Thứ bảy, 22/10/2022, 08:00
Múa chằn của người Khmer Tây Ninh
Những năm gần đây, đời sống vật chất và tinh thần của bà con dân tộc Khmer Tây Ninh không ngừng được nâng lên. Song song đó là các nghi thức tôn giáo, lễ hội ở nhiều phum sóc, nhà chùa được tổ chức một cách trọng thể, trong đó có nghệ thuật múa chằn.
Trước đây, các chùa và các làng Khmer vào những dịp lễ tết, ngoài việc thực hiện nghi thức tôn giáo thì phần biểu diễn văn nghệ chủ yếu là múa Roăm vông [រាំវង់] và múa hát theo cách hiện đại. Nhưng từ năm năm trở lại đây, nhiều chùa, nhiều làng đã đưa được nghệ thuật Rô Băm [របាំ] trở lại đời sống cộng đồng người Khmer, bước đầu là nghệ thuật múa chằn - Rô băm Yeak roăm [របាំយក្សរាំ]. Đây là sự cố gắng rất lớn của các vị sư sãi và những người có nhiệt tâm, từ việc đầu tư dàn nhạc ngũ âm cho tới rước thầy cùng với các đoàn múa từ Trà Vinh về đây biểu diễn và truyền thụ cho con em trong các thôn làng.
Về lịch sử, vũ kịch múa chằn là một phần của sân khấu Rô Băm ra đời từ rất lâu đời trong cộng đồng dân tộc Khmer. Về tính chất, múa chằn là một biến thể dựa theo vũ kịch mặt nạ Lakhol Khol biểu diễn lại tuồng tích Riêm Kê kết hợp với điệu múa uyển chuyển trên nền nhạc cụ Ping Peat truyền thống trong các buổi lễ lớn của người Khmer.
Điểm khác biệt giữa múa chằn với Lakhol Khol [ល្ខោនខោល] là các nghệ sĩ múa chằn đã chuyển thể thành những bài múa chủ yếu sử dụng động tác cơ thể như tay, chân... thể hiện tích cách nhân vật nổi bật nhất trong sử thi Riêm Kê. Các nhân vật trong câu chuyện cũng bị cắt bỏ hoặc thay thế để phù hợp với loại hình múa này. Múa chằn kết hợp với nhạc đệm của dàn ngũ âm tạo nên một không gian diễn xướng hết sức thú vị, hấp dẫn.
Thưởng thức múa chằn, ta thấy các nghệ sĩ hoá trang thành một số nhân vật chính như: đạo sĩ râu dài tóc trắng có đạo hạnh cao cường; Hoàng tử Prệt Riêm là nhân vật chính quan trọng nhất của vở diễn với tính cách hiền lành nhân hậu; Xây Đa là vợ của Prệt Riêm- người phụ nữ tài sắc, thuỷ chung; Riếp (vua chằn)- là nhân vật phản diện quan trọng, có khuôn mặt dữ tợn, là nguyên nhân của mọi biến chuyển trong vở kịch; Khỉ thần Hanuman dũng mãnh, thiện chiến, dẫn dắt cả vương quốc khỉ giúp đỡ Prệt Riêm. Ngoài ra, còn có nhân vật hề và các nhân vật phụ khác cùng tham gia vào vở diễn hoặc đoạn trích.
Để hiểu được nội dung của vũ kịch múa chằn, phải hiểu biết sơ qua sử nội dung thi Riêm Kê của người Khmer xưa. Đây là một sử thi cổ xưa được xây dựng dựa theo sử thi Ramayana của Ấn Độ. Xin tóm tắt nội dung như sau: “Hoàng tử Prệt Riêm, con vua kinh thành Aôtđia là một thanh niên đẹp trai, thông minh hơn người. Mụ dì ghẻ sợ Prệt Riêm sẽ là người thay thế vua lên ngôi báu, nên đã xúi bẩy chồng đuổi chàng vào rừng sâu. Prệt Riêm phải từ bỏ kinh thành ra đi cùng với vợ là nàng Xây Đa.
Người em trai tên là Prệt Lec cũng tình nguyện theo anh. Trên đường đi, đoàn người gặp vua xứ quỷ là Riếp. Riếp thấy Xây Đa xinh đẹp, rắp tâm chiếm làm vợ. Hắn biến thành một con hươu, nhử cho anh em Prệt đuổi bắt, vô tình bỏ Xây Đa ở lại một mình. Chớp thời cơ, hắn quay lại cướp Xây Đa mang về đảo Lan Ka ngoài biển khơi. Mất người vợ xinh đẹp và chung thuỷ, Prệt Riêm đau đớn vô cùng. Chàng quyết tâm đuổi theo quỷ Riếp, cứu Xây Đa.
