Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ tư, 11/12/2024, 17:00

Khám phá các địa danh in trên đồng tiền Việt Nam

Đồng tiền Việt Nam không chỉ được sử dụng để mua bán, trao đổi trong cuộc sống thường nhật mà còn để quảng bá các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử đại diện cho toàn dân tộc Việt Nam.

Không chỉ là đơn vị thanh toán, đồng tiền Việt Nam còn thể hiện lịch sử - văn hóa qua những hình ảnh in trên đó.

Dưới đây là địa danh được in trên những tờ tiền đang được dùng phổ biến hiện nay:

Tờ 1.000 đồng: Đại ngàn Tây Nguyên

Tờ tiền giấy mệnh giá 1.000 đồng được phát hành ngày 20/10/1989 bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và vẫn có giá trị sử dụng đến ngày nay. Với kích thước 134mm x 65mm, mặt sau của tờ tiền 1.000 đồng in cảnh những người lao động cưỡi voi khai thác gỗ ở Tây Nguyên.

Từ xa xưa, voi luôn là người bạn tình nghĩa của người dân Tây Nguyên. Không chỉ giúp ích trong cuộc sống hằng ngày của bà con mà trong các cuộc kháng chiến của nhân dân ta, voi Tây Nguyên còn góp sức vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược đến chiến trường.

Tờ 2.000 đồng: Nhà máy dệt Nam Định

Tờ tiền mệnh giá 2.000 đồng cũng được phát hành cùng ngày với tờ 1.000 đồng. Mặt sau của tờ 2.000 đồng được in hình xưởng dệt tại Nhà máy dệt Nam Định, trong đó có các nữ công nhân đang làm việc.

Nhà máy dệt Nam Định được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX bởi người Pháp, từng là nhà máy lớn nhất Đông Dương. Đến năm 1954, nhà máy này được tiếp quản bởi Nhà nước. Đã có tới 13.000 người từng làm việc ở đây, nhiều thời điểm 1/4 dân số TP Nam Định làm việc tại nhà máy.

Đến năm 2016, nhà máy được thay thế bằng khu liên hợp dệt may hiện đại hơn.

Tờ 5.000 đồng: Nhà máy thủy điện Trị An

Tờ tiền mệnh giá 5.000 đồng được ra đời vào ngày 15/1/1993. Mặt sau của tờ tiền in hình ảnh thủy điện Trị An (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).

Nhờ sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ của Liên Xô, thủy điện Trị An được đưa vào sử dụng từ năm 1991. Đây là công trình có ý nghĩa lớn về kinh tế, giúp bảo đảm nước sinh hoạt, nông nghiệp và điều tiết lũ.

Tờ 10.000 đồng: Mỏ dầu Bạch Hổ

Tờ 10.000 đồng là tờ tiền được làm bằng chất liệu polymer, phát hành vào năm 2006 để thay thế cho tờ 10.000 đồng bằng giấy. Mặt sau của tờ tiền là cảnh khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ, nằm ở vị trí Đông Nam cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 145km.

Bạch Hổ là mỏ dầu lớn nhất trên thềm lục địa của Việt Nam, có trữ lượng khoảng 300 triệu tấn, chiếm đến 80% sản lượng dầu thô ở Việt Nam.

Tờ 20.000 đồng: Chùa Cầu Hội An

Tờ 20.000 đồng với chất liệu polymer được Ngân hàng Nhà nước phát hành vào ngày 17/5/2006. Mặt sau tờ tiền in hình chùa Cầu (Hội An, Quảng Nam). Đây là ngôi chùa nằm trên trên chiếc cầu bắc ngang con lạch nhỏ trong khu phố cổ Hội An.

Chiếc cầu này được người Nhật xây dựng vào đầu thế kỷ XVII. Không chỉ trở thành biểu tượng của Hội An mà cây cầu còn là di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận.

Tờ 50.000 đồng: Nghênh Lương Đình và phu Văn Lâu

Tờ tiền 50.000 đồng được phát hành vào ngày 17/12/2003, với mặt sau in cảnh nghênh Lương Đình và phu Văn Lâu ở Huế. Đây là hai công trình được xây dựng dưới thời Nguyễn, nằm trên trục dọc của Kinh thành Huế, vốn là nơi nghỉ chân hoặc nơi hóng mát của nhà vua trước khi đi xuống bến sông để lên thuyền rồng.

Tờ 100.000 đồng: Văn miếu Quốc Tử Giám

Tờ tiền polymer 100.000 đồng được Ngân hàng Nhà nước phát hành vào ngày 1/9/2004, mặt sau được in hình Khuê Văn Các, biểu trưng của Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) - trường đại học đầu tiên của Việt Nam được xây dựng năm 1805.

Tờ 200.000 đồng: Hòn Đỉnh Hương (Vịnh Hạ Long)

Tờ tiền 200.000 đồng polymer được phát hành vào ngày 30/8/2006, mặt sau in hình hòn Đỉnh Hương - một trong những hòn đảo nổi tiếng nằm trong quần thể Vịnh Hạ Long, được đánh giá là tuyệt tác của tạo hoá.

Hòn Đỉnh Hương mang hình dáng của đỉnh lư hương, khiến nhiều người liên tưởng đến hình ảnh chiếc lư hương khổng lồ đặt trên vịnh. Quần thể Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là di sản thiên thế giới.

Tờ 500.000 đồng: Làng Sen Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An)

Tờ tiền 500.000 đồng được Ngân hàng Nhà nước phát hành vào ngày 17/12/2003, mặt sau khắc họa phong cảnh làng Sen thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Nơi đây chính là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gian nhà tranh mang nét bình dị với kiến trúc điển hình của làng quê Việt Nam.

(Nguồn: baohaiduong.vn)

Link gốc: https://baohaiduong.vn/kham-pha-cac-dia-danh-in-tren-dong-tien-viet-nam-400050.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Chuyên gia chỉ mẹo hay để có tách cà phê ngon nhất

Màu của năm 2025 - màu nâu cà phê mang ý nghĩa gì?

Mùa ỏm cọ

Những hình ảnh động vật hài hước nhất năm 2024

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829