Đang tải ...
  
Cập nhật 24/7 Xã hội

Thứ tư, 09/11/2022, 15:00

Giật mình trước lượng phát thải của giới tỉ phú

Tổ chức từ thiện Oxfam phát hiện một tỉ phú phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều gấp 1 triệu lần so với một người trung bình. Báo cáo được đưa ra giữa lúc bức tranh bất công trong phát thải và gánh chịu hậu quả ngày càng rõ nét hơn.

70% lượng khí thải của giới siêu giàu đến từ các khoản đầu tư của họ. Ảnh: VOA News.

Nafkote Dabi, trưởng nhóm nghiên cứu về biến đổi khí hậu tại Oxfam, cho biết lượng khí thải từ lối sống của các tỉ phú, bao gồm máy bay riêng, du thuyền…đã cao hơn hàng ngàn lần so với mức phát thải của người bình thường. Nhưng nhìn vào các khoản đầu tư của họ, lượng khí carbon thậm chí cao hơn gấp 1 triệu lần.

Cụ thể, trong báo cáo công bố ngày 7/11, Oxfam cho rằng các khoản đầu tư của 125 tỉ phú giàu nhất thế giới mỗi năm đã tạo ra trung bình 3 triệu tấn CO2/người, cao hơn 1 triệu lần so với 2,76 tấn CO2/người của 90% dân số toàn cầu. Nhóm người siêu giàu này có tổng lượng “phát thải đầu tư” lên tới 393 triệu tấn CO2/năm, bằng với dấu chân carbon của cả một quốc gia như Pháp (67 triệu dân) hay Ai Cập (104 triệu dân).

Theo nghiên cứu, trung bình 14% khoản đầu tư của các tỉ phú rót vào các ngành gây ô nhiễm như năng lượng và các vật liệu như xi măng. Trong khi đó, chỉ một trong tổng số 183 công ty của các tỉ phú là đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. “Trách nhiệm chính và ngày càng lớn của những người giàu với tổng lượng phát thải mà các khoản đầu tư của họ gây ra lại hiếm khi được thảo luận hoặc xem xét trong quá trình hoạch định chính sách. Ðiều này cần phải thay đổi”, bà Dabi nhận định, đồng thời cáo buộc những tỉ phú này trốn trách nhiệm giải trình quá lâu.

Oxfam ước tính rằng áp thuế tài sản đối với giới siêu giàu có thể thu về 1.400 tỉ USD/năm, nguồn tiền thiết yếu này sẽ giúp các nước đang phát triển và bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng khí hậu thích ứng, khắc phục tổn thất và thiệt hại cũng như thực hiện quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Báo cáo được công bố một ngày sau khi Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) khai mạc tại Ai Cập. Giám đốc điều hành Oxfam Danny Sriskandarajah đã đề nghị Hội nghị COP27 vạch trần và thay đổi vai trò của các tập đoàn lớn cũng như giới tài phiệt trong việc hưởng lợi từ ô nhiễm, tình trạng đang gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Theo ông Sriskandarajah, chính người dân ở những nước có thu nhập thấp vốn “đóng góp” ít nhất cho cuộc khủng hoảng khí hậu lại đang hứng chịu những tác động nặng nề nhất.

Bất công trong phát thải và gánh chịu hậu quả

Vấn đề bất công trong phát thải và gánh chịu hậu quả đang trở nên rõ ràng hơn nhờ phương pháp liên hệ nhanh các sự kiện thời tiết cụ thể với biến đổi khí hậu. Tại Pakistan nơi có hơn 1.700 người thiệt mạng sau trận lũ chết chóc nhất trong lịch sử nước này hồi tháng 8, công tác khắc phục hậu quả vẫn đang diễn ra. “Trận đại hồng thủy” này nhiều khả năng là do biến đổi khí hậu, bởi nếu thế giới không ấm lên 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp thì quốc gia Nam Á đã không phải hứng lượng nước mưa trút xuống nhiều hơn 75% so với thông thường.

Trong khi đó, Sừng châu Phi đang trải qua đợt khô hạn nhất trong nhiều thập niên, mà hậu quả là hàng triệu người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Tại Nigeria, lũ lụt kỷ lục đã buộc khoảng 1,4 triệu người rời bỏ nhà cửa và làm chết hàng trăm người.

Nghịch lý là toàn bộ châu Phi chỉ chịu trách nhiệm cho 3-4% lượng khí thải carbon toàn cầu, tỷ lệ này của Pakistan thậm chí chưa tới 1%.

(Nguồn: baocantho.com.vn)

Link gốc: https://baocantho.com.vn/giat-minh-truoc-luong-phat-thai-cua-gioi-ti-phu-a153070.html

Chia sẻ

Xem nhiều

FIFA muốn đổi cách dùng VAR

Rạn san hô toàn cầu đang 'kêu cứu' vì biến đổi khí hậu

Nhiều loài chim hiếm tìm về Vườn Quốc gia Tràm Chim

Đường dây 500kV mạch 3: Chạy đua với thời gian, đẩy nhanh tiến độ kéo dây

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829