Đang tải ...
  
chưa có chuyên mục 3 Trong nước

Thứ ba, 21/06/2022, 14:00

Gần 50 năm sưu tầm báo giấy, gìn giữ như báu vật

Những tờ báo qua các thời kỳ cho đến nay được ông Nguyễn Hữu Ngôn (SN 1961, ở thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) dày công sưu tầm, gìn giữ như “báu vật”.

Ông Nguyễn Hữu Ngôn với những ấn phẩm báo chí sưu tầm.

Tuổi thơ với những đam mê

Nhắc đến ông Nguyễn Hữu Ngôn, giới văn nghệ sỹ, nhà báo ở Thanh Hóa không ai là không biết. Ông vốn là người thích sưu tầm xe đạp cổ, đồng hồ cổ, tư liệu về Bác Hồ, nghiên cứu văn hóa, làm thơ, viết báo, sưu tập báo chí…

Giữa tiết trời oi bức của tháng 6, tôi có dịp về tận nhà ông Nguyễn Hữu Ngôn. Thoạt nhìn, căn nhà do tự tay ông thiết kế gây ấn tượng cho những ai lần đầu đặt chân đến.

Căn nhà 3 tầng nhưng hầu như phòng nào ông cũng để đồ cổ mà mình sưu tầm, không gian như một “bảo tàng mi ni”.

Dù ở tuổi 61, nhưng nhìn ông ít ai có thể nghĩ ông mới về hưu gần được 1 năm. Nhấp chén trà, ông tâm sự, cha ông vốn là cán bộ công tác trong ngành công đoàn giáo dục của huyện Hoằng Hóa, cũng tham gia viết bài gửi báo, từng là thông tín viên cho tờ Báo Người giáo viên Nhân dân (nay là tờ Giáo dục Thời đại). Gia đình tôi đặt báo nhiều nên từ nhỏ ông đã sớm được tiếp xúc với báo chí.

“Lớn lên, khi đi học chuyên văn khóa đầu tiên của Trường THPT Hàm Rồng, tôi lại được bác ruột làm ở Đài Truyền thanh tỉnh Thanh Hóa cho ở cùng. Tôi càng có điều kiện hơn để hiểu về báo chí.

Về sau này, dù là dân sư phạm nhưng tôi vẫn bén duyên với nghề viết lách, làm báo. Tôi bắt đầu có sở thích sưu tầm, cắt dán những bài báo hay để lưu giữ cho mình. Đến tận bây giờ cũng gần nửa thế kỷ rồi”, ông Ngôn chia sẻ.

Ông cho hay, trước đây ông tham gia viết bài cho Báo Tổ quốc, có 1 số bài được dịch ra tiếng nước ngoài. Hiện nay, dù đã về hưu nhưng ông vẫn làm cộng tác viên viết cho báo Thanh Hóa.

“Trung bình cứ 1 tháng được từ 5 - 10 bài. Mình già nhưng vẫn còn lửa nên phải chạy theo đam mê”, ông Ngôn tâm sự.

Khi nói về sở thích sưu tầm những tờ báo qua các thời kỳ, ông Ngôn cho hay: “Tôi cũng không hiểu tại sao nhưng có lẽ vì mấy cái duyên như đã nói ở trên, rồi trong quá trình học tập, nghiên cứu, tôi thích lưu giữ những ấn phẩm báo chí, đặc biệt là báo Xuân. Những tờ báo qua các thời kỳ nó có giá trị riêng, từ đó tôi hiểu và so sánh được ngôn ngữ báo chí, văn phong giữa thời xưa và nay”.

Các bài báo viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh được ông Ngôn cất giữ cẩn thận.

Những tờ báo chứa đựng lịch sử

Dẫn tôi lên tầng 3 của căn nhà, ông Ngôn chỉ tay vào những thùng xốp và hộp gỗ dài nói: “Toàn bộ các số báo, đầu báo tôi đều để ở trong này bảo quản. Khi nào có dịp triển lãm trưng bày thì mang ra”.

Lượm một sấp báo trên tay, ông Ngôn nhẹ nhàng lật từng trang báo vì chất liệu giấy của báo ngày xưa khác so với ngày nay.

Nó thô ráp và trông rất cũ kỹ nên phải thận trọng, nếu không sẽ rách. Từng tờ báo như: Tổ quốc, Nhân Dân, Độc Lập, Thiếu niên, Thiếu niên Tiền phong, Lao động, Người giáo viên Nhân dân… qua các số, các thời kỳ đều có mặt trong “bảo tàng mi ni” của ông.

