Đang tải ...
  
Biết để khỏe

Thứ sáu, 14/01/2022, 20:00

Xơ phổi hậu Covid-19 không nên coi thường

Khỏi Covid-19 không đồng nghĩa với việc sức khỏe hoàn toàn trở lại bình thường. Nhiều người có nguy cơ gặp phải các hội chứng hậu Covid-19, trong đó có xơ phổi, một tình trạng không thể coi thường.

Triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân hậu Covid-19 theo hệ cơ quan.

Hội chứng hậu Covid-19 hay hội chứng "long Covid", được hiểu là các di chứng, bệnh lý xuất hiện ở F0 sau khi khỏi bệnh. Hội chứng này gồm những di chứng thể chất như xơ phổi, đột quỵ, tổn thương thận cấp, huyết khối tĩnh mạch, khó thở kéo dài và mệt mỏi. Ngoài ra, nó cũng để lại những di chứng tâm lý như suy giảm nhận thức, mất ngủ, suy giảm trí nhớ, thậm chí là trầm cảm. 

Trong các di chứng hậu Covid-19, chứng xơ phổi để lại ảnh hưởng nặng nề nhất. Xơ phổi gây nên các cơn khó thở, ho khan, ho kéo dài và đau tức ngực.

Xơ phổi hậu Covid-19 là gì, có phổ biến không?

Xơ phổi hậu Covid-19 có thể hiểu đơn giản là tình trạng nhu mô phổi bị phá hủy trong giai đoạn cấp tính sẽ không thể phục hồi trạng thái nhu mô phổi bình thường, mà thay bằng những mô xơ (đặc biệt ở bệnh nhân bị viêm phổi nặng và ARDS). Những tổ chức xơ này không thực hiện được chức năng trao đổi CO2 và O2 ở phổi, dẫn đến khó thở, nhất là khó thở khi vận động thể lực.

Tỉ lệ bệnh nhân có hình ảnh xơ hóa (giai đoạn sớm) trên CT scan khoảng 70-80% bệnh nhân viêm phổi trung bình và 100% bệnh nhân ARDS ở tại thời điểm xuất viện (khoảng 4 tuần sau khởi phát). Dù vậy, tình trạng trên sẽ giảm theo thời gian. Sau 3 tháng, hình ảnh tổn thương xơ trên CT scan còn khoảng 50% bệnh nhân viêm phổi trung bình và 70% bệnh nhân nặng. Sau 6 tháng, tỉ lệ này là khoảng 30%.

Chưa có báo cáo theo dõi bệnh nhân lâu hơn 6 tháng được ghi nhận. Dựa trên kinh nghiệm của xơ phổi sau SARS và MERS, hầu hết bệnh nhân sẽ hồi phục sau 2-3 năm. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 20% bệnh nhân xơ phổi tiến triển nặng hơn sau 5-10 năm, tỷ lệ này là 2-6% ở bệnh nhân viêm phổi mức độ trung bình (giai đoạn cấp).

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Hồ Thanh Lịch (Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn), khoảng 30-40% bệnh nhân đến khám hậu Covid-19 tại bệnh viện này bị tổn thương xơ phổi. Phần lớn họ thuộc nhóm bệnh nhân nặng bị tổn thương phổi, phải thở oxy dòng cao, thở máy trong giai đoạn cấp tính điều trị Covid-19, số ít bệnh nhân nhẹ gặp di chứng Covid-19 kéo dài.

"Tình trạng xơ phổi của các bệnh nhân hậu Covid-19 ở nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau. Một số người xuất hiện kén khí, trong phổi có túi khí với nhiều kích thước, vỡ ra gây tràn khí màng phổi. Tình trạng xơ hóa làm giảm trao đổi khí cũng dẫn đến bệnh phổi hạn chế ở một số bệnh nhân hậu Covid-19", bác sĩ Lịch nói.

Bệnh có nguy hiểm không?

