Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ năm, 27/07/2023, 16:30

Điểm tên 5 nghề nguy hiểm nhất thế giới

Thế giới vẫn tồn tại một số công việc máy móc không thể thay thế con người, trong môi trường khắc nghiệt, đe dọa tính mạng. Dưới đây là 5 nghề nguy hiểm nhất.

Khoa học – công nghệ trên toàn cầu phát triển mạnh mẽ, cuộc sống của nhân loại ngày càng được cải thiện và trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, ở đâu đó trên thế giới vẫn tồn tại một số công việc mà máy móc không thể thay thế con người, trong những môi trường vô cùng khắc nghiệt, đe dọa tính mạng. Sau đây là 5 nghề nguy hiểm nhất thế giới.

Nghề khai thác lưu huỳnh

Công nhân khai thác lưu huỳnh tại núi lửa Ijen, miền Đông Java, Indonesia.

Ngành công nghiệp lưu huỳnh trên toàn cầu có giá trị lên đến 13 tỷ USD. Tuy nhiên, để khai thác lưu huỳnh, những công nhân phải bất chấp sức khỏe thậm chí tính mạng, để làm việc trong các ngọn núi lửa đang hoạt động chỉ để kiếm 17 đô la Mỹ một ngày.

Anh Mistar là công nhân khai thác lưu huỳnh tại núi lửa Ljen tại miền Đông Java, Indonesia, một trong những nơi độc hại nhất trên thế giới. Mistar có thể gánh tới 100kg lưu huỳnh trên lưng lên xuống những vách đá dựng đứng nguy hiểm trong khi anh chỉ nặng hơn 50kg. Anh làm công việc này đã hơn 30 năm.

Anh Mista chia sẻ: “Hàm lượng axit ở đây ngang bằng với hàm lượng axit trong pin, do tiếp xúc lâu ngày, tôi đã bị rụng răng, lưng và vai đau nhức”.

Nhiệt độ ở đây là hơn 40 độ C, những người công nhân phải tự mình mua các thiết bị phòng độc, người không có điều kiện thì phải dùng khăn tay hoặc khăn nhúng nước để giữ cho bột lưu huỳnh không bị dính vào mặt.

Bụi lưu huỳnh hay khí SO2 khi xâm nhập vào phổi, tim, mắt, họng, tai… nhẹ thì gây ngạt mũi, đau đầu, nặng hơn có thể gây khó thở, viêm phế quản, thậm chí bị ngộ độc máu và tử vong. Nhiều người thợ mỏ làm việc trong môi trường khắc nghiệt này thường không sống quá 50 tuổi.

Nghề làm muối

Ấn Độ nơi sản xuất muối lớn nhất thế giới và khoảng một phần ba là muối được khai thác từ các sa mạc khắc nghiệt. Những người dân làm muối thủ công trong sa mạc khắc nghiệt qua nhiều thế hệ được gọi là Agariyas. Mỗi năm, họ đến vùng đất khô cằn Rann of Kutch – được biết đến là sa mạc muối lớn nhất của Ấn Độ - vào tháng Mười và ở đó liên tục trong 6 tháng.

Sa mạc muối Little Rann of Kutch, Ấn Độ.

Việc đầu tiên là phải tìm vị trí mạch nước muối sâu trong lòng đất hàng chục mét. Sau đó, dùng các tấm pin năng lượng mặt trời để cung cấp năng lượng cho các máy bơm mang nước lên những ô ruộng đã được lăn phẳng thủ công. Nước muối được bơm đến các ô ruộng và đợi đến khi nước đạt độ mặn 24% cần thiết để tạo thành các tinh thể muối lớn.

Phải mất hàng tháng để nước bốc hơi và tinh thể muối sẽ hình thành. Việc cào muối bắt đầu vào mỗi sáng sớm để tránh phần nóng nhất trong ngày. Người Agariyas sống và làm việc trong môi trường như vậy cho đến mùa Xuân, khi muối đã thành thành phẩm, mỗi gia đình chỉ kiếm được khoảng 2.000 đô la Mỹ cho cả mùa vụ đầy vất vả và nguy hiểm.

Những ngọn núi muối tại Sa mạc muối Little Rann of Kutch, Ấn Độ.

Vậy, tại sao đây là một trong những nghề nguy hiểm nhất với tuổi thọ trung bình của một người làm muối vào khoảng 60 tuổi. Bởi, người khai thác muối không chỉ phải đối mặt với nhiệt độ khắc nghiệt mà họ còn phải đối mặt với nước muối chứa axit cao. Khi tiếp xúc lâu ngày với nước muối cô đặc dưới đất sẽ gây ra những vấn đề về da như viêm da ở bàn tay và chân, dẫn đến nhiễm trùng, nhiều người đã phải cắt bỏ tay, chân.

Nhiều người Agariyas còn bị mù bởi hậu quả làm việc nhiều giờ dưới ánh nắng khắc nghiệt. Trong khi việc tiếp cận chăm sóc y tế thường quá khó khăn và đắt đỏ với những người lao động nghèo này.

