Thứ bảy, 24/09/2022, 06:00
Giới công nghệ ồ ạt sa thải nhân sự
Một làn sóng sa thải nhân sự, cắt giảm chi phí đang diễn ra với giới công nghệ toàn cầu, kể cả những ông lớn từ Tencent cho đến Meta, Netflix...
Propzy, công ty khởi nghiệp về công nghệ bất động sản sau một thời gian cắt giảm 50% nhân sự, cũng vừa thông báo chấm dứt hoạt động tại Việt Nam.
Việc một công ty startup từng gọi được những vòng vốn hàng chục triệu USD như Propzy vừa phải quyết định đóng cửa tại Việt Nam chỉ là hệ quả mới nhất cho một làn sóng cắt giảm chi phí, sa thải nhân sự đang diễn ra của giới công nghệ trên toàn cầu. Áp lực lạm phát, nguy cơ suy thoái tại nhiều nền kinh tế lớn... là những giọt nước làm tràn ly.
Số liệu mới nhất cho thấy, giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay đã có hơn 20.500 nhân sự tại các công ty công nghệ bị sa thải, mức cao nhất kể từ tháng 6/2020 khi COVID-19 bùng phát.
Làn sóng sa thải tại ngành công nghệ lan rộng từ Bắc Mỹ với những cái ông lớn như Meta, Netflix sang khu vực châu Âu và giờ là châu Á.
Tại Trung Quốc, các tập đoàn lớn như Alibaba, Tencent… đã cắt giảm hàng nghìn lao động.
Giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay đã có hơn 20.500 nhân sự tại các công ty công nghệ bị sa thải. (Ảnh minh họa - Ảnh: Glassdoor).
Shopee - sàn thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á, tuần này vừa tuyên bố giảm 3% nhân sự tại Indonesia và rút hoàn toàn khỏi 4 thị trường nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động.
"Chúng tôi đang chứng kiến ít nhất gấp 3 hoặc 4 lần nhân tài đến với chúng tôi để tìm kiếm cơ hội việc làm trong vài tháng qua. Việc sa thải hoặc cắt giảm chi phí hoạt động là không tránh khỏi", ông Yinglan Tan, Tổng Giám đốc Quỹ Insignia Ventures Partner tại Singapore, cho biết.
Làn sóng sa thải nhân sự, cắt giảm chi phí đến từ nhiều nguyên nhân. Trong đó ảnh hưởng lớn nhất là áp lực lạm phát đẩy mặt bằng lãi suất tăng làm tăng chi phí doanh nghiệp. Nguy cơ suy thoái làm giảm sức cầu tiêu dùng. Mặt khác, ngay cả các nhà đầu tư cá mập cũng không còn kiên nhẫn với lộ trình tìm kiếm lợi nhuận từ các công ty công nghệ.
"Giờ đây, chúng ta đã nhận thức được rằng cơn bão này sẽ không qua nhanh. Trong trung hạn, những thách thức có thể vẫn kéo dài. Cách duy nhất để ngừng phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài là tự lực về tài chính", ông Forrest Li, Chủ tịch, Tổng Giám đốc SEA Limited, đánh giá.
Một số chuyên gia cho rằng, làn sóng cắt giảm chi phí có thể tác động tích cực về dài hạn đối với giới công nghệ, sau giai đoạn tăng trưởng nóng bằng mọi giá.
Tác động của làn sóng cắt giảm chi phí đối với giới công nghệ
Cụm từ nóng nhất đang giới công nghệ truyền tai nhau là "kỷ luật chi tiêu" và đây cũng là kim chỉ nam cho mọi hoạt động. "Chi tiêu một cách có kỷ luật" không chỉ bằng cách phổ biến là cắt giảm nhân sự, mà nói như thông báo của Chủ tịch Tập đoàn SEA Group - công ty mẹ của sàn thương mại điện tử Shopee, còn là cắt lương thưởng của lãnh đạo cấp cao, chỉ cấp vé máy bay phổ thông, rồi hạn chế chi phí khách sạn, ăn uống cho các chuyến công tác... Nói chung, giới công nghệ sẽ phải giải bài toán tìm kiếm lợi nhuận một cách khắc khổ hơn trước.
