Thứ tư, 14/12/2022, 10:00
Đài Loan lo mất ‘lá chắn silicon’ khi cả thế giới trải thảm đỏ với TSMC
Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đều hoan nghênh hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới TSMC (Đài Loan) đến thiết lập nhà máy để bảo đảm nguồn cung chip. Nhưng tại Đài Loan, bầu không khí lo lắng đang xuất hiện vì điều này đồng nghĩa với việc TSMC sẽ giảm hiện diện trên hòn đảo này, làm giảm các cơ hội việc làm ở địa phương.
Quan trọng hơn, việc TSMC mở rộng đầu tư trên toàn cầu có thể khiến Đài Loan đứng trước rủi ro cao bị Trung Quốc sử dụng vũ lực để thu hồi vì Bắc Kinh từ lâu vẫn khẳng định Đài Loan là một phần lãnh thổ hợp pháp và không thể tách rời của mình.
TSMC như viên kim cương mà ai cũng muốn có
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) bắt tay Chủ tịch TSMC Mark Liu sau khi tham quan nhà máy chip mà TSMC đang xây dựng ở Phoenix, bang Arizona hồi tuần trước. Ảnh: AP.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Giám đốc điều hành Apple Tim Cook đã ca ngợi TSMC tại một sự kiện mà hãng công bố nâng vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất chip ở bang Arizona lên 40 tỉ đô la Mỹ so với kế hoạch ban đầu 12 tỉ. Đây là khoản đầu tư khổng lồ được thiết kế để giúp đảm bảo nguồn cung các sản phẩm chip tiên tiến nhất cho Mỹ.
Nhưng ở quê nhà Đài Loan, có một mối lo ngại đang dâng cao về áp lực chính trị và thương mại ngày càng tăng đối với TSMC khi hãng mở rộng ra quốc tế. Bên cạnh mở rộng đầu tư ở Mỹ, TSMC cũng đang xây dựng một cơ sở sản xuất chip tại Nhật Bản và xem xét đầu tư vào châu Âu.
“TSMC giống như viên kim cương Hope của chất bán dẫn. Mọi người đều muốn nó”, G. Dan Hutcheson, Phó chủ tịch TechInsights, một tổ chức nghiên cứu chip, nói khi đề cập đến Hope Diamond, viên kim cương xanh da trời lớn nhất thế giới, đang được cất giữ tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia của Viện Smithsonian ở Washington (Mỹ).
“Khách hàng Trung Quốc muốn TSMC xây dựng nhà máy ở đó. Khách hàng Mỹ muốn TSMC xây dựng ở đất nước của họ. Và khách hàng châu Âu cũng muốn nhà máy của TSMC hiện diện ở lục địa này”, Hutcheson nói thêm.
Ngoài rủi ro TSMC sẽ mang theo công nghệ tiên tiến nhất của mình ra nước ngoài, tước đi một trong những tài sản quý giá nhất của Đài Loan và giảm cơ hội việc làm tại địa phương, còn có những lo ngại rằng sự hiện diện giảm sút của hãng tại quê nhà có thể khiến Đài Bắc chịu sức ép lớn hơn từ Bắc Kinh, vốn từ lâu đã tuyên bố sẽ sử dụng vũ lực để thống nhất hòn đảo này nếu cần thiết.
TSMC, được coi là “báu vật” ở Đài Loan, đang là nhà cung cấp quan trọng cho những gã khổng lồ công nghệ bao gồm Apple và hãng chip Qualcomm. Hãng sản xuất các sản phẩm chip tiên tiến nhất trên thế giới với quy mô lớn. Đây là những thành phần quan trọng giúp vận hành trơn tru mọi thứ, từ điện thoại thông minh cho đến máy giặt.
TSMC đóng vai trò rất giá trị đối với nền kinh tế toàn cầu, cũng như đối với Trung Quốc , nước xem Đài Loan là lãnh thổ không thể tách rời của mình , đến mức đôi khi TSMC còn được coi là một phần của “lá chắn silicon”, có thể giúp ngăn ngừa Trung Quốc phát động chiến dịch thống nhất lãnh thổ này. Hoạt động sản xuất chip của TSMC tập trung ở Đài Loan tạo động lực mạnh mẽ cho phương Tây bảo vệ Đài Loan trước bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm thu hồi hòn đảo này.
Theo Hutcheson, nếu Đài Loan đóng vai trò là nhà cung cấp chip quan trọng cho các công ty công nghệ Mỹ, thì Mỹ sẽ phải hỗ trợ và bảo vệ hòn đảo này.
Thỏa thuận bí mật?
Nhà máy chip của TSMC đang được xây dựng ở Phoenix, bang Arizona, Mỹ. Ảnh: Abc 15 Arizona.
