Đang tải ...
  
Cập nhật 24/7 Xã hội

Thứ ba, 11/04/2023, 13:30

Loạt trường đại học ở TP.HCM khuyết hiệu trưởng, vì sao?

Hàng loạt trường đại học tại TP.HCM hiện không có hiệu trưởng, việc điều hành trường được giao cho phó hiệu trưởng hoặc quyền hiệu trưởng phụ trách. Có trường cứ bổ nhiệm thì lại bị “tuýt còi” khiến tình trạng này kéo dài, ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của trường cũng như sinh viên.

Ba năm "vắng" hiệu trưởng

Tháng 5/2023 tới đây, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM sẽ tiến tới cột mốc 2 năm không có hiệu trưởng kể từ sau khi PGS Đỗ Văn Dũng về hưu (1/5/2021). Theo đó, ngay trước khi ông Dũng về hưu, vào cuối tháng 4/2021, Hội đồng trường Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM có nghị quyết về việc đề nghị Bộ GD&ĐT công nhận PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh - Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy làm Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2020-2025. Tuy nhiên, nghị quyết này không được Bộ GD&ĐT chấp nhận.

Sau đó, Hội đồng trường giao ông Thịnh làm phụ trách trường. Việc giao ông Thịnh phụ trách trường trong khi trường vẫn có hiệu phó và đặc biệt, quy trình đề xuất bổ nhiệm ông Thịnh bị các giáo viên cho là có nhiều khuất tất khiến trường này rơi vào giai đoạn căng thẳng.

Sự việc kéo dài, đến tháng 5/2022, Hội đồng trường Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã họp và thống nhất giao PGS.TS Lê Hiếu Giang, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường thay PGS Nguyễn Trường Thịnh.

Tương tự, tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM, sự việc bắt đầu vào ngày 16/7/2020 khi Bộ Y tế chủ trì tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Hội đồng Trường và trao quyết định công nhận Chủ tịch Hội đồng trường cho PGS.TS. Trần Diệp Tuấn. Đồng thời, PGS.TS. Trần Diệp Tuấn sẽ thôi nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Kể từ đó, trường này không có hiệu trưởng, việc điều hành trường được giao cho PGS. TS. Nguyễn Hoàng Bắc, Phó hiệu trưởng.

Trường ĐH Y Dược TP.HCM từ tháng 7/2020 đến nay vẫn chưa có hiệu trưởng mà chỉ có phó hiệu trưởng phụ trách trường (ảnh: Nguyễn Dũng).

Sau đó, ngày 5/4/2021, GS.TS Trần Diệp Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng Trường ĐH Y Dược TP.HCM - đã trao nghị quyết của hội đồng trường bổ nhiệm 2 tân phó hiệu trưởng là PGS.TS Ngô Quốc Đạt - thư ký Hội đồng trường, phó trưởng khoa y và TS Hà Mạnh Tuấn - ủy viên Hội đồng khoa học, đào tạo; trưởng phòng sau ĐH nhà trường. Nhưng chưa đầy 10 ngày sau, Bộ Y tế "tuýt còi" đề nghị Trường ĐH Y Dược TP.HCM chủ động thu hồi quyết định bổ nhiệm 2 phó hiệu trưởng với ông Ngô Quốc Đạt và ông Hà Mạnh Tuấn do có sai sót trong quy trình bổ nhiệm, dẫn đến một thời gian dài, ban giám hiệu Trường ĐH Y Dược TP.HCM chỉ có một người là Phó Hiệu trưởng Nguyễn Hoàng Bắc được giao thực hiện nhiệm vụ điều hành trường.

Sau đó, ngày 15/8/2022, ông Ngô Quốc Đạt một lần nữa được Hội đồng Trường ĐH Y Dược TP.HCM bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng. Và mới đây, ngày 6/4, Bộ Y tế, Trường ĐH Y Dược TP.HCM công bố quyết định bổ nhiệm ông Ngô Quốc Đạt thay ông Nguyễn Hoàng Bắc làm phó hiệu trưởng phụ trách trường, vị trí hiệu trưởng vẫn tiếp tục chưa có người đảm nhiệm.