Nghề hái quả cọ

Quả cọ mang lại rất nhiều công dụng và được sử dụng rộng rãi ở Mỹ. Chúng có tác dụng chống oxy hóa, cung cấp nhiều loại vitamin, kháng khuẩn, giúp cân bằng huyết áp, duy trì sự ổn định của hệ thần kinh, có thể dùng làm thức ăn hàng ngày cho những người bị ung thư mũi, ung thư vòm họng, ung thư thực quản. Vì vậy nó là loại quả rất được ưa chuộng và có giá không hề rẻ.

Tuy nhiên, hầu hết cây cọ lại nằm sâu trong rừng nhiệt đới Amazon. Để thu hoạch quả cọ, người dân phải mạo hiểm leo lên những cây cọ cao hàng chục mét với 1 công cụ duy nhất là đoạn dây được kết từ lá cây.

Một người dân đang hái cọ tại bang Para, nơi trồng hơn 90% quả cọ ở Brazil.

Thân những cây cọ rất mỏng nên người trèo cũng phải rất nhẹ, khéo léo, nhất là khi xuống họ sẽ phải vừa giữ cho chùm cọ không bị dập nát, lại vừa giữ cho bản thân an toàn, nếu sơ sẩy họ có thể bị ngã gãy tay chân. Sau khi hái xuống thì họ sẽ phải nhanh chóng vận chuyển bởi nó rất nhanh hỏng.

Một người dân đang tách quả ngay khi hái xuống để vận chuyển ra nhà máy vì nó rất nhanh hỏng.

Mỗi thùng quả này họ chỉ thu được 20 cent trong khi qua chế biên thì nó được bán với giá 7 đô la trở lên ở Mỹ.

Nghề khai thác đá vôi

Đá vôi là vật liệu thiết yếu trong đời sống con người, nó dùng để làm ra bê tông, kính, nhựa, gạch lát… Nhưng để khai thác, đào lên và cắt thành những khối đá giá trị thực sự là công việc nguy hiểm. Những người thợ mỏ Ai Cập đã đánh đổi sức khỏe và tính mạng để có được những viên đá trắng như tuyết.

Những người thợ mỏ đang cắt từng miếng đá từ mỏ đá trắng của Ai Cập.

Họ là những công nhân tự do nên phải tự trang bị đồ bảo hộ, thường là tự chế khẩu trang vải, găng tay và kính râm đơn giản để chống bụi mịn. Mỗi công nhân làm việc ở đây chỉ được trả 6 đô la Mỹ mỗi ngày.

Việc đầu tiên họ làm là thiết lập 2 đường ray, dùng hai cỗ máy để cắt những khối đá to, những cỗ máy cắt đá sắc bén như dao cạo và nguy hiểm, chúng gây nên tiếng ồn mà những người công nhân ở đây phải hét vào mặt nhau để cảnh báo khi máy đang ở gần. Họ phải tự sửa chữa máy móc khi chúng bị hỏng và mài lưỡi dao bằng tay.

Những người công nhân đang mài lưỡi cắt đá.

Khi cắt đá sẽ tạo ra lớp bụi mịn dày đặc phủ kín những người thợ. Việc hít phải bụi mịn trong thời gian dài là nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi và ung thư phổi. Theo ước tính, những người làm lâu năm ở đây tuổi thọ không quá 45 tuổi.

Nghề khái thác tổ yến

Tổ yến được hình thành từ nước dãi của chim yến, mang lại nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, 1kg tổ yến có giá lên đến 2.900 đô la Mỹ. Có lẽ vì vậy mà nhiều người đã bất chấp nguy hiểm để khai thác yến trên những vách đá nguy hiểm.

Đây là công việc “cha truyền con nối của gia đình anh Alvin Villarendo. Trong mối chuyến săn tìm tổ yến, anh Alvin Villarendo thường xuyên phải leo lên các vách đá cao đến hơn 30 mét, trơn trượt và sắc nhọn ở đảo Nabat, Philippines.

Gia đình anh Alvin Villarendo đang khai thác tổ yến ở đảo Nabat, Philippines.

Khi đến đảo họ dùng thang tự chế là hai thanh tre mỏng manh để leo lên các vách núi thẳng đứng như những trò chơi mạo hiểm. Không có bất cứ đồ bảo hộ nào, chỉ dùng tay và chân để trèo lên những thanh tre mỏng manh.

Sau khi tìm được tổ yến, họ sẽ dùng nước xịt vào để tách chúng ra khỏi vách đá. Trong một lần khai thác, Alvin đã bị trật khớp vai, nhiều người khác cũng đã bị chấn thương vì va đập vào vách đá.

Dẫu biết đây đều là những nghề chứa đầy hiểm nguy, gian nan và vất vả thậm chí đánh đổi cả mạng sống, song vì “miếng cơm, manh áo”, những lao động nghèo vẫn bất rủi ro để mưu sinh, kiếm tiền lo cho cuộc sống gia đình.

(Nguồn: congthuong.vn)

Link gốc: https://congthuong.vn/diem-ten-5-nghe-nguy-hiem-nhat-the-gioi-263995.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Phim Địa đạo - Khúc ca bi tráng từ lòng đất

Những việc nên làm dịp Tết Thanh minh

Hơn 1,1 triệu thí sinh tham gia kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông 2025

Vì sao 'Khi cuộc đời cho bạn quả quýt' nổi tiếng toàn cầu?

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829