Thứ tư, 05/04/2023, 12:00
Lâm Đồng: Nông dân trồng rau 'nuôi' sầu riêng
Tầng trên là những cây sầu riêng đang tuổi kiến thiết, tầng dưới là những lứa hành, sú, cải thảo được thu hoạch quanh năm. Lấy ngắn nuôi dài, lấy cây rau “nuôi” vườn sầu riêng là cách làm của một nông dân ở Đức Trọng (Lâm Đồng).
Thu hoạch hành lá xen vườn sầu riêng của ông Nguyễn Văn Dịu.
“Gia đình tôi có hàng chục năm làm la-ghim, một năm 4 lứa rau các loại quay vòng. Giờ tôi trồng sầu riêng nhưng vẫn duy trì làm rau dưới tán sầu riêng. Lấy ngắn nuôi dài giúp nông dân có thu nhập để chờ cây sầu riêng ra trái” - ông Nguyễn Văn Dịu, nông dân thôn Tân Bình, xã Tân Thanh, huyện Đức Trọng chia sẻ. Trên diện tích 2 ha đất, ông Dịu đã chuyển đổi sang trồng sầu riêng, những giống sầu riêng đặc sản như Musang King, Monthon, Ri 6. Những cây sầu riêng 19 - 20 tháng tuổi, đã bắt đầu xòe tán, được kỹ thuật viên nông nghiệp đánh giá khả năng phát triển khá ổn định.
Vùng Đức Trọng vốn không phải đất truyền thống của cây sầu riêng. Tuy nhiên, nhiều nhà nông có trồng sầu riêng và cho trái khá tốt, năng suất tuy không so sánh được với vùng Bảo Lâm, Bảo Lộc nhưng cho thu nhập không tệ. Vì vậy, gia đình ông Nguyễn Văn Dịu quyết tâm chuyển sang trồng sầu riêng, trong đó có giống Musang King, sầu riêng xứ lạnh nổi tiếng của Malaysia. Vấn đề với người nông dân khi trồng sầu riêng quy mô lớn là thời gian kiến thiết của cây khá lâu. Nếu chăm sóc tốt, 4 năm cây mới cho trái bói, từ 5-6 năm mới có thu nhập từ vườn sầu riêng. Vì vậy, nông dân vẫn ngại thay đổi do không có thu nhập trong một khoảng thời gian dài.
Và, nông dân Nguyễn Văn Dịu đã có một cách làm khá “bất ngờ”. Trên diện tích đất trồng sầu riêng, gia đình ông vẫn canh tác các loại cây trồng ngắn ngày hoàn toàn bình thường. Xen giữa những luống sầu riêng là hành, gừng, sú tim, cà tím…, những loại rau cho thu hoạch nhanh, thời gian sinh trưởng ngắn. Ông Dịu chia sẻ: “Sầu riêng được trồng theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, cây cách cây 6 m, một ha trồng 200 cây. Khi cây sầu riêng còn nhỏ, tán khá hẹp, rễ ăn cũng chưa rộng, hoàn toàn có thể trồng các loại rau màu ngắn ngày xen trong luống sầu riêng. Khi trồng chỉ cần chú ý tránh vùng quanh gốc cây sầu riêng là đủ, ngoài ra, gieo hạt, trồng tỉa như bình thường”.
Ông Dịu cho hay, hành lá trồng 2 tháng có thu, cà rốt 100 ngày, đậu phộng 3,5 tháng, cà tím từ 8 tháng đến 1 năm. Những cây trồng ngắn ngày đã mang lại thu nhập khá tốt cho gia đình. Trung bình 1 năm, ông trồng từ 3 - 4 vụ rau các loại, các loại cây được luân canh, xen kẽ với nhau. Điều khá ổn định là ông Dịu trồng theo hợp đồng liên kết với các HTX, doanh nghiệp thu mua, chế biến rau, củ như HTX Nam Sơn (Đức Trọng). Vì vậy, cứ sản xuất ra, khi thu hoạch là đầu ra đã được bao tiêu. Bà Trần Thị Huyền, vợ ông Dịu cho biết: “Trồng rau theo hợp đồng tuy giá không cao như bên ngoài nhưng bù lại ổn định, không lo dội chợ, dội hàng. Mình làm ra là có người thu nên yên tâm sản xuất”.
Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Dịu, trồng rau xen vườn sầu riêng giai đoạn kiến thiết vẫn đảm bảo năng suất cao. Tuy phải tránh tán sầu riêng nhưng do cây còn nhỏ nên mức độ ảnh hưởng không lớn. Như nhà ông, cây sầu riêng bước sang năm thứ 3, bắt đầu giai đoạn ép đẻ nhánh thì tán sầu riêng tới đâu, rau lùi bước tới đó. Trên diện tích 2 ha đất trồng xen rau - sầu riêng, gia đình ông vẫn thu được 300 - 400 triệu đồng/năm, sau khi trừ hết chi phí. Đây là nguồn thu nhập tốt để gia đình sinh hoạt cũng như có điều kiện chăm sóc sầu riêng.
Ngoài ra, trồng rau xen sầu riêng còn có thêm cái lợi là cây rau được chăm hàng ngày và cây sầu riêng hưởng lợi theo từ nước tưới, phân bón dư thừa cho tới cây rau. Không chỉ tiện chăm sóc, phụ phẩm từ rau thương phẩm như thân đậu phộng, bã cây các loại được đánh xơ, xử lý vôi, vùi xuống đất làm phân bón khiến đất tơi xốp vì được cung cấp lượng chất xanh đáng kể. Gốc sầu riêng cũng được phủ bằng bã cây qua xử lý, giúp hạn chế cỏ dại, tăng độ ẩm, mát bộ rễ. Sau khi sầu riêng khép tán thì có thể ngừng trồng rau, lúc đó sầu riêng cũng chuẩn bị có trái bói, vào khoảng năm thứ 4. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Dịu cũng nhận xét, trồng sầu riêng như gia đình ông cần chú trọng nguồn giống chuẩn vì thời gian chờ cây ra trái rất lâu, nếu giống không chuẩn thì người nông dân thiệt hại rất lớn.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Thành đánh giá, mô hình trồng xen sầu riêng - rau thương phẩm của hộ ông Nguyễn Văn Dịu hiện là mô hình khá đặc biệt của xã. Ông Dịu đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng la-ghim sang trồng thuần sầu riêng, đồng thời, canh tác rau trong diện tích vườn sầu riêng kiến thiết. Phương pháp sản xuất lấy ngắn nuôi dài của ông Dịu đã giúp giải quyết khó khăn không có thu nhập trong thời gian dài với người nông dân, là một cách làm độc đáo và có tính ứng dụng cao.
(Nguồn: Lâm Đồng Online).
Link gốc: http://baolamdong.vn/doi-song/202304/nong-dan-trong-rau-nuoi-sau-rieng-3d808c1/