Đang tải ...
  
Khoa học cuộc sống Quốc tế

Thứ hai, 12/12/2022, 13:00

Hành tinh địa ngục một năm chỉ kéo dài 17,5 giờ

Nghiên cứu mới cho thấy ngoại hành tinh Janssen quay rất gần ngôi sao chủ khiến nhiệt độ của nó nóng đến mức nung chảy mọi thứ trên bề mặt.

Được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2004, Janssen còn có nhiều tên gọi như 55 Cancri e hay 5 Cnc e, nhưng được biết đến nhiều nhất với danh tiếng "hành tinh địa ngục". Lý do là bởi nó có một đại dương dung nham nóng chảy trên bề mặt với nhiệt độ đạt gần 2.000°C.

Mô phỏng hành tinh Janssen quay quanh ngôi sao Copernicus.

Thiên thể đá nằm cách xa 40 năm ánh sáng này được phân loại là một siêu Trái đất. Nó có đường kính gấp đôi hành tinh xanh và nặng hơn khoảng 8,6 lần. Bên dưới đại dương dung nham có thể chứa đầy kim cương.

Janssen quay quanh ngôi sao Copernicus trong một quỹ đạo rất chặt chẽ. Từ lâu, các nhà thiên văn học đã tự hỏi liệu nó có luôn ở rất gần ngôi sao chủ hay không.

Trong nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Nature Astronomy hôm 8/12, một nhóm các nhà thiên văn từ Đại học Yale do Giáo sư Debra Fischer dẫn đầu đã sử dụng công cụ mới có tên là EXPRES, hay máy quang phổ kế EXtreme PREcision, để xác định bản chất chính xác về quỹ đạo của hành tinh.

Được lắp đặt trên Kính viễn vọng Khám phá Lowell tại Đài thiên văn Lowell ở Flagstaff, Arizona, Mỹ, EXPRES có thể đo những dịch chuyển nhỏ trong ánh sáng sao từ Copernicus khi Janssen di chuyển giữa Trái đất và ngôi sao, giống như khi Mặt Trăng che khuất Mặt Trời trong nhật thực.

Nhóm nghiên cứu xác định quỹ đạo của Janssen quay theo đường xích đạo của Copernicus ở khoảng cách gần đến mức nó chỉ mất 17,5 giờ để hoàn thành một vòng xung quanh ngôi sao. Tuy nhiên, Janssen không phải là hành tinh duy nhất quay quanh Copernicus. Hệ thống này còn có 4 hành tinh khác quay trên các quỹ đạo khác nhau.

Các nhà thiên văn học tin rằng Janssen ban đầu nằm trong một quỹ đạo xa hơn và lạnh hơn nhiều, trước khi trôi đến gần Copernicus. Sau đó, lực hấp dẫn từ đường xích đạo của ngôi sao đã thay đổi quỹ đạo hành tinh và khóa chặt nó.

Mặc dù thực tế là Janssen không phải lúc nào cũng ở gần ngôi sao chủ, nhóm nghiên cứu đã kết luận rằng ngoại hành tinh này luôn nóng như thiêu đốt. Khi đến gần Copernicus, hành tinh địa ngục càng trở nên nóng hơn.

"Nó có khả năng nóng đến mức không thứ gì mà chúng ta biết có thể tồn tại trên bề mặt", tác giả chính Lily Zhao, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Vật lý thiên văn của Viện Flatiron ở New York, nhấn mạnh.

Hệ Mặt trời của chúng ta phẳng như một chiếc bánh kếp, trong đó tất cả hành tinh quay quanh Mặt Trời trên một mặt phẳng vì chúng đều hình thành từ cùng một đĩa khí bụi. Tuy nhiên, khi giới thiên văn học nghiên cứu các hệ hành tinh khác, họ phát hiện ra nhiều hệ thống trong số chúng không chứa các hành tinh quay trên một mặt phẳng, điều này đặt ra câu hỏi hệ Mặt Trời của chúng ta độc nhất như thế nào trong vũ trụ.

Khám phá mới về siêu Trái đất Janssen cũng như hệ thống Copernicus sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về sự hình thành của hệ hành tinh và cách các hành tinh phát triển quỹ đạo xung quanh ngôi sao trung tâm.

(Nguồn: giaoduc.edu.vn)

Link gốc: https://www.giaoduc.edu.vn/hanh-tinh-dia-nguc-mot-nam-chi-keo-dai-175-gio.htm

Chia sẻ

Xem nhiều

Ngồi nhiều làm tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829