Thứ tư, 09/03/2022, 06:30
Hàng ngàn tàu cá của ngư dân ven biển đối diện nguy cơ nằm bờ
Khan hiếm lao động cộng với giá xăng dầu liên tục tăng cao đã khiến cho hàng ngàn tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân các tỉnh ven biển đang phải đối diện với nguy cơ nằm bờ dài hạn.
Hiện nay, nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân các tỉnh ven biển đang đối diện với khó khăn khi giá xăng dầu liên tục tăng khiến chi phí chuyến biển tăng theo. Mặc dù, thời điểm này đang là chính vụ khai thác nhưng sản lượng đạt không cao, hiệu quả chuyến biển thấp, thậm chí thua lỗ nên nhiều chủ tàu chưa xuất bến.
Đang là thời điểm chính vụ nhưng nhiều tàu cá không vươn khơi mà neo lại tại cảng Hòn Rớ.
Tại vùng nước phía trước cảng cá Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, Khánh Hoà, hàng trăm tàu cá xa bờ đang neo đậu.
Ông Nguyễn Thế Hiển, chủ tàu KH 95598 TS ở Hòn Rớ cho biết: “Tàu câu cá ngừ đại dương của gia đình tôi mỗi chuyến bám biển khoảng 20-22 ngày, với 3.000 lít dầu; chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 50% trong tổn phí của chuyến biển, khoảng 90 triệu đồng. Hiện nay, giá xăng dầu tăng cao, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu cũng tăng theo, ngư dân chúng tôi phải tốn thêm khoảng 20 triệu đồng, tổn phí mỗi chuyến biển lên mức 110 triệu đồng”.
Trước đây, khi xăng dầu ở mức 14.000 - 15.000 đồng/lít, mỗi chuyến biển, tàu cá KH 96336 TS của gia đình ông Nguyễn Đình Chiến, phường Vĩnh Phước, Nha Trang chỉ tốn khoảng 150 triệu đồng cho khoảng 20 ngày bám ngư trường, trong đó chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 50%. Hiện nay, giá dầu tăng, chi phí cho mỗi chuyến biển của tàu cá này lên mức 200 triệu đồng, trong đó tiền dầu gần 100 triệu đồng.
Không chỉ giá nhiên liệu tăng cao, hoạt động khai thác xa bờ còn gặp nhiều khó khăn khi lao động nghề biển khan hiếm, nguồn lợi thủy sản suy giảm nên hiệu quả khai thác không cao.
“Chuyến biển vừa rồi, tàu cá của gia đình tôi chỉ khai thác được 3,5 tấn cá ngừ sọc dưa, thu được 100 triệu đồng, lỗ gần 50 triệu đồng. Đang là chính vụ khai thác nên dù giá nhiên liệu ở mức cao, tôi vẫn quyết định cho tàu vươn khơi khai thác với hy vọng trúng luồng cá, đạt sản lượng cao để bù lỗ chuyến vừa rồi. Nếu tiếp tục thua lỗ thì chắc chắn tôi sẽ cho tàu nằm bờ”, ông Nguyễn Đình Chiến cho hay.
Hoạt động của ngư dân gặp khó khăn khi chi phí nhiên liệu tăng, giá bán cá không tăng.
Ông Nguyễn Văn Ba - Phó Trưởng Ban Quản lý cảng Hòn Rớ cho biết: “Giá xăng dầu tăng liên tục thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của các tàu cá xa bờ trên địa bàn tỉnh trong những chuyến biển gần đây. Cao điểm mùa vụ khai thác, tại cảng Hòn Rớ có khoảng 400 tàu xuất bến, trong chuyến biển tháng 2 chỉ có 296 tàu bám biển. Hiện nay, các tàu câu cá ngừ đại dương, tàu lưới cản đường dài cũng lần lượt về cập cảng. Tuy nhiên, sản lượng đánh bắt không bằng những chuyến biển trước, trong khi giá bán không tăng nên hiệu quả chuyến biển thấp. Nhiều chủ tàu cho biết, nếu thua lỗ thì sẽ cho tàu nằm bờ để cắt lỗ. Từ đầu tháng 3 đến nay, mới có 36 tàu đăng ký, làm thủ tục xuất bến đi khai thác, thấp hơn so với cùng thời điểm này những năm trước”.
