Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ tư, 08/01/2025, 06:00

Độc đáo nghề làm giấy giang của người H’Mông ở Hòa Bình

Người H’Mông ở hai xã Hang Kia và Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình có nhiều nghề thủ công truyền thống, nổi bật là nghề làm giấy giang - nét văn hóa đặc sắc, lâu đời của đồng bào nơi đây.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình, bà con dân tộc H’Mông ở hai xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình có nhiều nghề thủ công truyền thống như nghề rèn, thêu thổ cẩm, vẽ tranh sáp ong… và đặc biệt là nghề làm giấy giang.

Từ bao đời nay, người Mông tại xã Pà Cò và Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình vẫn luôn duy trì kỹ thuật làm giấy độc đáo từ cây giang. Ảnh: Bảo Ân.

Giang là loại cây thuộc họ tre nứa, vốn dĩ rất gần gũi với người dân Việt Nam. Lạt chẻ từ cây giang chính là nguyên liệu quan trọng trong quy trình gói bánh chưng, gói giò bởi đặc tính mềm, dẻo. Đặc biệt, người H’Mông ở khu vực Hang Kia và Pà Cò còn sử dụng cây giang để làm giấy.

Ủ càng lâu giang càng mềm, khoảng một tuần trở lên mới mang ra đập nát rồi lọc lấy nước. Ảnh: Bảo Ân.

Để làm giấy giang, bà con nơi đây thường chọn cây giang non rồi chặt thành khúc, bỏ mắt, thái bỏ vỏ xanh bên ngoài, chẻ thành từng thanh nhỏ.

Từ nước giang được lọc, người dân sẽ dùng gáo múc từng gáo bột giấy và dàn đều trên mặt vải. Ảnh" Bảo Ân.

Thanh giang được bỏ vào nồi nấu cùng với tro bếp và vôi bột khoảng một đêm, sau đó sẽ được cho vào tải ủ, tưới nước thường xuyên. Ủ càng lâu giang càng mềm, khoảng một tuần trở lên mới mang ra đập nát rồi lọc lấy nước, vớt các thứ xơ bỏ ra ngoài.

Mặt vải làm giấy cũng phải căng đều, không được trùng, thủng để bột giấy có thể bám đều trên đó. Ảnh: Bảo Ân.

Khâu cuối cùng là tráng giấy. Đây là khâu khá khó vì đòi hỏi người tráng phải có kinh nghiệm tráng đều trên khung màn đóng sẵn. Người H’Mông đặt ngang chiếc khung vải, dùng muôi múc bột giấy dàn đều trên mặt vải, rồi cầm khung lắc qua lắc lại cho thật đều.

Khi bột giấy đã dàn đều thì dựng khung nghiêng để phơi giấy cho khô. Ảnh: Bảo Ân.

Khi bột giấy đã dàn đều thì dựng khung nghiêng để phơi giấy cho khô. Khi giấy khô thì gỡ mép giấy trước, sau đó lột cả tờ giấy lên. Giấy làm bằng cây giang có độ mịn cao, màu hơi ngả vàng.

Bột giấy được phơi dưới nắng. Ảnh: Bảo Ân.

Giấy giang được sáng tạo ra không chỉ dùng để viết, sử dụng trong các nghi lễ, tín ngưỡng mà còn để trang trí, tạo nên nét văn hóa đặc sắc trong không gian ngôi nhà của người H’Mông.

Trong các lễ nghi, đồng bào thường cắt giấy bản thành những hình vuông, hình tròn, được cho là những thông điệp của người H’Mông gửi cho tổ tiên, thần linh để cầu mong những điều tốt lành, may mắn, mùa vụ tốt tươi, xua đi cái xấu…

Nghề làm giấy giang được xem là tri thức dân gian đặc sắc. Việc gìn giữ và phát huy nghề làm giấy giang chính là góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian đặc sắc của dân tộc H’Mông.

(Nguồn: Sài Gòn tiếp thị)

Link gốc: https://sgtt.thesaigontimes.vn/doc-dao-nghe-lam-giay-giang-cua-nguoi-hmong-o-hoa-binh/

Chia sẻ

Xem nhiều

Vì sao 8 năm liền không có ngày 30 Tết?

Lộ diện linh vật rắn đang gây sốt mạng ở Quảng Trị

Những tấm giấy siêu mỏng của Nhật Bản thu hút khách hàng toàn cầu

Một con cá ngừ vây xanh được bán đấu giá hơn 1,3 triệu USD

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829