Di chứng Covid-19 tác động đến phổi ở nhiều mức độ, như tổn thương xơ phổi mức độ nhẹ. Nặng hơn là phổi xơ nhiều (viêm phổi tổ chức hóa), khi ấy hình chụp X-quang phần trắng nhiều hơn đen, bệnh nhân khó thở liên tục, chỉ số oxy trong máu (SpO2) thấp, phải thở oxy tại nhà. Một số bệnh nhân bị nhiễm vô mô phổi lủng lỗ như lao (do lúc cấp tính mắc Covid-19 nặng quá), xơ xẹp phổi.

Theo kinh nghiệm từ đợt dịch SARS và MERS trước đây (cũng do virus Corona gây ra), đa số bệnh nhân sẽ hồi phục dần sau 2-3 năm. Tuy nhiên, vẫn có một số bệnh nhân diễn tiến xơ phổi vẫn tiếp tục sau đó, hầu hết là tổn thương xơ hóa nặng. Khi đó, bệnh lý xơ phổi hậu mắc virus Corona thực sự là gánh nặng cho bệnh nhân cũng như cho hệ thống y tế: giảm chất lượng cuộc sống do tình trạng tàn phế, tăng nguy cơ nhập viện, giảm tuổi thọ và tăng chi phí điều trị đáng kể.

Những di chứng sau viêm phổi do nhiễm SARS-CoV-2 được ghi nhận trên phim CT scan ngực sau 6 tháng theo dõi. A-dãn phế quản co kéo (mũi tên). B- xẹp phổi dạng đường (mũi tên). C- xơ phổi dạng tổ ong. D và E- dày màng phổi tạng (mũi tên)

Nên làm gì?

Theo TS. Nguyễn Như Vinh - Trưởng khoa thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, bệnh nhân Covid-19 phải nằm viện nên đi khám lại để theo dõi tình trạng phổi và các di chứng khác. Đối với bệnh nhân không nằm viện mà điều trị ở nhà hay khu cách ly nếu vẫn còn tình trạng khó thở khi gắng sức thì nên đi khám để kiểm tra phổi.

Bác sĩ Thanh Lịch cho biết, để điều trị di chứng hậu Covid-19, tùy theo mức độ và triệu chứng, các bác sĩ sẽ kiểm tra hô hấp, tâm thần kinh, da niệu... Trong khám hô hấp, bệnh nhân được chụp X-quang phổi, điện tim, đo chức năng hô hấp để biết mức độ trao đổi khí, từ đó bác sĩ đánh giá mức độ nặng nhẹ để điều trị thuốc, tập thở và vật liệu trị liệu.

Bệnh nhân hậu Covid-19 nhẹ có các triệu chứng như hồi hộp nhẹ, rối loạn giấc ngủ, rụng tóc thì thời gian hồi phục 1-2 tháng, còn bệnh nhân bị xơ hóa phổi, có triệu chứng khó thở thì thời gian phải mất 3-6 tháng.

Bệnh nhân xơ hóa phổi rất nặng thì thời gian hồi phục sẽ lâu hơn, có thể phải tính bằng năm và cần kiên trì điều trị.

Theo bác sĩ Lịch, để giảm di chứng hậu Covid-19, bệnh nhân có triệu chứng khó thở, viêm phổi trong thời gian mắc Covid-19 nên tập thở sớm. Khi tập có các kỹ thuật viên vật lý trị liệu hỗ trợ, hướng dẫn thì càng tốt, giúp tăng trao đổi khí, hỗ trợ hô hấp và ngăn xơ hóa phổi.

Bệnh nhân cũng cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, giữ tinh thần thoải mái để nâng sức đề kháng, tránh diễn tiến nặng. "Nhóm nguy cơ cao như người trên 65 tuổi, người có bệnh nền nên dùng thuốc kháng virus sớm, thuốc giảm tỷ lệ chuyển nặng, giảm tỷ lệ viêm phổi và xơ hóa phổi do nCoV", bác sĩ khuyến cáo.

(Nguồn: doanhnhansaigon.vn)

Chia sẻ

Xem nhiều

10 mẹo đi bộ hiệu quả phù hợp với mọi lứa tuổi

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829