Đang tải ...
  
Khoa học cuộc sống Quốc tế

Thứ hai, 07/07/2025, 15:30

Vì sao thời gian dường như 'bay vèo' qua mắt khi chúng ta già đi?

Theo các nhà nghiên cứu, cuộc sống với những tháng ngày “copy-paste” khiến não bộ trở thành một đoạn phim tổng hợp tua nhanh mà không còn những cột mốc đáng nhớ.

Nhiều người cao tuổi vẫn thường lắc đầu thở dài khi nhận ra những dịp lễ lớn dường như đến sớm hơn qua từng năm. Trong khi đó, với người trẻ, một ngày học ở trường lại dài lê thê tựa như một vụ kẹt xe giữa trưa hè, và kỳ nghỉ hè tưởng như cách xa vô tận.

Sự khác biệt này không chỉ là cảm giác thoáng qua mà phản ánh sự thay đổi trong cách nhận thức về thời gian của bộ não con người theo tuổi tác.

Bộ não con người và nhận thức về thời gian

Theo các nhà tâm lý học, những trải nghiệm “lần đầu tiên” thời trẻ như buổi đi bơi đầu tiên, lần đầu ngủ qua đêm ở nhà bạn, hay trò chơi mới trong sân trường kích hoạt những “cột mốc” đáng nhớ lấp đầy não bộ, khiến thời gian trở nên dày đặc và kéo dài.

Ngược lại, người lớn có xu hướng sống trong guồng quay quen thuộc của những thói quen và nhiệm vụ lặp đi lặp lại. Khi có ít thông tin mới để lưu trữ, não bộ ghi nhận ít dấu mốc hơn. Những tháng ngày đó giống như chuỗi sự kiện tua nhanh trong một đoạn phim tổng hợp.

Theo tiến sĩ tâm lý học Marc Wittmann thuộc Viện Các Lĩnh vực Biên giới của Tâm lý học và Sức khỏe Tâm thần (IGPP), cảm giác thời gian tăng tốc có liên quan chặt chẽ đến lượng thông tin mới mà bộ não chúng ta ghi lại mỗi ngày. Sự nhận thức về thời gian và trí nhớ cùng nằm trên một chiếc “ghế thần kinh”, khi một thứ chậm lại kéo theo thứ kia cũng sẽ co lại. Chính “sự mới mẻ” được xem là chìa khóa của hiện tượng này.

Về mặt sinh học, tốc độ xử lý của não bộ cũng chậm lại khi chúng ta lớn lên. Mỗi cảm giác sẽ được truyền từ mắt hoặc tai đến vỏ não. Ở những người trẻ, “xa lộ thần kinh” ngắn và được “trải nhựa” khiến chúng nhanh hơn. Khi lớn lên, các đường dẫn này kéo dài hơn, những phản ứng thần kinh dần giảm tốc độ.

Thêm vào đó, quá trình “lấy mẫu” thông tin từ thế giới, vốn diễn ra liên tục thông qua chuyển động mắt (saccade), cũng trở nên thưa dần.

Ở những người trẻ tuổi, đôi mắt khỏe hơn có thể ghi nhận nhiều “khung hình” hơn mỗi giây, tạo nên dòng thời gian chi tiết hơn. Ngược lại, não bộ mệt mỏi hoặc lão hóa ở người lớn tuổi ghi nhận ít khung hình tĩnh hơn hơn. Điều này khiến cho dải phim ở người lớn tuổi ít khung hình hơn, khiến một buổi họp hay một buổi chiều dường như trôi qua nhanh hơn.

Theo các chuyên gia, nhận thức được ví như một cuốn sách lật. Mỗi lần nhìn cố định là lật một trang, nếu lật đủ nhanh bạn sẽ thấy hành động diễn ra mượt mà. Thế nhưng khi các lần nhìn chậm lại, cuốn sách mất dần các trang. Dù vẫn có chuyển động nhưng cốt truyện sẽ rời rạc và bị rút ngắn.

Một nghiên cứu thực tế ảo năm 2024 cho thấy, người lớn tuổi thường đánh giá thấp thời lượng các nhiệm vụ đơn giản khoảng 15%, cho thấy vai trò của sự mới lạ trong việc “làm chậm” đồng hồ sinh học bên trong chúng ta.

