Thứ hai, 11/09/2023, 14:00
Lâm Đồng đặt mục tiêu khôi phục tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm
Lâm Đồng đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp, khai thác có hiệu quả tuyến đường sắt hiện có và phấn đấu khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm để phục vụ du lịch.
Đến năm 2045, phấn đấu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt (bao gồm cả các tuyến đường sắt đô thị monorail) theo hướng hiện đại, đồng bộ theo các quy hoạch đã được phê duyệt.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh Lâm Đồng tham quan ga xe lửa Đà Lạt.
UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện, trong đó đề ra các giải pháp và nhiệm vụ cụ thể. Sở Giao thông Vận tải được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu đối với các quy hoạch liên quan đến giao thông vận tải đường sắt và đề xuất đầu tư phát triển theo quy hoạch; phát triển nguồn nhân lực sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao, quản lý, khai thác, vận hành công nghệ mới về phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng.
Để có thể sớm khôi phục, phát triển tuyến đường sắt này, từng sở, ngành liên quan cũng được giao nhiệm vụ khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển giao thông vận tải đường sắt.
Theo đó, cần tập trung nghiên cứu, đề xuất nguồn lực để đầu tư phát triển giao thông vận tải đường sắt trên địa bàn tỉnh theo hướng đa dạng hóa nguồn vốn, các hình thức, phương thức đầu tư các dự án đường sắt, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP); nghiên cứu đề xuất chính sách về nhượng quyền khai thác một phần kết cấu hạ tầng đường sắt để thu hồi vốn các công trình được đầu tư kể cả vốn ODA và vốn trái phiếu Chính phủ. Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến trình đầu tư khôi phục tuyến đường sắt du lịch Đà Lạt - Tháp Chàm và nghiên cứu để triển khai các tuyến đường sắt đô thị monorail.
Tỉnh Lâm Đồng cũng đặt mục tiêu và yêu cầu các sở, ngành, đơn vị chuyên môn tổ chức nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, chặt chẽ, toàn diện, kết hợp tham khảo kinh nghiệm quốc tế, ý kiến đóng góp của các chuyên gia để lựa chọn phương án đầu tư, công nghệ, kỹ thuật, vốn,... xây dựng tuyến đường sắt du lịch Đà Lạt - Tháp Chàm, đường sắt đô thị hiện đại, bảo đảm đồng bộ, khả thi, hiệu quả. Tổ chức hợp tác, tìm kiếm sự hỗ trợ từ một số tập đoàn có kinh nghiệm về công nghệ, kỹ thuật khai thác, vận tải đường sắt trên thế giới trong quá trình đầu tư, khôi phục tuyến đường sắt du lịch Đà Lạt - Tháp Chàm và đường sắt đô thị.
Dự kiến, để khôi phục tuyến đường sắt, Lâm Đồng và Ninh Thuận sẽ phải cùng phối hợp triển khai thực hiện nhiều phần việc. Cụ thể như, khôi phục tuyến đường sắt nối ga Trại Mát (Đà Lạt) với ga Tháp Chàm, đoạn này dài khoảng 76,8 km. Trong đó, cần phải đầu tư rất nhiều hạng mục như cải tạo các đoạn hiện hữu, khôi phục đường; xây dựng lại và xây dựng mới nhiều nhà ga, xây dựng mới các cầu đường sắt, cống các loại; khôi phục các hầm chui; xây dựng mới đường ray... Dự kiến tổng mức đầu tư của dự án đề xuất là 24.924 tỉ đồng. Hiện, ở trong nước có Công ty CP Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng đã đề xuất việc khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt và cũng đã được giao chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Vào giữa tháng 7/2023, Vụ Tổng hợp Kinh tế - Bộ Ngoại giao cũng đã có văn bản gửi tỉnh Lâm Đồng thông tin về việc xem xét khả năng hợp tác với Stadler, một tập đoàn của Thuỵ Sĩ là một trong những nhà sản xuất tàu điện hàng đầu thế giới, chuyên cung cấp các giải pháp vận tải đường sắt toàn diện trong môi trường khắc nghiệt, tàu hỏa dùng công nghệ hydrogen, với hơn 12.000 nhân viên làm việc tại 18 quốc gia.
Stadler tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF Davos 2023 đã rất ấn tượng với những nỗ lực trên lĩnh vực đường sắt và cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng nền kinh tế xanh, đồng thời, bày tỏ mong muốn được tham gia vào dự án trùng tu đường sắt Đà Lạt. Theo đại diện tập đoàn, việc xây dựng lại tuyến đường sắt này cần những toa tàu có giá đỡ và bánh răng mới và Stadler là công ty dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực này.
Đây cũng là tín hiệu tốt cho thấy, tuyến dường sắt này có rất nhiều doanh nghiệp không chỉ trong nước mà quốc tế quan tâm và dự án khôi phục tuyến đường sắt có nhiều cơ hội trở thành hiện thực.
(Nguồn: Lâm Đồng Online).