Thứ hai, 14/02/2022, 09:30
Căn bệnh 'chặt chém' ngày Tết
Tệ nạn bắt chẹt khách, tăng giá vô tội vạ trong mùa cao điểm du lịch đã diễn ra nhiều năm, nếu không mạnh tay chấn chỉnh sẽ thành "bệnh nan y".
Sau hơn 2 năm ngành du lịch gặp khó khăn vì dịch Covid-19 hoành hành, Tết Nhâm Dần 2022, tin vui dồn dập đến với ngành này. Thế nhưng, đến hẹn lại lên, tình trạng nâng giá vô tội vạ, bắt chẹt du khách vẫn xuất hiện ở nhiều địa phương.
"Chặt chém", trấn lột trá hình
Ngành du lịch im ắng trước Tết bỗng bùng nổ vào những ngày đầu xuân. Các trọng điểm vui chơi tràn ngập khách. Có điểm lượng khách tương đương với thời kỳ trước khi có dịch Covid-19. Ước tính trong tuần lễ Tết (từ ngày 1 đến 7/2), du lịch Việt Nam đón hơn 6 triệu khách nội địa. Chỉ trong tuần lễ Tết, ngành du lịch TP HCM đạt hơn 3.100 tỉ đồng. Đây là bước tổng dượt quan trọng trước khi quyết định mở cửa du lịch quốc tế, tăng tốc cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Du lịch Tết bùng nổ; nạn kẹt xe, chen chúc, chờ đợi vô lý, "chặt chém" vẫn tái diễn và chưa có thuốc chữa. Nạn "chặt chém" du khách năm nay ít hơn nhưng xuất hiện với hình thái mới, tinh vi hơn.
Bức xúc nhất là việc nhà hàng dưới chân đèo Rọ Tượng (xã Ninh Ích, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) "chặt chém", dọa nạt du khách vào sáng 9/2. Số tiền không lớn nhưng cách hành xử lại rất thô bạo, quá quắt ngay trước mặt trẻ em. Chủ quán dọa hắt cả tô canh vào khách nếu không chịu thanh toán với giá cắt cổ.
Quán ăn không niêm yết giá, đe dọa du khách ở huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Quán Gỗ Coffee ở quận Gò Vấp, TP HCM có cách làm độc, lạ bằng việc tăng giá 100% vào tối mùng 1 Tết. Hóa đơn ghi là thuế GTGT 100%. Chủ quán giải thích là quản lý quán gõ nhầm (giống kiểu "lỗi do người đánh máy"?). Quán có chủ trương tăng giá 100% vào mùng 1, mùng 2 còn 50%, mùng 3 còn 25%. Bị phản ứng, quán thu đúng giá ngày thường.
Khu du lịch điện mặt trời An Hảo (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) mùng 1 Tết tăng giá vé vào cửa gấp đôi. Lãnh đạo khu du lịch giải thích: "Trước Tết giá vé là 50.000 đồng. Thấy khách đông nên tăng lên 70.000 đồng. Không thấy ai phản ứng, mùng 1 Tết tăng lên 100.000 đồng. Ra Tết, nếu có khách chưa đồng tình, công ty sẽ xem lại giá".
Mấy việc điển hình trên đã phơi bày những nỗi lo về các dịch vụ du lịch và liên quan. Có người cho là hết thuốc chữa vì "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Tôi không nghĩ vậy. Phải lên tiếng mạnh mẽ hơn và hiến kế cách làm. Vấn đề là giải quyết từ gốc rễ, không chỉ "cắt cành sâu, tỉa lá vàng, xức dầu cù là" như trước đây.
Cần xử lý tới cùng
Vụ việc ở Khánh Hòa là bệnh nặng, di căn, cần thuốc đặc trị. Về phía quản lý, tăng tiền phạt kịch khung, rút giấy phép 3 - 6 tháng. Nếu tái phạm, cấm vĩnh viễn. Mùa lễ, Tết từng địa phương cập nhật tình hình dịch vụ; khuyến cáo và cảnh báo du khách kịp thời từ trước, không để "nước đến chân, nhảy không kịp". Tăng cường lực lượng CSGT và dân phòng phân luồng từ xa, điều phối các lộ trình tham quan hợp lý.
Đối với du khách, cần phải xem lại mình. Làm gì cũng cần có kế hoạch, chuẩn bị; từ chương trình, các dịch vụ, từng điểm đến. Không thể du lịch tự phát, dây chuyền, "đùng một cái" hứng là đi nên không khảo sát được giá cả, tình hình thực tiễn, các dịch vụ cần thiết.
Kế đến là chọn công ty lữ hành để được tư vấn và mua tour, có người phục vụ, chăm sóc, khỏi lo bị "chặt chém", hết dịch vụ. Du khách có thể yêu cầu đền hợp đồng nếu chất lượng không đúng cam kết. Cũng có thể mua từng phần dịch vụ như vận chuyển, bảo hiểm, hướng dẫn viên, đặc biệt là lưu trú và ăn uống. Nạn "chặt chém" chỉ xảy ra với khách tự túc.
Tết hay lễ, tiền thuê mặt bằng không tăng, thuế cũng không tăng. Cả thế giới, làm gì có thuế GTGT 100%? Làm quản lý mà không biết dùng máy in, máy tính, không biết thuế GTGT thì thật là chuyện quá lạ. Hay đây là chiêu trò PR ngược, thường thấy trong showbiz? Nguyên vật liệu luôn được dự trữ sẵn, đâu có tăng? Tết, lễ khách đông hơn (chủ quán xác nhận là khách rất đông) thì tiền lời nhiều hơn.
