Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ năm, 17/07/2025, 14:30

Hương vị cá trích níu khách muôn phương

Lớn hơn ngón tay cái, cá trích tưởng chừng bé nhỏ nhưng nuôi sống bao thế hệ ngư dân. Không gọi là đặc sản, không gắn với xuất khẩu, mỗi món ăn từ cá trích là một lát cắt đời sống người miền biển.

Cá trích và món ăn từ cá trích. Ảnh Quang Nhân.

Tìm lộc biển lúc “đông ngời”

Khoảng 3 giờ chiều, khi ánh nắng vẫn còn trải dài trên mặt biển, những thuyền nhỏ bắt đầu rời bến ra biển đón “lộc nhỏ”, những mẻ cá trích. Loài cá thân thon dài, chỉ lớn hơn ngón tay cái, vảy bạc lấp lánh, sống gần bờ và xuất hiện quanh năm.

“Cá trích là cơm gạo của nhà tui, không có nó thì mấy mùa biển biết sống sao…” – chị Trần Thị Phước, vợ một ngư dân ở phường Phan Thiết (tỉnh Lâm Đồng), vừa phụ chồng kéo lưới lên ghe, vừa chia sẻ.

Anh Trần Văn Thân, người bám biển nhiều năm, cho biết: Mùa cá trích rộ nhất kéo dài từ tháng 10 âm lịch đến khoảng tháng 3 – 4 năm sau. Mỗi chuyến ra khơi bắt đầu từ chiều, kết thúc vào tận nửa đêm, rồi thức trắng để gỡ cá kịp buổi chợ sớm hôm sau. Ngư dân gọi đó là đi đánh “đông ngời”, vất vả và ròng rã từ chiều tới tảng sáng.

Nếu gặp luồng cá lớn, sau khi trừ chi phí, mỗi thuyền viên có thể thu về 300.000 - 500.000 đồng. Khi biển không thuận, kiếm được 100.000 - 150.000 đồng và cá ăn cho gia đình. Những mẻ nhỏ thường được vợ ngư dân mang ra chợ bán lẻ. Nếu vào đúng phiên, cá có giá 50.000 – 70.000 đồng/kg; muộn hơn, chỉ còn 20.000 – 30.000 đồng. Ở các xã, phường ven biển của Lâm Đồng, con cá trích bé nhỏ ấy đã trở thành nguồn sống của biết bao gia đình. Không chỉ đem lại thu nhập, nó còn khắc sâu trong ký ức – một món ăn dân dã, một phần quê hương mà ai từng gắn bó đều mang theo nỗi nhớ.

Món ăn dân dã mang vị biển

Từ bao đời nay, cá trích trở thành nguyên liệu quen thuộc trong bữa cơm của người dân ven biển. Chị Phước chia sẻ: “Cá trích cạnh dùng làm gỏi vì thịt giòn. Còn cá trích bầu nhiều mỡ, thích hợp nấu canh, làm chả hoặc phơi khô. Phơi cá không cần muối nhiều, gặp nắng đều thì phơi khoảng 1,5 ngày là đạt độ dẻo; nếu muốn để lâu thì phơi đủ 2 nắng. Trước khi chế biến, cá được phi lê để lọc bỏ xương”.

Gỏi cá trích là món được ưa chuộng nhất. Cá phi lê trộn nước cốt chanh cho chín, vắt ráo rồi trộn cùng rau thơm, hành tây, đậu phộng rang. Món này ăn kèm bánh tráng nướng và nước chấm chua ngọt. Ngoài gỏi, cá trích còn được làm thành chả cuốn. Thịt cá trộn với củ sắn, cà rốt, hành lá và gia vị, cuốn bánh tráng rồi chiên vàng; ăn kèm rau sống hoặc dùng trong bữa cơm gia đình. Với cá tươi, người dân thường nấu canh với bầu, mướp, cải ngọt hay rau tần ô. Còn cá trích khô – món “dự trữ” mùa biển động – chỉ cần nướng than, xé nhỏ, trộn xoài xanh, dưa leo, rau thơm, hành phi, đậu phộng… là thành món gỏi khô dân dã nhưng đủ sức làm hài lòng cả thực khách khó tính.

Nhiều du khách đến phường Mũi Né, phường Phan Thiết của tỉnh Lâm Đồng không chỉ tìm ăn gỏi cá trích cho biết hương vị đặc sản địa phương, mà còn mua chả cuốn cá trích mang về làm quà. Thậm chí, có người quay lại nhiều lần chỉ để thưởng thức món gỏi cá, chả cuốn cá trích “vừa bình dân, vừa bắt vị”.

Với người xa quê, cá trích khô lại là thứ quà không thể thiếu mỗi khi về thăm nhà. Thứ cá khô giòn rụm, mặn mòi vị biển ấy không chỉ ngon mà còn chứa đựng trong đó cả ký ức tuổi thơ, bữa cơm đạm bạc của cha mẹ và hương vị quê hương mang theo trên mọi nẻo đường.

(Nguồn: baolamdong.vn)

Link gốc: https://baolamdong.vn/huong-vi-ca-trich-niu-khach-muon-phuong-382545.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Đổ xô đi 'săn lộc rừng'

Khi nào tuổi già bắt đầu?

Mùa dọn kèo ong giữa rừng U Minh

Có cần rút phích cắm thiết bị điện tử khi có dông sét không?

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829