Khuyết chức danh hiệu trưởng lâu nhất có thể kể đến là Trường ĐH Luật TP.HCM kể từ sau khi GS Mai Hồng Quỳ về hưu từ tháng 8/2018. Người điều hành trường từ ngày đó đến nay là PGS Trần Hoàng Hải với các chức danh Phó hiệu trưởng phụ trách rồi Quyền hiệu trưởng.

Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM kể từ năm 2020 sau khi GS Nguyễn Hay về hưu cũng khuyết chức danh hiệu trưởng. Việc điều hành trường được giao cho PGS. TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng phụ trách. Một thời gian sau, ông Hùng được bổ nhiệm là Quyền hiệu trưởng.

Ngoài các trường kể trên, trong giai đoạn từ 2019- 2022, nhiều trường đại học khác như Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Tôn Đức Thắng...cũng một thời gian khuyết hiệu trưởng phải giao cho phó hiệu trưởng phụ trách trường.

Nhiều hệ lụy!

Việc nhiều trường đại học không có hiệu trưởng dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó lớn nhất là ảnh hưởng đến việc nhận bằng tốt nghiệp của sinh viên. Chẳng hạn như hàng ngàn sinh viên của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng phải mất hơn 1 năm ra trường mới được nhận bằng tốt nghiệp do không có người đủ điều kiện ký bằng. Việc này cũng xảy ra tương tự tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng sau khi trường này không có hiệu trưởng mà chỉ có Đại diện trường...

Sinh viên, học viên ở một trường đại học trong ngày tốt nghiệp (ảnh minh họa).

Về vấn đề gần 3 năm Trường ĐH Y Dược TP.HCM "vắng" hiệu trưởng, GS Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường cho biết, việc khuyết chức danh hiệu trưởng mà thay vào đó là giao phó hiệu trưởng phụ trách hoặc quyền hiệu trưởng là điều bình thường, về mặt tổng quan không ảnh hưởng đến việc điều hành trường. Tuy nhiên, ông Tuấn thừa nhận: “Việc thiếu chức danh hiệu trưởng ít nhiều ảnh hưởng đến công tác quản lý, ví dụ như Trường ĐH Y Dược TP.HCM có thời điểm, Ban giám hiệu chỉ có 1 người vừa phụ trách trường vừa kiêm Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Dược nên ít nhiều công việc bị trì trệ”.

Về nguyên nhân, theo ông Tuấn, mô hình quản trị đại học mới và hội đồng trường triển khai thiếu sự đồng bộ với các quy định khác; những thay đổi về điều kiện bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo; sự thiếu chuẩn bị của các trường khi thực hiện ngay mô hình quản trị đại học mới. “Ví dụ như Trường ĐH Y Dược TP.HCM, hiện tại không ai có đủ điều kiện để làm quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng bởi theo quy định mới, nhân sự chức danh này phải có 2 năm làm hiệu phó”, ông Tuấn nói.

Tương tự, lãnh đạo một trường đại học cũng đang không có hiệu trưởng cho rằng, việc các trường sau nhiều năm vẫn không bổ nhiệm được chức này có nhiều nguyên do. "Có trường vì nhân sự không nằm trong quy hoạch; người được giao quyền cần có "độ chín" và thời gian thử thách; có trường đã chọn được người nhưng chờ bổ sung các điều kiện liên quan như trình độ cao cấp chính trị, có tối thiểu 2 năm làm hiệu phó.

Thậm chí, có trường vì hiệu phó có được uy tín nhưng lại không đủ thời gian để bổ nhiệm hiệu trưởng nên giao phụ trách hoặc quyền hiệu trưởng để điều hành trường đồng thời tìm người kế nhiệm để bồi dưỡng...", vị này nói.

(Nguồn: giaoduc.edu.vn)

Link gốc: https://www.giaoduc.edu.vn/loat-truong-dai-hoc-o-tphcm-khuyet-hieu-truong-vi-sao.htm

Chia sẻ

Xem nhiều

Người dân khoan giếng phát hiện nguồn khí lạ, đốt cháy

Nhiều diện tích cà phê ở Gia Lai bị cháy khô do hạn hán

Cái Mép - Thị Vải lọt top 30 cảng container lớn nhất thế giới

Gần nửa số thành phố lớn tại Trung Quốc đang bị 'chìm dần'

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829