Đang tải ...
  
Kinh doanh Doanh nghiệp

Thứ năm, 13/10/2022, 09:30

'Cái giá' của kinh doanh liêm chính

Thực hiện liêm chính trong kinh doanh có thể gây ảnh hưởng nhất định đến lợi nhuận của doanh nghiệp nhưng cái giá của sự liêm chính cũng rất đáng để hy sinh chút lợi ích.

Quan niệm phổ biến của các nhà kinh tế học hiện đại là giá cả mua bán hàng hóa do thị trường tự thiết lập dựa trên các quy luật kinh tế vận động khách quan.

T.S Nguyễn Văn Đáng - Học viện Chính trị quốc gia HCM.

Thị trường và liêm chính

Tuy nhiên, từ thời Trung Cổ, một trong những học giả đầu tiên bàn về thị trường là Thomas Aquinas đã nêu ra quan điểm thể hiện tinh thần đề cao liêm chính kinh doanh trong cuốn “Tổng luận thần học”. Theo Aquinas, giá cả là vấn đề mang đậm tính đạo đức. Bởi thế, người bán hàng không nên bán với giá cao hơn giá trị món hàng. Nguyên tắc này sẽ tạo ra sự công bằng về giá, giúp các nhà kinh doanh đạt được lợi nhuận mà không bị coi là trục lợi đầy tội lỗi.

“Không bán hàng với giá cao hơn giá trị món hàng” là một lựa chọn đầy khó khăn cho các nhà kinh doanh. Bởi lẽ, trong khi động cơ tìm kiếm, tối đa hóa lợi ích luôn thường trực và có tác động mạnh nhất đến hành vi sản xuất, kinh doanh thì việc không trục lợi đòi hỏi tính liêm chính cao độ. Tức là, mỗi doanh nhân và doanh nghiệp phải biết kìm chế lòng tham, sự ích kỷ, trung thực, nhất quán, và chịu trách nhiệm với hành động của mình, kể cả khi không bị ai giám sát.

Yêu cầu về đạo đức kinh doanh là một vấn đề luôn gây tranh cãi trong xã hội. Trường phái thị trường tự do thì phản đối các hình thức can thiệp, trong khi phe ủng hộ sự can thiệp của nhà nước lại đề cao các mục đích đạo đức xã hội, và kinh tế. Tuy nhiên, dù ủng hộ hay phản đối biện pháp can thiệp thì liêm chính vẫn là yêu cầu hàng đầu trong việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại.

Chỉ số kinh doanh liêm chính Việt Nam (VBII) dựa trên 7 yếu tố bao gồm: Văn hóa, quy tắc ứng xử, kiểm soát, giao tiếp, ứng xử, tuân thủ và chứng nhận đạt chuẩn.

Kinh doanh liêm chính

Ngày 21/9, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) phối hợp giới thiệu bộ Chỉ số Kinh doanh liêm chính Việt Nam (VBII). Đây là công cụ đầu tiên đánh giá mức độ thực hiện liêm chính trong kinh doanh của các doanh nghiệp.

Chỉ số được xây dựng theo bảy yếu tố cần thiết để xây dựng và vận hành một doanh nghiệp dựa trên tính liêm chính, bao gồm văn hóa (cam kết từ lãnh đạo, quản lý, nhân viên, đào tạo); quy tắc ứng xử, kiểm soát, giao tiếp, ứng xử (nhân viên và bình đẳng giới/bao trùm, cộng đồng, xã hội, môi trường và phát triển bền vững); tuân thủ và chứng nhận đạt chuẩn.

Chỉ số kinh doanh liêm chính Việt Nam (VBII) lần đầu tiên được giới thiệu bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP).

Cùng với sự minh bạch và trách nhiệm giải trình, sự liêm chính được coi là một trong những yếu tố then chốt tạo nên hệ thống quản trị tốt, hướng đến tạo dựng môi trường kinh doanh công bằng. Một môi trường kinh doanh công bằng sẽ hình thành khi mỗi doanh nghiệp biết kìm chế lòng tham, không tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, bất chấp những giới hạn đạo đức của cộng đồng. Tiếp đến, giá cả của hàng hóa được xác định chủ yếu dựa trên giá trị, chứ không lợi dụng cơ hội nhất thời để tăng giá bán một cách phi lý, gia tăng lợi nhuận trong sự thiệt hại của người khác. Khi hai yêu cầu này được tuân thủ thì mức giá sẽ trở nên công bằng hơn và dễ được chấp nhận hơn bởi khách hàng.

Thực tế, liêm chính kinh doanh có thể gây ảnh hưởng nhất định đến lợi nhuận của doanh nghiệp nhưng cái giá của sự liêm chính cũng rất đáng để hy sinh bớt chút lợi ích ích kỷ. Thứ nhất, sự liêm chính vun đắp lòng tin của khách hàng, doanh nhân đồng nghiệp, chính quyền với bản thân doanh nghiệp. Thứ hai, nhờ lòng tin với doanh nghiệp, uy tín thương hiệu cũng sẽ dần gia tăng vững chắc. Thứ ba, trong nội bộ doanh nghiệp, sự liêm chính cũng sẽ góp phần gia tăng mức độ hài lòng của doanh nhân với doanh nghiệp và kết quả làm việc của các thành viên.

Kiến tạo liêm chính kinh doanh

Xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính là điều kiện không thể thiếu để Việt Nam tiếp tục thu hút được các khoản đầu tư có chất lượng. Hướng đến mục tiêu này, việc ban hành bộ chỉ số kinh doanh liêm chính Việt Nam là một nỗ lực đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực và sự tự giác của doanh nhân, doanh nghiệp thì hệ thống thể chế do nhà nước ban hành luôn giữ vai trò quyết định.

Môi trường kinh doanh liêm chính cần một khung khổ đạo đức áp dụng cho cả nền kinh tế. Trong khung khổ đó, các giá trị căn bản tạo nên sự liêm chính cần phải được cụ thể hóa thành các quy định, bao gồm: lòng tin, sự nhất quán giữa lời nói và hành động, cung cấp sản phẩm chất lượng, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm giải trình, tôn trọng các bên liên quan, và sự sẵn sàng thay đổi để hướng đến đáp ứng sự mong đợi của khách hàng.

Cùng với đó, liêm chính kinh doanh không thể tách rời liêm chính công quyền. Có nghĩa là, bản thân hành động của chính quyền cũng cần phải đề cao và tôn trọng sự liêm chính công vụ. Với vai trò là chủ thể then chốt đảm nhiệm trách nhiệm quản trị cộng đồng, sự liêm chính của chính quyền chính là điều kiện khơi dậy và dẫn dắt cho văn hóa liêm chính kinh doanh. Khi chưa bảo đảm được liêm chính công quyền thì liêm chính kinh doanh rất có thể sẽ mãi là khẩu hiệu.

(Nguồn: diendandoanhnghiep.vn).

link gốc: https://diendandoanhnghiep.vn/cai-gia-cua-kinh-doanh-liem-chinh-232279.html

 

Chia sẻ

Xem nhiều

Bảng xếp hạng '100 nơi làm việc tốt nhất 2024'

Vingroup thành lập công ty nghiên cứu và phát triển người máy

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829