Đến thời điểm này, tỉnh Thanh Hóa thống kê có trên 1.200 tàu cá không ra khơi, tàu cá nằm bờ có thể còn tăng cao nếu giá xăng dầu không giảm nhiệt.
TP Sầm Sơn là một trong những địa phương có nhiều phương tiện đánh bắt hải sản nhất tỉnh Thanh Hóa, với hơn 1.700 phương tiện. Thế nhưng, kể từ sau Tết Nguyên đán tới nay, số lượng tàu thuyền ra khơi rất ít, chủ yếu nằm bờ.
Tàu cá ngư dân Thanh Hóa cũng nằm bờ do giá xăng dầu tăng phi mã
Tại cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến cách cửa biển Sầm Sơn khoảng 2-3 km, khác với những năm trước, thời điểm sau Tết, tàu thuyền thường rời bến tỏa đi khắp các ngư trường để khai thác thủy sản. Thế nhưng, thời điểm này hầu hết tàu thuyền vẫn "nằm phơi mình" ở cảng, không có cảnh tấp nập kẻ bán người mua thường thấy.
Thực trạng này không chỉ xuất hiện ở Sầm Sơn mà dọc các cảng cá lớn của Thanh Hóa như: Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn), Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa), Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc) cũng rơi vào cảnh tượng tương tự.
Trong số 1.200 tàu cá không thể ra khơi, có tới gần một nửa là tàu lớn, đánh bắt xa bờ.
Không giấu được vẻ mặt buồn bã, anh Trần Văn Thuận, ngụ phường Quảng Tiến cho biết, nguyên nhân ngư dân "treo thuyền" là do không thể kham nổi khi giá xăng dầu tăng quá cao. Theo anh Thuận, anh đã theo nghề này cũng hơn 20 năm, thế nhưng chưa thấy khi nào nghề đi biển lại cơ cực như vài năm trở lại đây.
"Dịch bệnh bủa vây, lao động ngày càng khan hiếm, không mặn mà đi biển, nguồn lợi thủy sản cạn dần, đặc biệt là sau Tết, giá dầu liên tục tăng cao nên các tàu không dám ra khơi, chấp nhận nằm bờ", anh Thuận cho hay.
Ông Vũ Đình Chinh, Trưởng phòng Kinh tế TP Sầm Sơn cho biết địa phương hiện có 1.722 phương tiện khai thác thủy sản, trong đó có 208 tàu đánh bắt xa bờ (chiều dài từ 15 m trở lên). Tuy nhiên, hiện nay số tàu đánh bắt xa bờ ở Sầm Sơn không thể ra khơi lên tới 180 tàu. Ngoài ra, có 165 tàu vùng lộng và gần bờ cũng rơi vào cảnh tương tự.
Còn ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Hòa Lộc thông tin, tại cảng có khoảng 40 tàu cá đánh bắt xa bờ không ra khơi, còn tại kênh De (xã Hải Lộc), số lượng tàu nằm bờ khoảng 80 chiếc. Theo ông Thăng, đây toàn là những tàu có công suất lớn, đánh bắt ở các ngư trường như Vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa, Trường Sa…
"Tàu không ra khơi đã ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng đánh bắt. Thời điểm này năm trước, tàu thuyền gần như ra khơi hết, sản lượng rất lớn nhưng năm nay mới chỉ đạt được 37-40%", ông Thăng cho hay.
Tàu cá ngư dân neo đậu dọc tuyến sông Cái Bé, huyện Châu Thành.
Tại tỉnh Kiên Giang cũng xảy ra tình trạng hàng loạt tàu cá nằm bờ ngưng hoạt động.
Theo ông Ngô Quốc Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, tính đến đầu tháng 3/2022, toàn tỉnh có tổng cộng 3.972 tàu cá đánh bắt xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên. Tuy nhiên, hiện có khoảng 900 tàu cá “nằm bờ”, trong đó có 300 tàu “nằm bờ” dài hạn, 600 tàu đến thời điểm này chưa xuất bến khai thác thủy sản do khan hiếm lao động và giá dầu tăng cao.
(Nguồn: tổng hợp)