Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ sáu, 09/12/2022, 11:00

Làng 'khô' vào mùa Tết

Cùng với các làng nghề khác ở ĐBSCL, chế biến khô cá tại các địa phương trong tỉnh An Giang đang chuẩn bị nguyên liệu, sản phẩm để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Nguyên liệu tăng

Tết năm nay, các cơ sở chế biến khô cá trong tỉnh không mấy phấn khởi, bởi sản xuất gặp nhiều khó khăn. Ở đầu vào, nguyên liệu cá lóc, cá sặc, cá tra, cá trạch, điêu hồng…có giá ở mức cao. Thời điểm hiện nay, đối với mặt hàng cá sặc, cơ sở chế biến phải mua vào với giá 72.000 - 83.000 đồng/kg. Còn cá lóc có giá từ 55.000 - 57.000 đồng/kg. Tất cả đều tăng cao so với trước.

“Đối với cá sặc, cách nay 5 tháng, thị trường không có cá nguyên liệu. Chúng tôi buộc phải nhập cá của Thái Lan về chế biến. Giá lúc đó dao động từ 98.000 - 100.000 đồng/kg. Với giá đầu vào như thế, các cơ sở chế biến đều thua lỗ. Có người “bỏ chạy”, đi tìm việc khác để làm, có người giảm công suất chế biến nhằm duy trì lượng nhân công ở cơ sở, chờ khi nguyên liệu giảm để sản xuất trở lại”, ông Nguyễn Văn Tám (chủ cơ sở chế biến khô ở xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang) thông tin.

Ông Tám cho biết thêm, ngoài cá nguyên liệu tăng, các loại phụ liệu khác, như: đường, bột ngọt, muối, lương nhân công cũng tăng (theo biến động thị trường) từ 10 - 20%, làm cho giá thành chế biến tăng gần 40%. "Ngành chế biến khô cá năm nay gặp nhiều khó khăn. Chính việc biến động giá xăng trong năm, cùng với tác động của 2 năm dịch bệnh đã làm cho ngành hàng này vốn đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn. Nguyên liệu biến động, số ngày sản xuất trong tháng chỉ còn 1/3 so với trước, hàng loạt công nhân bỏ cơ sở, đi tìm việc khác", chị Trần Thị Khén (xã Khánh An, huyện An Phú) thông tin. 

Theo chị Khén, thời điểm trước năm 2019, bình quân mỗi ngày, cơ sở sản xuất nhập cá nguyên liệu từ 1 - 2 tấn để chế biến. Công nhân làm việc tại cơ sở từ 10-15 người. Nay nguồn cá nguyên liệu tăng cao, trong khi thị trường không có nhiều đơn hàng đầu ra nên cơ sở đành nhập nguyên liệu “cầm chừng”, giúp giải quyết việc làm cho lao động.

Thị trường thu hẹp

Chế biến khô cá là ngành hàng mang giá trị kinh tế rất cao. Cùng với lúa gạo, rau màu và cá tra, ngành hàng này mỗi năm đóng góp đáng kể cho tăng trưởng của ngành nông nghiệp, giải quyết cho hàng chục ngàn lao động nhàn rỗi ở nông thôn có việc làm ổn định, góp phần tiêu thụ sản lượng cá nuôi cho nông dân.

“Giá trị 1kg lúa cao nhất 8.200 đồng, trong khi 1kg khô cá sặc (loại 1) có giá 350.000 đồng/kg. Sản lượng tuy ít, nhưng giá trị rất cao, nên ở ĐBSCL, tỉnh nào nông dân cũng sản xuất khô cá, bởi thị trường rộng lớn. Ngoài bán tại chỗ, phục vụ người dân địa phương, khô cá lóc, cá sặc, cá tra còn bán lên TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và bán sang thị trường nước ngoài, như: Hoa Kỳ, Canada, Đài Loan, Trung Quốc…”, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) Bùi Thái Hoàng thông tin

“Từ năm 2018 trở về trước, bình quân mỗi tuần, chúng tôi cung cấp khô cá lóc cho các công ty ở TP. Hồ Chí Minh để bán cho bà con kiều bào ở Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc, Đài Loan…từ 1,5 - 2 tấn/tuần. Còn hiện nay, việc cung cấp này vẫn được duy trì, nhưng giảm còn 1/3, do vậy cơ sở bị sụt giảm doanh thu. Năm nay, kiều bào về nước rất ít, ngành hàng khô mất doanh số cho phân khúc thị trường này”, bà Đinh Thị Tươi (xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) phân tích.

Làng khô vào mùa Tết trong tình hình nguyên liệu tăng, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp, là tín hiệu kém vui cho vụ sản xuất khô phục vụ Tết. Song, dù trong hoàn cảnh nào, các cơ sở chế biến khô cá cố gắng duy trì sản xuất để có sản phẩm phục vụ cộng đồng. Một số cơ sở bất chấp khó khăn, đưa sản xuất theo hướng an toàn và sạch hơn (phơi trong mùng lưới, thành phẩm làm ra được hút chân không, dán nhãn trước khi đưa ra thị trường, phục vụ phân khúc khách hàng cao cấp…).

 “Nghịch lý của năm nay, nước lớn, cá thiên nhiên nhiều, lẽ ra các loại cá nuôi giá phải rẻ, đằng này cá nuôi có giá rất cao. Nguyên nhân, 2 năm dịch bệnh COVID-19 (2020-2021) người nuôi thua lỗ nặng, bước sang năm 2022, nông dân không còn nuôi cá lóc, cá sặc nên các làng khô thiếu nguyên liệu chế biến. Một số cơ sở chấp nhận mua nguyên liệu với giá cao, duy trì sản xuất để nuôi nhân công, nhưng số này rất ít. Về phía người tiêu dùng, giá sản phẩm cao nên nhiều người tìm mua sản phẩm khác thay thế", bà Nguyễn Thị Lành (cơ sở chế biến khô Út Lành, xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) phân tích.

(Nguồn: baoangiang.com.vn)

Link gốc: https://baoangiang.com.vn/lang-kho-mua-tet-a349831.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Nguồn gốc và ý nghĩa Ngày quốc tế đàn ông

Ngư dân Núi Thành tu sửa tàu thuyền cho vụ biển mới

Nhọc nhằn thu hoạch 'lộc biển' trên ghềnh đá bên sóng dữ

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829