Đang tải ...
  
Cập nhật 24/7 Xã hội

Thứ bảy, 12/07/2025, 06:30

Năng lượng tái tạo của Trung Quốc nhảy vọt vượt tầm toàn cầu

Trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về khí hậu, năng lượng và an ninh phát triển, việc Trung Quốc công bố vượt mốc 2.000 GW (2 tỷ kW) công suất năng lượng tái tạo là một dấu mốc không chỉ mang tính quốc gia, mà còn có ý nghĩa định hình cục diện năng lượng toàn cầu trong thập niên tới.

Tua-bin gió (wind turbines) và tấm pin năng lượng mặt trời (solar panels) trải dài ở tỉnh Sơn Đông ven biển Trung Quốc.

Theo Tân Hoa Xã, trong một báo cáo, ông Châu Hải Binh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc cho biết, tính đến cuối tháng 5, tổng công suất năng lượng tái tạo được lắp đặt tại Trung Quốc đạt 2,09 tỷ Kw, cao hơn gấp đôi con số ghi nhận vào cuối giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016 - 2020). Điều này đồng nghĩa với việc hơn 30% năng lượng điện tiêu thụ trên toàn Trung Quốc hiện nay là từ nguồn năng lượng xanh.

Như vậy, Trung Quốc hiện là quốc gia duy nhất sở hữu tổng công suất năng lượng tái tạo vượt ngưỡng 2.000 GW, tương đương gần gấp đôi tổng công suất điện quốc gia của Mỹ. Trong đó, năng lượng mặt trời chiếm gần 900 GW, năng lượng gió hơn 520 GW, cùng hàng trăm GW thủy điện và điện hạt nhân. Đây không chỉ là con số khổng lồ về lượng - mà là minh chứng cho một chiến lược phát triển có tầm nhìn dài hạn, nhất quán, và mang tính toàn diện của Bắc Kinh.

Việc liên tục mở rộng các nhà máy điện mặt trời tại các sa mạc phía Tây, lắp đặt tua-bin gió khổng lồ ngoài khơi phía Đông, và phát triển hệ thống truyền tải siêu cao áp (UHV) từ xa về trung tâm công nghiệp ở miền Đông cho thấy Trung Quốc không phát triển năng lượng tái tạo theo phong trào, mà theo một kiến trúc quốc gia đồng bộ và đầy tính chiến lược.

Trung Quốc từ lâu đã khẳng định cam kết đạt đỉnh phát thải CO2 trước năm 2030 và đạt trung hòa carbon trước năm 2060. Nhiều người từng hoài nghi liệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - vẫn phụ thuộc khá lớn vào than đá - có thể làm được điều đó hay không. Nhưng các con số mới nhất là câu trả lời mạnh mẽ.

Chỉ trong năm 2024, Trung Quốc đã lắp đặt thêm hơn 277 GW năng lượng mặt trời và 80 GW điện gió, chiếm hơn 60% tổng công suất tái tạo mới toàn cầu. Không quốc gia nào trên thế giới khác tiến gần tới quy mô này. Và Trung Quốc đã làm điều đó bằng chính công nghệ nội địa, năng lực chế tạo và tài nguyên tài chính trong nước - nhấn mạnh yếu tố “tự lực tự cường” trong chuyển đổi năng lượng.

Điều đáng nói, sự trỗi dậy của Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo không chỉ giải quyết bài toán phát triển bền vững trong nước, mà còn thay đổi toàn bộ cán cân cung ứng và chuyển giao công nghệ năng lượng thế giới.

Hiện nay, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu đầy ấn tượng: Sản xuất hơn 80% tấm pin mặt trời toàn cầu; dẫn đầu thế giới về chế tạo pin lưu trữ và thiết bị tua-bin gió; là nhà đầu tư và nhà cung cấp thiết bị chính cho các dự án năng lượng tái tạo tại châu Phi, Trung Đông, Nam Á và Mỹ Latin.

Nói cách khác, Bắc Kinh không chỉ làm chủ cuộc chơi trong nước, mà còn trở thành động lực tăng trưởng và đổi mới cho năng lượng tái tạo toàn cầu - điều mà các quốc gia phương Tây vẫn còn loay hoay với các gói trợ cấp và khung pháp lý chưa thực sự hiệu quả.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng cũng kéo theo những lo ngại. Tình trạng dư cung pin mặt trời, cạnh tranh giá khốc liệt, hiện tượng các dự án phát triển thiếu đồng bộ hạ tầng truyền tải - đang đặt ra thách thức cho chính Trung Quốc. Ngoài ra, việc quốc gia này vẫn duy trì hàng trăm GW điện than để đảm bảo an ninh năng lượng cũng làm dấy lên câu hỏi về tốc độ thực chất của quá trình khử carbon.

Dù vậy, xét trong tổng thể, các bước đi của Trung Quốc vẫn thể hiện rõ ràng quyết tâm chiến lược - điều mà thế giới không thể phớt lờ hay xem nhẹ.

Trong khi đó, đối với các nước đang phát triển, mô hình của Trung Quốc cho thấy: Chuyển đổi xanh không phải là đặc quyền của các nước giàu, mà hoàn toàn có thể đạt được nếu có tầm nhìn, quyết tâm chính trị, và sự đầu tư đúng hướng.

Chuyển đổi năng lượng không chỉ là xu hướng, mà là con đường sống còn để bảo đảm phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, và hội nhập quốc tế.

Việc Trung Quốc vượt mốc 2 tỷ Kw năng lượng tái tạo là dấu ấn lớn trong lịch sử ngành năng lượng thế giới. Dù còn nhiều tranh cãi về vai trò, động cơ hay sự cân bằng giữa kinh tế - môi trường, không thể phủ nhận: Trung Quốc đang là đầu tàu toàn cầu trong kỷ nguyên năng lượng xanh. Và những gì họ đang làm hôm nay sẽ định hình cách thế giới tiêu thụ năng lượng trong nhiều thập niên tới.

(Nguồn: baodanang.vn)

Link gốc: https://baodanang.vn/nang-luong-tai-tao-cua-trung-quoc-co-nhay-vuot-tam-toan-cau-3265459.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Nghịch lý mùa đánh cá: tàu nằm bờ vì thiếu hỗ trợ

Những trường đại học có học phí cao nhất Việt Nam

Loay hoay chọn ngành, chật vật xác định tương lai

Tỉnh Đồng Tháp được quy hoạch 4 khu bến cảng

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829