Đang tải ...
  
Du lịch cuộc sống Sự kiện

Thứ tư, 16/07/2025, 17:30

Hồ nước màu hồng ở Úc đang dần biến mất

Sự biến đổi khí hậu và việc khai thác muối quá mức khiến những hồ nước màu hồng tại Tây Úc đang dần mất màu.

Hồ Hutt Lagoon, thường được gọi là “Pink Lake” ở Tây Úc gây ấn tượng với gam màu hồng rực rỡ trở thành điểm đến lý tưởng cho nhiều du khách giờ đây đang bị mất màu - Ảnh: Daniela Tommasi.

Từng là điểm đến hút khách và xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội nhờ sắc hồng rực rỡ như kẹo bông, nhiều hồ muối ở bang Tây Úc nay đang dần mất màu. Nguyên nhân chính đến từ biến đổi khí hậu và việc khai thác muối quá mức khiến môi trường sống tự nhiên của các vi sinh vật tạo màu hồng bị phá vỡ.

Màu hồng đặc trưng của các hồ nước này không phải do chỉnh sửa ảnh mà là hiện tượng tự nhiên. Sắc hồng được tạo ra bởi 2 loại vi sinh vật sống trong môi trường cực mặn gồm một loại tảo và một loại vi khuẩn ưa muối. Khi gặp ánh nắng, chúng sản sinh beta-carotene – sắc tố có trong cà rốt và chim hồng hạc.

Tuy nhiên, để hiện tượng này xảy ra, hồ cần đạt độ mặn cao và nghèo dinh dưỡng. Khi mưa lớn đổ xuống hoặc muối bị khai thác quá mức, độ mặn giảm, khiến các sinh vật tạo màu dần biến mất. Thay vào đó, các loại vi khuẩn và tảo xanh phát triển mạnh, làm hồ chuyển sang màu xám hoặc xanh rêu.

Hồ Pink Lake ở thị trấn Esperance từng là một trong những hồ muối hồng nổi tiếng nhất nước Úc. Nhưng từ đầu những năm 2000, hồ đã mất màu do bị khai thác muối liên tục từ cuối thế kỷ 19. Khi độ mặn giảm, vi sinh vật tạo màu biến mất, hồ cũng chuyển sang màu xám xanh.

Hồ nước màu hồng do biến đổi khí hậu và khai thác muối quá mức khiến vi sinh vật tạo màu biến mất - Ảnh: Daniela Tommasi.

Điều trớ trêu là nhiều du khách vẫn đến tìm đây với hy vọng chiêm ngưỡng hồ nước hồng độc đáo. Tuy nhiên lại thất vọng khi nhìn thấy mặt hồ hoàn toàn không có chút sắc hồng nào. Nhiều người dân địa phương thậm chí đã đề xuất đổi tên hồ để tránh hiểu lầm.

Một trường hợp khác là Lake Hillier – hồ nước hồng nằm trên đảo Middle Island ngoài khơi Esperance cũng vừa chuyển màu sau một trận mưa lớn hiếm gặp. Nước mưa khiến độ mặn trong hồ giảm mạnh, làm đảo lộn hệ sinh thái bên trong.

Dù vậy, các nhà khoa học cho rằng một số hồ vẫn có cơ hội hồi phục. Với Lake Hillier, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi và độ mặn tự nhiên tăng trở lại, hồ có thể lấy lại màu hồng trong vòng 5–10 năm tới.

Trường hợp của Pink Lake phức tạp hơn, vì độ mặn cần thời gian rất dài để phục hồi tự nhiên có thể lên đến cả ngàn năm. Tuy nhiên, một nhóm chuyên gia đang đề xuất dự án đưa muối từ hồ lân cận (Lake Warden) sang Pink Lake để đẩy nhanh quá trình này. Nếu thành công, hồ có thể hồng trở lại trong chưa đầy một thập kỷ.

Theo các chuyên gia, sự thay đổi màu sắc của các hồ muối là minh chứng rõ ràng cho tác động nhanh chóng của con người lên môi trường. Khác với những biến đổi chậm khó nhận biết, việc hồ nước mất màu diễn ra nhanh và dễ thấy, như một lời cảnh báo trực quan về sự mất cân bằng sinh thái.

Tiến sĩ Nik Callow – chuyên gia thủy văn tại Tây Úc – nhận định: ''Chúng ta đã từng sống trong thời kỳ khai thác tài nguyên thiên nhiên bằng mọi giá. Giờ đây, đã đến lúc bước vào thời đại của sự phục hồi, bắt đầu từ những hành động nhỏ nhưng đầy ý nghĩa, chẳng hạn như nỗ lực khôi phục hồ nước màu hồng.''

(Nguồn: phunuonline.com.vn)

Link gốc: https://www.phunuonline.com.vn/ho-nuoc-mau-hong-o-uc-dang-dan-bien-mat-a1555147.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Peru mở cửa di tích 3.800 năm tuổi, hé lộ dấu tích nền văn minh cổ đại bí ẩn

Hậu sáp nhập địa giới hành chính: Định vị điểm đến du lịch mới thế nào?

Tạp chí du lịch hàng đầu thế giới ca ngợi vẻ đẹp siêu thực của hang Sơn Đoòng

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829