Hôm 5/12, một ngày trước buổi lễ lắp đặt thiết bị ở nhà máy chip mới của TSMC ở bang Arizona (Mỹ), Chiu Chenyuan, nghị sĩ phe đối lập ở Đài Loan, đã chất vấn người đứng đầu Cơ quan phụ trách ngoại giao Đài Loan Joseph Wu về việc liệu đang có một “thỏa thuận bí mật” nào đó với Mỹ để gây bất lợi cho ngành công nghiệp chip của Đài Loan hay không.
Chiu Chenyuan cho rằng TSMC đang chịu áp lực chính trị phải chuyển hoạt động và công nghệ tiên tiến nhất sang Mỹ. Ông đề cập đến việc chuyển 300 người, bao gồm cả các kỹ sư của TSMC, đến nhà máy ở Arizona. Song Joseph Wu khẳng định không có thỏa thuận bí mật nào, cũng như không có bất kỳ nỗ lực nào nhằm làm giảm tầm quan trọng của Đài Loan đối với TSMC.
Patrick Chen, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của CL Securities Taiwan, ghi nhận có mối lo lắng chung ở Đài Loan về tầm quan trọng quốc tế ngày càng tăng của TSMC, về áp lực mà hãng đối mặt để mở rộng đầu tư ở nước ngoài cũng như điều đó sẽ tác động như thế nào đối với Đài Loan.
“Điều này tương tự như những gì đã xảy ra ở Mỹ vào thập niên 1970 và 1980 khi các việc làm ngành sản xuất được chuyển từ Mỹ sang các nước khác. Nhiều việc làm tại địa phương bị mất và nền kinh tế của các thành phố ở Mỹ suy sụp”, Chen nói.
Trước đây, Giám đốc điều hành TSMC C.C. Wei từng nói rằng mọi việc đều quan trọng đối với TSMC và hãng sẽ “tiếp tục phục vụ tất cả khách hàng trên toàn thế giới.”
Được thành lập vào năm 1987 bởi Morris Chang, TSMC không phải là một cái tên quen thuộc bên ngoài Đài Loan dù hãng sản xuất khoảng 90% chip máy tính siêu cao cấp trên thế giới.
Chip là thành phần không thể thiếu trong mọi thiết bị điện tử. Chúng khó sản xuất vì chi phí phát triển cao và cần kiến thức chuyên môn sâu. Điều này có nghĩa là phần lớn hoạt động sản xuất tập trung vào một số ít nhà cung cấp.
Theo các chuyên gia, lo ngại về việc mất quyền tiếp cận với các con chip quan trọng, đặc biệt là khi căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như giữa Bắc Kinh và Đài Bắc, chính phủ và các công ty lớn như Apple đã yêu cầu nhà cung cấp sản xuất chip tại đất nước của họ.
Chris Miller, tác giả cuốn sách “Chiến tranh chip: Cuộc chiến tranh giành công nghệ quan trọng nhất thế giới”, nói: “Quyết định mở rộng đầu tư vào Arizona của TSMC là minh chứng cho thấy rủi ro chính trị và địa chính trị sẽ đóng vai trò lớn hơn trước đây trong các quyết định về chuỗi cung ứng. Nó cũng cho thấy rằng khách hàng của TSMC đang yêu cầu đa dạng hóa sản xuất hơn về mặt địa lý, điều mà trước đây không phải là mối quan tâm chính của các khách hàng lớn”.
Trước đây, ông Morris Chang tiết lộ nhà máy chip ở Arizona sẽ sản xuất chip kích cỡ 3 nanomet, công nghệ tiên tiến nhất của TSMC. Thông báo đó đã gây bất an cho một số nhà chính trị ở Đài Loan như Chiu Chenyuan vì họ lo Đài Loan sẽ đánh mất lợi thế khi TSMC được chào đón trên toàn cầu.
Patrick Chen cho rằng mối lo ngại an ninh quốc gia của các chính phủ trên toàn cầu đang thúc đẩy TSMC mở rộng ra nước ngoài. Nhưng Chen tin rằng TSMC sẽ tiếp tục sản xuất công nghệ tiên tiến nhất tại quê nhà.
Ông nói: “Điều này hợp lý về kinh tế vì Đài Loan có mức lương nhân công thấp hơn và kỹ sư có chất lượng cao hơn”. Chen cũng lưu ý TSMC cần phải được sự chấp thuận của Cơ quan phụ trách kinh tế Đài Loan để chuyển các công nghệ tiên tiến nhất ra nước ngoài.
Nhiều chuyên gia suy đoán vào thời điểm chip 3 nanomet được sản xuất tại Arizona, các nhà máy của TSMC tại Đài Loan cũng sẽ sản xuất những con chip thậm chí còn có kích cỡ nhỏ hơn, tiên tiến hơn.
Hutcheson tin rằng TSMC sẽ giữ các nhóm phát triển ưu việt nhất của mình ở Đài Loan.
(Nguồn: thesaigontimes.vn)
Link gốc: https://thesaigontimes.vn/dai-loan-lo-mat-la-chan-silicon-khi-ca-the-gioi-trai-tham-do-voi-tsmc/