Đang tải ...
  
Kinh doanh Tài chính

Thứ sáu, 15/12/2023, 08:30

Các nước đang phát triển phải trả số nợ cao kỷ lục

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), các nước đang phát triển đã chi ra số tiền kỷ lục 443,5 tỷ USD vào năm 2022 để trả nợ công khi lãi suất toàn cầu tăng cao.

Người dân Sri Lanka phản đối kế hoạch tái cơ cấu nợ của chính phủ ảnh hưởng đến thu nhập của các quỹ hưu trí tại thủ đô Colombo hồi tháng 7/2023. Ảnh: AFP.

Số tiền trả nợ trên đã tăng 5% so với năm trước và tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn đối với những quốc gia nghèo nhất thế giới.

Theo Báo cáo nợ quốc tế mới nhất do WB công bố ngày 13/12, số tiền trả nợ của 24 quốc gia nghèo nhất thế giới có thể tăng tới 39% vào năm 2023 và 2024.

Ông Indermit Gill, chuyên gia kinh tế trưởng và phó chủ tịch cấp cao về kinh tế phát triển tại WB, đánh giá rằng mức nợ kỷ lục và lãi suất cao đã đẩy nhiều quốc gia vào con đường khủng hoảng.

Ông Gill nói thêm: “Mỗi quý khi lãi suất vẫn ở mức cao trôi qua sẽ khiến nhiều nước đang phát triển trở nên khó khăn hơn, cũng như là phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn giữa trả nợ công hoặc đầu tư vào y tế công cộng, giáo dục và cơ sở hạ tầng”.

Nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của tình hình trên, WB cho biết đã xảy ra 18 vụ vỡ nợ ở 10 quốc gia đang phát triển trong ba năm qua - nhiều hơn tổng số vụ vỡ nợ trong hai thập kỷ trước đó cộng lại. Danh sách này bao gồm các nước như Ghana, Sri Lanka và Zambia.

Hiện có 28 quốc gia đủ điều kiện vay vốn từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế của WB. Cơ quan này cho biết trong báo cáo rằng các nước trên đều có nguy cơ gặp khó khăn vì nợ công cao.

Lãi suất tăng cao trên toàn cầu và đồng đô la Mỹ mạnh đã khiến các quốc gia mắc nợ phải trả thêm nhiều chi phí cho các khoản vay của họ. WB cho biết hơn một phần ba số nợ nước ngoài của các quốc gia đang phát triển có liên quan đến tình hình lãi suất thay đổi cũng như dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động đột ngột.

Các ngân hàng đa phương, trong đó có WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã nỗ lực giúp các nước đang phát triển tái cấp vốn cho khoản nợ của họ khi các nguồn tài chính đang bị thu hẹp.

Báo cáo cho biết vào năm 2022, các chủ nợ tư nhân đã nhận được số tiền hoàn trả chênh lệch 185 tỷ USD so với số tiền họ cho vay. Đây là lần đầu tiên sự đảo ngược này xảy ra kể từ năm 2015.

WB cho biết các ngân hàng đa phương đã cung cấp 115 tỷ USD dưới các hình thức tài trợ chi phí thấp mới cho các nước đang phát triển vào năm 2022.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã coi việc giảm nợ cho các quốc gia đang phát triển là nền tảng trong mối quan hệ của bà với các nhà lãnh đạo thế giới.

Bà đã kêu gọi các chủ nợ quốc tế như Trung Quốc cung cấp một số hình thức giảm nợ khẩn cấp cho các nước đang phát triển đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ, với lập luận rằng điều này sẽ có lợi cho nền kinh tế toàn cầu.

Báo cáo ngày 16/11 của Viện Tài chính quốc tế (IIF) ước tính nợ toàn cầu đến cuối năm nay sẽ lên tới 310.000 tỷ USD, tăng 25% trong 5 năm. IIF cho biết nợ chính phủ trong quý III có mức tăng lớn nhất, trong khi nhiều quốc gia ghi nhận mức thâm hụt ngân sách ở mức cao hơn nhiều so với trước đại dịch COVID-19. Khoảng 65% số nợ tăng trong quý vừa qua tập trung ở các nền kinh tế phát triển, dẫn đầu là Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Anh. Các thị trường mới nổi Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Mexico cũng ghi nhận mức tăng mạnh.

Báo cáo cũng lưu ý rằng nợ xấu chính phủ đã đạt mức cao kỷ lục trên 554 tỷ USD cho đến cuối năm 2022, trong đó khoảng một nửa là nợ trái phiếu. Dù tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu ít thay đổi ở mức 333%, tỷ lệ này lên tới 255% tại các thị trường mới nổi, tức cao hơn 32 điểm phần trăm so với cùng kỳ 5 năm trước, chủ yếu do nợ công của Nga, Trung Quốc, Saudi Arabia và Malaysia tăng. Tỷ lệ nợ công tính trên GDP ở Chile, Colombia và Ghana có mức giảm lớn nhất.

(Nguồn: Bình Phước Online).

Link gốc: https://baobinhphuoc.com.vn/news/24/151795/cac-nuoc-dang-phat-trien-phai-tra-so-no-cao-ky-luc

Chia sẻ

Xem nhiều

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829