Tác động đến thị trường Việt Nam được nhận định là ít hơn. Tuy nhiên từng người tiêu dùng vẫn ít nhiều cảm nhận được, chẳng hạn như phải trả nhiều tiền hơn, trả thêm phụ phí khi đặt xe ôm công nghệ... cũng là bởi các hãng đang muốn giảm chi, tăng thu.
Một số báo cáo quý đầu tiên về tình hình vốn mạo hiểm ở khu vực cho thấy có sự sụt giảm khoảng 30% giá trị vốn so với quý 4/2021.
Giới đầu tư cho rằng tình hình có thể còn khó khăn hơn trong giai đoạn 6 tháng cuối năm nay, khi áp lực lạm phát và nguy cơ suy thoái có tác động mạnh lên nhiều nền kinh tế lớn.
Hết thời dòng tiền "dễ dãi", giới công nghệ hướng đến mô hình kinh doanh bền vững
Trong lúc kinh tế khó khăn, dòng tiền cũng đã không còn "dễ dãi". Đây lại là thời điểm các công ty công nghệ có sản phẩm, mô hình kinh doanh thực chất, bền vững có nhiều cơ hội.
Đại diện Tập đoàn Lazada nhận định, thách thức lớn nhất đối với ngành thương mại điện tử hiện nay là rủi ro sức mua chậm lại và khó khăn huy động vòng vốn mới từ nhà đầu tư. Dù vậy, thị trường Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội cho các công ty có chiến lược bền vững.
"Chúng ta sẽ chứng kiến nhiều doanh nghiệp của ngành thương mại điện tử phải điều chỉnh lại cách vận hành. Những công ty có chiến lược đầu tư bền vững sẽ có ưu thế. Trong giai đoạn khó khăn này do không bị phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài, chúng tôi vẫn tiếp tục đầu tư và mở rộng tuyển dụng tại thị trường Việt Nam", ông James Dong, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lazada, cho biết.
Làn sóng sa thải hiện nay, nhìn ở góc độ khác, sẽ tạo ra cơ hội để các công ty công nghệ săn được những nhân sự chất lượng tốt. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư).
Dù bối cảnh khó khăn, nhưng các quỹ đầu tư mạo hiểm Đông Nam Á đã huy động được 900 triệu USD từ đầu năm đến nay, bằng số vốn huy động trong cả năm ngoái.
"Vẫn có dòng tiền trong các quỹ đầu tư. Chỉ là giai đoạn tới rất khó đoán, nên bản thân các quỹ cũng phải tiết kiệm, cũng phải kỷ luật trong chi tiêu, ở đây là kỷ luật trong hoạt động đầu tư", bà Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc thị trường Việt Nam, Quỹ Genesia Ventures, cho hay.
Theo giới đầu tư mạo hiểm, thị trường Việt Nam là có động lực tăng trưởng lớn về kinh tế số, khi quy mô thị trường tăng đến 7 lần trong giai đoạn năm 2015 - 2021. Đây là điểm sáng giúp startup Việt thu hút nhà đầu tư.
"Các quỹ đầu tư sẽ có xu hướng dự trữ vốn nhiều hơn cho danh mục hiện tại và ưu tiên những công ty thực sự có chất lượng. Sự phục hồi có thể diễn ra chậm hơn, nhưng về dài hạn chúng ta sẽ có được những công ty có mô hình kinh doanh bền vững, sử dụng vốn hiệu quả", ông Yinglan Tan, Tổng Giám đốc Quỹ Insignia Ventures Partner tại Singapore, nhận định.
Làn sóng sa thải hiện nay, nhìn ở góc độ khác, sẽ tạo ra cơ hội để các công ty công nghệ săn được những nhân sự chất lượng tốt, hỗ trợ cho giai đoạn vượt bão.
(Nguồn: vtv.vn).
Link gốc: https://vtv.vn/kinh-te/gioi-cong-nghe-o-at-sa-thai-nhan-su-20220923113746545.htm