lục bình vừa cắt. Vì theo bà Tím, lục bình cắt lên nếu không kịp phơi sẽ dễ bị mốc, hư, không bán được. Cứ 10-12kg lục bình tươi khi phơi sẽ được 1kg lục bình khô đem bán. Mỗi ngày nếu cố gắng thì có thể kiếm được hơn 300.000 đồng từ việc cắt lục bình tươi.

Gắn bó gần 16 năm với nghề lục bình từ đi cắt thuê cho người khác đến việc thuê, mua bãi để nuôi lục bình, bà Tím càng thấy yêu hơn xứ sở này, tuy còn nhiều vất vả nhưng niềm vui cũng nhiều.

Bà Tím bộc bạch: “Từ lúc hợp tác xã (HTX) ra đời thì đầu ra cũng được ổn định hơn trước, thu mua tận nơi nên đỡ tốn tiền vận chuyển, từ đó mà lợi nhuận khi đi cắt lục bình cũng cao hơn. Mỗi tháng tôi bán cho HTX khoảng 100kg lục bình nguyên liệu, mỗi ký từ 15.000-18.000 đồng tùy vào chất lượng”.

Hiện tại, mỗi tháng bà Tím mua 1 công lục bình với giá 1.500.000 đồng/vụ, khi thu hoạch được 300-400kg lục bình khô, đủ để đáp ứng cho HTX và bán lẻ ra ngoài. Khi trừ đi tất cả chi phí thì gia đình bà Tím thu được khoảng 3 triệu/tháng.

Lục bình là loại cây dễ nuôi, ít dùng phân thuốc. Nhưng để có một mẻ lục bình khô thì không phải đơn giản, các cá nhân trong gia đình phải thay nhau canh chừng. Vì phơi lục bình phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khi trời nắng thì khoảng 4 ngày sẽ khô được một mẻ, nhưng mưa nhiều thì mất tận 10-15 ngày.          

Từ khi người dân tận dụng nguồn lục bình sẵn có cải thiện cuộc sống gia đình, dòng sông Cái Lớn cũng không còn cảnh ùn ứ như trước, ghe xuồng qua lại cũng thuận tiện hơn. Không chỉ vậy, người dân nơi đây còn mạnh dạn thành lập HTX thu mua lục bình để đan đát, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn, góp phần tăng thu nhập cho hộ dân địa phương.

Chị Trần Thị Mảnh, Giám đốc HTX dịch vụ Nông nghiệp và Thủ công mỹ nghệ Xẻo Giá, ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, cho biết: “HTX được hình thành từ năm 2018, đến nay đã có 25 thành viên, chưa kể các thành viên cộng tác là những hộ gia đình lân cận. Trung bình mỗi tháng HTX giao cho thương lái khoảng 16.000 thành phẩm, mỗi cái có giá từ 35.000 đồng trở lên tùy theo kích cỡ, mẫu mã. Bình quân mỗi người sẽ có thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Đầu ra của sản phẩm luôn được đảm bảo, vì vậy đời sống người dân có nhiều khởi sắc hơn”.

Vừa nhanh tay đan chiếc giỏ, chị Nguyễn Thị Hằng, thành viên của HTX Xẻo Giá phấn khởi kể: “Nhà tôi có con nhỏ và người lớn tuổi nên không tiện đi làm xa, từ lúc làm gia công cho HTX tôi đỡ lo hơn hẳn. Đan lục bình thì chủ yếu là lấy công làm lời, khi nào rảnh thì làm, có thể làm tại nhà chứ không phải đến tận nơi như những công việc khác, mà tiền làm được cũng khá, trừ đi chi phí mua lục bình nguyên liệu và dây lát thì thu nhập cũng đủ trang trải chi phí trong gia đình”.

Theo anh Bùi Tiền Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Viễn A, hiện cây lục bình được người dân tận dụng để đan đát lúc nông nhàn, giúp hộ có thêm nguồn thu nhập cải thiện đời sống. Tuy nhiên, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không nên trồng nhiều lục bình trên sông vì dễ gây ùn tắc giao thông đường thủy, cạn kiệt lòng sông, cản trở dòng chảy...

Cây lục bình bao đời vẫn sống trên những dòng sông quê, trôi theo dòng phù sa đến với Hậu Giang nói chung và người dân huyện Long Mỹ nói riêng như một cơ duyên, đem đến màu xanh hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân trên dòng sông Cái Lớn.

(Nguồn: baohaugiang.com.vn)

Link gốc: https://www.baohaugiang.com.vn/lao-dong-viec-lam/nghe-cat-la-ra-tien-123061.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Vì sao 8 năm liền không có ngày 30 Tết?

Lộ diện linh vật rắn đang gây sốt mạng ở Quảng Trị

Độc đáo nghề làm giấy giang của người H’Mông ở Hòa Bình

Những tấm giấy siêu mỏng của Nhật Bản thu hút khách hàng toàn cầu

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829