Có những tờ báo ông Ngôn sưu tầm từ năm 1969 đó là tờ Nhân Dân số 5621 ra thứ 6 ngày 5/9/1969 đăng tải Thông cáo đặc biệt về tang lễ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó là nhiều thông tin, tư liệu quý giá về cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Hay như tờ Người giáo viên Nhân dân số 318 ra ngày 25/9/1969… và còn nhiều tờ ở các năm tiếp theo cho đến ngày nay.

Thẻ nhà báo, thông tín viên mà ông Ngôn còn lưu giữ.

“Báo ngày xưa cơ bản hình ở bìa chủ yếu vẽ bằng tay nhưng nó rất chân thực và đầy sống động. Nội dung thể hiện nhiều về chính trị, văn hóa. Lối hành văn từng câu, từng chữ của các nhà văn, nhà báo không thể chê vào đâu được.

Ngày xưa chủ yếu là báo giấy nên khi viết phải rất thận trọng. Không giống như bây giờ khi xu hướng công nghệ hóa, báo điện tử ra đời nhưng cũng có lỗi sai về chính tả…

Cho nên, qua việc lưu giữ các trang báo mới thấy và so sánh được sự phát triển của báo chí hiện nay và giá trị lịch sử trước kia để lại”, vừa lật những trang báo, ông Ngôn vừa nói.

Ngoài việc lưu giữ những đầu báo Xuân ngày xưa, ông Ngôn còn cất giữ thẻ nhà báo của bác mình, thẻ thông tín viên (tương tự cộng tác viên ngày nay) của bố đẻ và những sấp giấy báo gửi ngày xưa, được gấp lại và “khóa” bằng 1/3 giấy A4 ghi địa chỉ, khác hẳn cách gửi báo, gửi thư sau này như bằng phong bì dán tem, bằng dấu chuyển phát nhanh.

Trong “bảo tàng mi ni” của ông Ngôn, ngoài những ấn phẩm báo Trung ương, ông còn dành riêng sưu tầm các số Báo Thanh Hóa, Tạp chí Xứ Thanh. Nhìn vào các sấp báo lưu giữ có thể thấy qua các thời kỳ chất liệu báo, màu sắc, măng sét báo thay đổi dần theo thời gian.

Khi được hỏi về dự định sau này đối với “bảo tàng mi ni” của mình, ông Ngôn cười: “Đây là nét đẹp của văn hóa nên phải công bố cho mọi người cùng xem, nó đâu phải của riêng tôi.

Tôi đã sưu tầm rất nhiều báo chí, sách, các hiện vật văn hóa truyền thống nhưng tôi không chỉ xác định dành riêng cho mình mà đã trao tặng cho Nhà truyền thống huyện Hoằng Hóa và xây dựng thư viện Trường THCS Nhữ Bá Sỹ - nơi tôi từng giảng dạy nhằm lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tới cộng đồng đặc biệt là giới trẻ”.

Thầy Lê Đăng Thành, Hiệu trưởng Trường THCS Nhữ Bá Sỹ cho biết: “Hiện nay, anh Ngôn đã kêu gọi các cựu học sinh, các thầy cô giáo quyên góp sách, tư liệu xây dựng một thư viện sách mi ni mang tên Trí Minh ở trường.

Thư viện này có khoảng 3.000 đầu sách với số lượng 4.000 cuốn chủ yếu là sách giáo khoa, sách tham khảo, nghiên cứu và 1 số đầu báo, khơi dậy niềm đam mê đọc sách của học sinh”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Thư ký Chi hội nhà báo các cơ quan báo chí Trung ương tại Thanh Hóa cho biết: “Những tờ báo mà anh Ngôn sưu tầm đến nay nhiều cơ quan còn không lưu giữ được. Có thể nói, thông qua việc lưu trữ, chúng ta có thể tìm hiểu, nghiên cứu những tư liệu hiếm có từ trước cho đến ngày nay, trong đó có ngôn ngữ báo chí. Từ đó đánh giá được sự phát triển báo chí qua các thời kỳ. Đó là giá trị lịch sử, giá trị xã hội”.

(Nguồn: baogiaothong.vn)

Link gốc: https://www.baogiaothong.vn/gan-50-nam-suu-tam-bao-giay-gin-giu-nhu-bau-vat-d556427.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829