May mắn chàng được một đội quân khỉ do một tướng khỉ tài ba, dũng mãnh là Hanuman chỉ huy, tiến thẳng về xứ quỷ. Sau nhiều trận đọ sức quyết liệt, anh em Prệt Riêm phối hợp với đội quân khỉ đánh tan bọn quỷ Riếp, cứu Xây Đa trở về. Lúc này, thời gian bị lưu đày cũng vừa hết, anh em Prệt Riêm trở lại kinh đô.
Người em đang trị vì ở đây trả lại ngôi báu cho Prệt Riêm. Nhưng hạnh phúc vợ chồng vừa vượt qua được những gian lao thử thách, bây giờ bị tan vỡ vì lòng nghi kỵ ghen tuông của Prệt Riêm. Riêm cho rằng nàng Xây Đa đã thất thân với quỷ Riếp trong thời gian nàng bị giam hãm ở đảo Lan Ka.
Chàng bắt vợ phải nhảy vào lửa để làm rõ thực hư. Xây Đa đã nhảy vào lửa nhưng nàng không hề bị cháy bỏng. Như vậy là nàng vô tội. Song, Prệt Riêm vẫn chưa hết ngờ vực. Vì lòng ghen tuông mù quáng, ích kỷ, Prệt Riêm đã đuổi vợ vào rừng, trong khi nàng đang có chửa. Xây Đa rất đau đớn vì chịu oan mà không được minh oan. Nàng chờ cho việc sinh nở xong xuôi, liền hoá thân vào đất để chứng minh tấm lòng trung trinh ngay thẳng của mình”. (Theo Từ điển Văn học bộ mới - trang 1498 - NXB Thế Giới - 2004).
Múa chằn xoay quanh mô típ đấu tranh giữa hai thế lực thiện - ác, cái thiện bao giờ cũng chiến thắng cái ác. Bên cạnh đó là những chuyện thường tình của con người Á Đông như mẹ ghẻ - con chồng, chuyện người qua lại với quỷ, kẻ có quyền hành thắng thế nhất thời - người bị oan khổ sau được hạnh phúc, lòng ghen tuông mù quáng làm tan vỡ hạnh phúc gia đình… Mỗi nhân vật trong vở diễn đều là nhân vật tiêu biểu cho một lực lượng xã hội, và tất cả đều có những nét đặc sắc riêng biệt, phản ánh một phạm vi hiện thực nhất định trong đời sống xã hội.
Ấn tượng của vũ kịch múa chằn luôn xoay quanh hai nhân vật Prệt Riêm và Hanuman vì đây là hai nhân vật trung tâm đặc sắc hơn cả và được tác giả gửi gắm nhiều vấn đề hơn cả: “Prệt Riêm gặp rất nhiều tai ương trên đường đời, nhưng vì có nghị lực, có tấm lòng ngay thẳng nên được nhiều người ủng hộ.
Cuối cùng chàng đã chiến thắng mọi thế lực đen tối bạo tàn, giành lại cuộc sống hạnh phúc. Nhưng vì chàng không vượt qua được sự ghen tuông nhỏ nhen, nên đã có những quyết định sai lầm, làm tan vỡ hạnh phúc của chính mình.
Hanuman mang nhiều đặc điểm của người anh hùng nhân dân: tài hoa, sáng suốt, quả cảm và sẵn sàng xả thân vì đại nghĩa. Nếu như bản chất quý tộc trong con người Prệt Riêm làm cho hình tượng này ít nhiều bị hoen ố thì ngược lại ở Hanuman, bản chất tốt đẹp của nhân dân được biểu hiện thật trong sáng, đẹp đẽ” (Đinh Việt Thắng - Từ điển Văn học (sđd) trang 1499).
Trở lại với vũ kịch múa chằn của người Khmer Tây Ninh. Tuy đây là một loại hình nghệ thuật mới được tiếp cận chưa lâu, nhưng rất được bà con đón nhận và ủng hộ. Trong chừng năm năm trở lại đây, vào các lễ hội như Chol Chhnam Thmay, Dâng y Kathina…các chùa như Chung Ruk, Khedol, Svay và Kà Ốt đều có biểu diễn vũ kịch múa chằn kết hợp với biểu diễn nhạc ngũ âm, múa trống Chhay-dăm và nhảy khỉ ngựa…tất cả tạo nên một không khí lễ hội hết sức hoành tráng, vui vẻ, mang đậm bản sắc văn hoá Khmer Nam bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng.
Nghệ thuật múa chằn từ rất lâu đã có một vị thế quan trọng trong đời sống tinh thần của bà con người Khmer. Bởi nó vừa phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, vừa mang tính triết lý và giáo dục sâu sắc. Nghệ thuật múa chằn góp phần hình thành phát triển nhân cách, tâm hồn…và giúp người xem nhận thức được thiện - ác, từ đó định hướng cho con người tự hoàn thiện nhân cách, làm bệ đỡ cho xã hội phát triển lành mạnh, tiến bộ, văn minh và hoà nhập mạnh mẽ.
(Nguồn: baotayninh.vn)
Link gốc: https://baotayninh.vn/mua-chan-cua-nguoi-khmer-tay-ninh-a150751.html