Đang tải ...
  
Khoa học cuộc sống Quốc tế

Thứ bảy, 17/09/2022, 06:00

NASA phát hiện ‘kho báu’ sự sống trên Sao Hỏa

Khi thám hiểm một vùng sông cổ đại trên Sao Hỏa, robot tự hành Perseverance của NASA đã thu về một số mẫu vật được cho là quý giá nhất từ trước tới nay.

Robot tự hành Perseverance sử dụng cánh tay máy của mình thu thập mẫu vật quanh một mỏm đá trên Sao Hỏa. Ảnh: NASA.

Trong một số mẫu vật thu được gần đây có cả chất hữu cơ, bằng chứng cho thấy miệng núi lửa Jezero, nơi có thể từng là một hồ nước và vùng châu thổ, đã tồn tại môi trường sống tiềm tàng cách đây 3,5 tỷ năm.

“Những tảng đá mà chúng tôi đang khảo sát trên vùng châu thổ đó có nồng độ chất hữu cơ cao nhất từ đầu sứ mệnh tới nay”, Ken Farley, nhà khoa học thuộc dự án Perseverance tại Viện Công nghệ California, cho biết.

Sứ mệnh thám hiểm Sao Hỏa Perseverance, được khởi động từ 18 tháng trước, còn đặt mục tiêu tìm kiếm các dấu hiệu sự sống của vi sinh vật cổ đại. Robot tự hành Perseverance đang thu thập các mẫu đá được cho là có thể bảo tồn đáng kể những hình dạng sinh học này. Robot hiện lưu trữ 12 mẫu vật và chúng sẽ được đưa về Trái Đất trong một sứ mệnh khác vào những năm 2030.

Vùng châu thổ trên miệng núi lửa Jezero rộng khoảng 45 km và được các nhà khoa học từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đặc biệt quan tâm. Đặc điểm địa chất hình rẻ quạt tại đây, dấu hiệu về nơi sông hội tụ với hồ, giúp lưu giữ các thông tin lịch sử của Sao Hỏa trong đá trầm tích.

Trong giai đoạn hai của sứ mệnh kéo dài 5 tháng qua, robot Perseverance đã tìm thấy các lớp đá trầm tích được ví như “kho báu” góp phần vẽ nên bức tranh về khí hậu và môi trường cổ đại của Sao Hỏa, các nhà khoa học cho hay.

“Chúng cung cấp cho chúng tôi những hiểu biết phong phú về lịch sử địa chất sau khi miệng núi lửa hình thành và một bộ mẫu tương đối đa dạng. Ví dụ, chúng tôi đã tìm thấy một loại đá sa thạch chứa hạt và mảnh đá được tạo ra từ miệng núi lửa Jezero”, Farley nói.

Đá sa thạch có thể được hình thành từ quá trình bùn và cát lắng trong một hồ nước mặn khi nó bốc hơi hàng tỷ năm trước. Đội nghiên cứu sẽ cạo bỏ bề mặt của tảng đá và phân tích nó bằng một công cụ chuyên biệt nhằm trích xuất nhiều thông tin nhất có thể về sự sống.

Robot Perseverance gần đây đã chụp được một bức tranh toàn cảnh về vùng châu thổ trên miệng núi lửa Jezero của Sao Hỏa. Ảnh: NASA.

Những phân tử hữu cơ trên Sao Hỏa được các nhà khoa học rất quan tâm vì chúng đại diện cho các khối cấu tạo của sự sống, như carbon, hydro và oxy, cũng như nitơ, phốt pho và lưu huỳnh. Tuy nhiên, không phải tất cả các phân tử hữu cơ đều cần sự sống để hình thành vì một số có thể được tạo ra thông qua phản ứng hóa học.

“Việc phát hiện ra lớp phân tử hữu cơ này không đồng nghĩa rằng chắc chắn có sự sống ở đó, nhưng tổng hợp tất cả những gì chúng tôi quan sát được, chúng bắt đầu giống một số thứ mà ta từng thấy trên Trái Đất”, Sunanda Sharma, nhà khoa học tại phòng thí nghiệm của NASA ở Pasadena, cho hay. “Nói một cách đơn giản, nếu đây là một cuộc săn lùng kho báu để tìm ra những dấu hiệu tiềm ẩn của sự sống trên một hành tinh khác, thì vật chất hữu cơ là một báu vật. Và chúng tôi ngày càng thu được những manh mối thuyết phục hơn với sứ mệnh của mình”.

Robot thám hiểm Perseverance và Curiosity trước đây đã tìm thấy vật chất hữu cơ trên Sao Hỏa. Nhưng lần này, điều đặc biệt là phát hiện của chúng diễn ra ở một khu vực có thể từng tồn tại sự sống.

“Thực tế là chất hữu cơ được tìm thấy trong một loại đá trầm tích có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, mẫu vật sẽ phải đợi cho đến khi nó được đưa trở lại Trái Đất để nghiên cứu chuyên sâu hơn”, Farley lưu ý.

(Nguồn: nongnghiep.vn)

Link gốc: https://nongnghiep.vn/nasa-phat-hien-kho-bau-su-song-tren-sao-hoa-d332485.html

 

Chia sẻ

Xem nhiều

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829