Đang tải ...
  
Khoa học cuộc sống Quốc tế

Thứ ba, 22/07/2025, 16:30

Giải mã khí hậu Trái đất từ lõi băng 1,5 triệu năm tuổi

Một khối băng có thể làm thay đổi cách chúng ta hiểu và ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay? Nghe tưởng như xa vời, nhưng điều đó đang diễn ra ở Anh, nơi lõi băng cổ đại vừa được đưa đến để giải mã lịch sử khí hậu suốt 1,5 triệu năm.

Các nhà khoa học khoan đến độ sâu hơn 2.800m của tảng băng Nam Cực để lấy lõi băng quý giá. Ảnh: PNRA/IPEV.

Được khoan sâu từ lớp băng dày hơn 2.800m (tương đương hơn 8 tòa tháp Eiffel xếp chồng lên nhau) tại Nam Cực trong dự án khoa học chưa từng có tiền lệ, khối băng trong suốt như pha lê này được xem là lõi băng cổ nhất hành tinh được con người tiếp cận.

Bên trong lõi băng cổ đại được ví như cỗ máy thời gian không chỉ là bọt khí và tinh thể băng, mà là cả kho dữ liệu sống động về khí hậu, núi lửa, biển cả và những bước ngoặt từng định hình sự sống trên Trái đất.

Theo BBC, trong điều kiện bảo quản đặc biệt -23°C tại trụ sở Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh (BAS) ở Cambridge, các nhà khoa học sẽ làm tan lõi băng trong 7 tuần để thu thập mẫu bụi cổ, tro núi lửa, tảo biển và khí nhà kính bị “niêm phong” tự nhiên hàng triệu năm.

Với thiết bị phân tích hiện đại ICP-MS (phổ khối plasma cảm ứng), nhóm nghiên cứu có thể xác định hơn 20 nguyên tố và kim loại vi lượng trong mẫu, bao gồm muối biển, đất hiếm…, từ đó tái dựng bức tranh khí hậu giai đoạn 800 nghìn năm đến 1,5 triệu năm trước.

Đây là những “hồ sơ” khí hậu chưa từng bị bóp méo, là manh mối then chốt để hiểu cách Trái đất đã phản ứng ra sao trước các biến động tự nhiên khắc nghiệt, từ các vụ phun trào siêu núi lửa cho đến những biến thiên của quỹ đạo Trái đất.

Bên trong lõi băng cổ đại không chỉ là bọt khí và tinh thể băng, mà là cả kho dữ liệu sống động về khí hậu, núi lửa, biển cả... Ảnh: PNRA/IPEV.

Điểm đặc biệt khiến giới khoa học toàn cầu háo hức chính là khả năng tìm ra nguyên nhân của một trong những bí ẩn lớn nhất về khí hậu: sự chuyển đổi giữa kỷ Pleistocene (MPT), giai đoạn từ 800 nghìn năm đến 1,2 triệu năm trước khi chu kỳ băng hà của Trái đất chuyển đột ngột từ 41 nghìn năm sang 100 nghìn năm mà đến nay chưa có lời giải.

“Lõi băng này giống như cuộn phim tua ngược thời gian, giúp chúng ta có cơ hội lần đầu tiên “đọc” được cách Trái đất từng phản ứng với các biến động tự nhiên khắc nghiệt, điều cực kỳ quan trọng để dự báo chính xác tương lai khí hậu”, tiến sĩ Liz Thomas, trưởng nhóm nghiên cứu tại BAS, chia sẻ với BBC.

Không chỉ đột phá về khoa học, khám phá này còn giúp nhân loại hiểu rõ hơn nguy cơ tan băng Nam Cực và nước biển dâng, những mối đe dọa ngày càng cấp thiết trong cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu thế kỷ 21.

(Nguồn: baodanang.vn)

Link gốc: https://baodanang.vn/giai-ma-khi-hau-trai-dat-tu-loi-bang-1-5-trieu-nam-tuoi-3297530.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Khi nào Hệ Mặt trời 'chết', và 'chết' thế nào?

Sôi động cuộc đua công nghệ não bộ

Lần đầu tiên quan sát được sự ra đời của hệ Mặt Trời

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829