Đang tải ...
  
Đời sống

Chủ nhật, 01/05/2022, 11:00

Dựng chòi nuôi dơi, thu lợi ích kép

Kiên Giang - Không tốn nhiều công sức hay chi phí, ông Trương Văn Bổn (73 tuổi), ngụ ấp Tân Đời, xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao (Kiên Giang) thu lợi ích kép, vừa bán phân dơi cho thu nhập ổn định, vừa tiết kiệm chi phí mua phân bón cho cây trồng.

Nhờ nuôi dơi lấy phân bán, ông Bổn thu về 300.000 đồng/ngày, kinh tế gia đình ngày càng phát triển.

Bà Nguyễn Thị Quyến, vợ ông Trương Văn Bổn, ngụ ấp Tân Đời, xã Vĩnh Tuy (Gò Quao) thu hoạch phân dơi.

Ông Bổn chia sẻ, trước đó, có một lần đi huyện U Minh (Cà Mau), ông nhìn thấy người dân nuôi dơi. Sự tò mò và hiếu kỳ đã trở thành động lực để ông quyết định xây dựng chòi nuôi dơi. Thời gian đầu mới nuôi dơi, ông Bổn gặp nhiều khó khăn từ cách xây dựng chòi để thu hút dơi về sinh sống đến việc thu hoạch phân dơi. Bà Nguyễn Thị Quyến (vợ ông Bổn) không nản lòng, quyết tâm đồng hành cùng chồng. Hai ông bà chịu khó tìm tòi, học hỏi cách nuôi dơi.

Bà Quyến nói: “Lúc bắt đầu nuôi, vợ chồng tôi làm nhiều cách để thu hút dơi về sinh sống và trú ngụ ở chòi nhưng không hiệu quả. Do không hiểu được tập tính của dơi, khi thấy dơi không về chòi ở, tôi lấy trái cây chín treo ở chòi nhằm thu hút dơi nhưng sau này mới biết loài dơi này không ăn trái cây, chúng ăn các loại côn trùng, sâu bọ có hại”. Ông Bổn bắt dơi bỏ vào lồng để dơi kêu nhằm thu hút dơi khác về sống. Khoảng 2 năm sau, dơi bắt đầu dẫn nhau về chòi trú ngụ và sinh sản.

Theo ông Bổn, muốn thu hút được dơi về sinh sống, người nuôi nên dựng chòi ở những nơi thoáng mát, ít cây cối, ít tiếng ồn, chòi phải gần ao ruộng để dơi uống nước. Để xây dựng được một chòi dơi kiên cố, lâu bền mà không cần gia cố và sửa chữa nhiều lần làm ảnh hưởng đến dơi, ông Bổn dựng chòi với cột trụ, xiên, kèo hoàn toàn được bê tông hóa với chi phí khoảng 4 triệu đồng.

Chòi nuôi dơi có chiều ngang 5m, dài 7-9m, có 4 cột xi măng làm trụ cao khoảng 8-10m. Nóc chòi cao 1,5m, được lợp bằng tole, phía dưới có gác bằng các cây gỗ xuôi dọc theo chiều dài của chòi, mỗi cây cách nhau từ 40-50cm để treo lá thốt nốt khô làm “ngôi nhà” lý tưởng cho dơi trú ngụ và sinh sản. Ở địa phương không có lá thốt nốt, ông Bổn phải qua An Giang để mua mang về. Nền chòi nuôi dơi được tráng xi măng hoặc trải lưới cước để khi thu gom phân dơi được thuận tiện và nhanh chóng.

Ảnh minh họa mô hình nuôi dơi lấy phân.

Trong quá trình nuôi dơi, người nuôi cần chăm sóc và kiểm tra chòi thường xuyên. Vào mùa mưa phải che chắn, giữ ấm cho dơi, tránh dơi bị ướt. Vào mùa nắng nóng, cần bỏ bớt lá thốt nốt để chòi dơi thoáng mát. Cứ 5-7 tháng thay ổ lá một lần để tránh rắn, rệp và kiến trú ngụ. Khi thay lá thốt nốt phải xen lẫn lá cũ, lá mới để dơi không thấy lạ chỗ.

Với kinh nghiệm hơn 40 năm nuôi dơi, ông Bổn cho biết: “Dơi sợ nhất là động tổ, nếu phát hiện dấu hiệu bất thường dơi sẽ bỏ đi. Nên thay lá thốt nốt vào ban đêm khi dơi đã bay đi kiếm ăn, thay lá thật nhanh trước khi dơi quay trở về. Khoảng tháng 3, tháng 4 âm lịch là tháng dơi sinh con, không rời chòi đi ăn, vì vậy không nên thay lá ổ vào hai tháng này”. Nhờ kinh nghiệm nhiều năm qua, ông Bổn nuôi dơi thành công không để dơi bỏ chòi đi nơi khác, thu hút ngày càng nhiều dơi về trú ngụ, sinh sản. Từ 2 chòi đến nay ông Bổn đã nhân lên được 7 chòi nuôi dơi.

Hiện nay, với 7 chòi nuôi dơi, gia đình ông Bổn thu gom phân dơi khô từ 6-15kg, thu hơn 300.000 đồng mỗi ngày. Lượng phân dơi thu được còn tùy thuộc vào việc dơi đi kiếm ăn, những ngày mưa lượng phân dơi sẽ ít hơn những ngày nắng vì dơi không đi kiếm ăn được. Ông Bổn còn trữ phân dơi để bón cho lúa, cây trồng quanh nhà tiết kiệm chi phí trong trồng trọt, tăng lợi nhuận và bán cho các thương lái đến từ tỉnh Vĩnh Long, TP. Cần Thơ.

(Nguồn: Báo Kiên Giang)

Link gốc: http://baokiengiang.vn/kinh-te/lao-nong-me-nuoi-doi-8657.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Nguồn gốc và ý nghĩa Ngày quốc tế đàn ông

Ngư dân Núi Thành tu sửa tàu thuyền cho vụ biển mới

Nhọc nhằn thu hoạch 'lộc biển' trên ghềnh đá bên sóng dữ

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829