Giá vé tham quan thường ổn định vì phải thông qua sự trình duyệt của cơ quan tài chính, thuế và HĐND địa phương… Đâu thể tự tung tự tác, tùy tiện tăng giá. Tăng giá vé phải báo trước mấy tháng. Không cần làm Thượng đế, khách hàng chỉ muốn được tôn trọng. Việc quán cà phê và khu du lịch tăng giá tùy tiện, nếu không mạnh tay chấn chỉnh, sẽ sinh sản vô tính, thành "bệnh nan y".
Ảnh minh họa
Dứt điểm mấy tệ nạn trên đâu có khó, mà quan trọng là có thật sự muốn làm tới cùng hay không.
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Tổng Giám đốc Công ty Golden Smile Travel:
Cần giải pháp căn cơ
Cần những giải pháp căn cơ để dẹp nạn "chặt chém" như: tổ chức khảo sát, kiểm soát, điều tra để nắm tình hình du lịch, hạn chế những nơi chưa hợp thuần phong mỹ tục hoặc thiếu các yêu cầu đón khách... Cơ quan quản lý về du lịch, chính quyền các địa phương, điểm đến cần tái khởi động hoặc xây dựng mới các đường dây nóng để phản ánh về tình hình du lịch. Thiết lập các trạm thông tin du lịch thực tế, có hoạt động xúc tiến - hỗ trợ cụ thể.
Đồng thời, cần tăng cường nhân sự, nhân lực trong quản lý du lịch - mảng đã bị bỏ qua trong thời gian dài, nhất là thanh tra du lịch. Đưa ra các biện pháp xử phạt nghiêm, cụ thể, mang tính răn đe, thậm chí có thể xử lý hình sự để làm gương với những trường hợp cấu thành tội với giá trị cao... Giao trách nhiệm cũng như mức xử phạt đối với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch để xảy ra tình trạng "chặt chém".
Đối với du khách, để tránh bị "chặt chém" cần tìm hiểu thông tin và hỏi giá cụ thể trước khi tiêu dùng dịch vụ để tránh bị "hớ". Không ngại mặc cả và đọc kỹ hóa đơn khi thanh toán. Nắm các số điện thoại đường dây nóng, cơ quan quản lý nhà nước tại điểm đến. Chọn những quán ăn có đông người địa phương. Tránh những người môi giới, cò mồi hay quán có sự săn đón nhiệt tình quá mức...
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông - marketing Công ty TST tourist:
Phải có kế hoạch du lịch
Niềm vui do lượng du khách tăng đột biến ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước ngay dịp cao điểm Tết Nguyên đán là điều rất bất ngờ. Niềm vui ấy chưa thực sự trọn vẹn khi tất cả đều ngoài sự chuẩn bị và dự báo của "người trong cuộc". Trong khi lượng khách đặt tour trọn gói chưa đạt mức kỳ vọng, lượng khách du lịch tự túc bằng mọi phương tiện lại chiếm đa số. Khi khách đi tự túc sẽ khó tránh tình trạng bị "chặt chém". Bởi thực tế, tất cả dịch vụ từ đi lại, ăn uống, khách sạn đã được các doanh nghiệp chuẩn bị, ký hợp đồng với đối tác, du khách không bị phát sinh chi phí ngoài ý muốn, tránh được tình trạng "chặt chém" do "tận dụng cơ hội mùa cao điểm".
Từ những sự cố khách bị "chặt chém", không thuê được phòng, dịch vụ... diễn ra trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, đứng trước những ngày nghỉ của dịp lễ 30/4, 1/5 và cao điểm hè 2022 đang đến, du khách nên thay đổi chiến thuật, "phải du lịch có kế hoạch" từ sớm, ít nhất 2 tháng hoặc đặt dịch vụ trực tuyến trước khi khởi hành ít nhất 1 tháng. Như vậy sẽ hạn chế được phần lớn rủi ro "cháy phòng", "cháy" dịch vụ ăn uống khi du lịch tự túc...
Ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel:
Chỉ đến nơi có giá niêm yết minh bạch
Thị trường du lịch nhộn nhịp nhưng các công ty lữ hành vẫn "đói khách", vì đa số du khách đều đi tự túc theo nhóm nhỏ, gia đình. Họ chỉ cần đặt phòng và vé máy bay thông qua các trang online hiện tại hay nhiều du khách theo thói quen, đi đến nơi thì vào thẳng khách sạn.
Đổi lại, chuyện tiêu cực, "chặt chém" sẽ nổi lên. Đó là chủ đề rất nóng, không mới nhưng vẫn được bàn nhiều sau mỗi đợt cao điểm du lịch. Do đó, để hạn chế tối đa vấn nạn này, theo tôi, du khách hãy thông thái, chỉ sử dụng những dịch vụ có giá niêm yết công khai, minh bạch, được các cơ quan nhà nước công nhận.
Du khách lên kế hoạch cho chuyến đi thật rõ ràng, ngày giờ cụ thể. Cơ quan, ban - ngành nên triển khai công tác thanh tra, kiểm tra lại các dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan sau kỳ nghỉ đông, nhất là công bố các số điện thoại đường dây nóng, giải quyết nhanh các "vấn nạn" du khách gặp phải tại địa phương.
(Nguồn: Báo Sóc Trăng)