Đang tải ...
  
Du lịch cuộc sống Sự kiện

Thứ hai, 04/12/2023, 16:30

Đặc sắc Lễ hội Pôồn Pôông của đồng bào dân tộc Mường

Tại Thanh Hóa, vùng nào có người Mường ở là có Lễ hội Pôồn Pôông, bởi Pôồn Pôông chính là “hồn cốt”, nét văn hóa không thể thiếu của đồng bào Mường.

Lễ hội Pôồn Pôông của người Mường.

Pồôn Pôông là lễ hội có từ rất xa xưa, có người cho rằng bắt nguồn từ sử thi “Đẻ đất, đẻ nước”. Trong tiếng Mường, “Pồôn” có nghĩa là chơi, vờn, nhảy múa; “Pôông” có nghĩa là bông, bông hoa; “Pồôn Pôông” có nghĩa là nhảy múa bên hoa, tức là lễ thưởng hoa, chơi hoa xung quanh cây Bông để cầu cho bản Mường no ấm, thóc đầy bồ, lúa đầy sân, con người hạnh phúc.

Lễ hội được tổ chức hằng năm vào ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng Ba và rằm tháng Bảy hay lễ mừng cơm mới, để cầu chúc cho mối tình chung thủy của nàng Nga – hai mối, nàng Ờm – Bồng Hương và cũng là dịp mời họ về Mường chung vui cùng các nam thanh, nữ tú.

Chủ của lễ hội là Ậu Máy (còn gọi là bà máy). Ậu Máy là người có uy tín trong làng, được truyền nghề từ một Ậu Máy đi trước, biết cúng bái, bốc thuốc chữa bệnh, và múa đẹp, hát hay. Ngoài Ậu Máy, lễ hội luôn cần ít nhất 6 người nữa cùng diễn trò múa hát xung quanh cây Bông, với các nhân vật: Enh chàng – Bông danh, nàng Choóng long – Đồng thiếp, Nàng Quắc – cô nàng lắm lý lẽ hay vẽ công, vẽ việc.

Vật trung tâm trong lễ hội là cây Bông. Cây Bông là biểu tượng của vũ trụ bao la, hội tụ đầy đủ vạn vật mà tạo hóa đã ban cho con người, dựng cây Bông đồng nghĩa với việc trả ơn cho thần linh và mời thần linh về chung vui cùng người trần gian.

Cây Bông được đẽo bằng thân tre, trên cây được treo 5 hoặc 7 tầng những chùm hoa được làm từ gỗ của cây Chạng bạng nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng cùng các mô hình muông thú, nông cụ sản xuất... (tùy theo tài năng, thâm niên của Ậu Máy mà cây Bông có thể có 5;7;9 hoặc cao nhất là 12 tầng cũng vì thế mà chiều cao của cây Bông cũng khác nhau). Để làm được cây Bông cần có những người thật sự khéo tay của bản Mường, làm mất nhiều thời gian và đòi hỏi phải công phu.

Bên cạnh cây bông là bàn rượu cần và các mâm cỗ lễ với các món ăn truyền thống của người Mường trong dịp lễ như xôi ngũ sắc, canh Loóng, canh Môn..

Dưới gốc cây bông, Enh Chàng – Bông Danh cùng nàng Chóng Long – Đồng Thiếp ngồi đối xứng với nhau, trùm khăn đỏ, khăn xanh, soi gương và hát.

Ậu Máy có vai trò như một người thầy cúng, là người dùng văn vần kể lại giai thoại sinh ra trời đất, thông báo với thần linh năm nay mùa màng bội thu, dân làng mở hội để tỏ lòng biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, người người hạnh phúc và mời thần tổ, vua cha về vui chơi...

Sau phần lễ của Ậu Máy là phần hội. Tất cả các trò diễn đều xoay quanh cây Bông, mô phỏng lại các phong tục, tập quán của người Mường, phản ánh đời sống tâm linh văn hóa của người Mường. Các nhân vật tham gia lễ hội mặc trang phục dân tộc Mường, trên vai vắt một dải khăn để điệu nhảy thêm uyển chuyển. Họ múa mô phỏng lại các động tác trong quá trình lao động, sản xuất vui chơi hàng ngày như chia đất, chia nước, dựng nhà, đuổi thú dữ, trồng trọt, làm cơm mời Mường..., sau đó mọi người tiếp tục nhảy múa quanh cây Bông, họ cất lên những khúc hát giao duyên, lời ca hẹn ước trong tiếng cồng chiêng nhịp nhàng vang lên rộn rã khắp bản làng.

Tất cả các trò diễn đều xoay quanh cây Bông, mô phỏng lại các phong tục, tập quán của người Mường, phản ánh đời sống tâm linh văn hóa của người Mường.

Nét đặc sắc trong lễ hội là Ậu Máy vừa diễn vừa kể lại giai thoại bằng lời Mường cổ, báo cáo với thần về cuộc sống bản Mường, dâng cúng thần món xôi nếp mới, cầu xin thần tiếp tục phù hộ cho dân bản Mường khỏe mạnh, may mắn; ôn lại quá trình sinh ra trời đất, khai lập bản Mường, chia đất, chia nước, dựng nhà, săn đuổi thú dữ, trồng trỉa lương thực, chọi gà, chọi trâu, đấu vật, đánh cá, múa bông, bói bông, làm cơm mời mường, ăn cơm ram, uống rượu cần... Ậu Máy phải kể đúng, nếu kể sai sẽ bị thần linh phạt, năm sau không được tham gia trẩy hội cùng dân làng.

Ngoài diễn Pôồn Pôông, người Mường còn biểu diễn các tiết mục: Kin chiêng boóc mạy (cầu mùa), múa rùa, múa bát, múa chuông...

Kết thúc Pôồn Pôông, trai gái xin Ậu Máy một cành bông mang về cầu may. Ậu Máy sẵn lòng cho hết cây Bông, chỉ giữ lại một cành đặt lên bàn thờ, đánh dấu mùa Pôồn Pôông kết thúc. Trai gái tham gia đối đáp với Ậu Máy vừa thể hiện nghi lễ, vừa biểu đạt tình cảm nam nữ...

Bên cạnh nét đẹp tâm linh, lễ hội cũng là dịp để mọi người cùng nhau ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc Mường, góp phần cùng các dân tộc anh em xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, cũng như sẻ chia về cuộc sống hàng ngày...

(Nguồn: baophutho.vn)

Link gốc: https://baophutho.vn/dan-toc-ton-giao/dac-sac-le-hoi-poon-poong-cua-dong-bao-dan-toc-muong/203110.htm

Chia sẻ

Xem nhiều

Du lịch cả nước sôi động dịp nghỉ lễ 30/4-1/5

Top các địa phương có doanh thu nghìn tỷ sau 'kỳ nghỉ lễ vàng' 30/4-1/5

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829