Những yếu tố “co ngắn” thời gian

Theo các chuyên gia, chất lượng giấc ngủ cho thấy những ảnh hưởng đáng kể đến khả năng nhận thức thời gian của não bộ. Khi được nghỉ ngơi đầy đủ, các tế bào thần kinh hoạt động nhanh hơn, nhận biết nhiều hơn và hình thành những ký ức rõ ràng hơn.

Ngược lại, một vận động viên ra sân sau một đêm mất ngủ khiến nhận thức về trận đấu trở nên mờ ảo, diễn biến trận bóng chỉ lưu lại một hoặc hai điểm nổi bật trong tâm trí. Việc thức trắng ôn thi thời gian dài cũng khiến học sinh trải qua hiệu ứng tương tự. Đầu óc xao lãng, cuộc sống chỉ như những “khoảnh khắc” rời rạc qua ngày.

Tình trạng thiếu ngủ mạn tính không chỉ làm tăng cảm giác thời gian rút ngắn mà còn làm giảm mức dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng liên quan đến động lực và ước lượng thời gian.

Mạng xã hội cũng góp phần làm mất đi sự nhận thức về thời gian. Dù với vô vàn nội dung, nhưng trên thực tế các thuật toán thường lặp đi lặp lại với các video và bài đăng. Hàng giờ trôi đi nhưng não bộ không có trải nghiệm mới, trí nhớ hoàn toàn trống rỗng. Đồng thời, ánh sáng xanh từ màn hình khiến bạn thức khuya, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu ngủ và rút ngắn ký ức chủ quan về thời gian.

Việc cắt giảm lướt thụ động và thay thế bằng các hoạt động đòi hỏi sự học hỏi, như thử công thức nấu ăn mới hay học một hợp âm guitar sẽ giúp não bộ có thêm những cột mốc đáng nhớ.

Ngoài ra, tuổi trưởng thành đi kèm gánh nặng trách nhiệm và những lịch trình dày đặc. Sự chú tâm bị thu hẹp vào công việc, hóa đơn, email… thay vì khám phá thông tin mới từ môi trường xung quanh. Một khảo sát năm 2023 cho thấy người lớn tuổi cảm nhận một năm “trôi qua nhanh” gần gấp đôi so với người trẻ tuổi, phần lớn vì cuộc sống dễ đoán, ít biến động.

Thế nhưng không phải ai cũng vậy. Các nhà nghiên cứu về nhóm người được gọi là “siêu lão hóa” cho thấy những người duy trì thói quen học hỏi và giao tiếp xã hội vẫn giữ được khả năng cảm nhận thời gian sắc bén và trí nhớ bền vững.

Làm sao để làm chậm nhận thức về thời gian?

Tin tốt là bạn hoàn toàn có thể chủ động để “kéo dài” quỹ thời gian của bản thân. Theo khuyến nghị của các chuyên gia, bạn nên:

- Duy trì một giấc ngủ chất lượng từ 7 – 9 tiếng mỗi đêm.

- Lên kế hoạch tìm trải nghiệm mới mỗi tuần, như tham quan một địa điểm mới, đổi lộ trình tuyến đi bộ, hay vào một ứng dụng học ngôn ngữ mới. Hãy chú ý đến những cảnh vật, âm thanh mới lạ, điều này sẽ giúp bổ sung những khoảnh khắc mới trong cuốn album tinh thần.

- Duy trì sự tò mò mỗi ngày. Thay vì ngồi lướt mạng, hãy đi bộ ngắn, để ý những thứ bạn chưa từng chú ý trước đây như một bức tranh mới, tiếng chim hót, mùi bánh từ cửa hàng…

Những khám phá nhỏ này sẽ bổ sung “trang mới” vào cuốn nhật ký ký ức, giúp bạn trải qua mỗi tuần, mỗi tháng trọn vẹn hơn, để tháng 12 không chỉ là một cái chớp mắt, mà là kết quả của một năm đầy đủ, sống động.

(Nguồn: Phụ nữ Mới)

Link gốc: https://phunumoi.net.vn/vi-sao-thoi-gian-duong-nhu-bay-veo-qua-mat-khi-chung-ta-gia-di-d328239.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Phát hiện chấn động hé lộ danh tính những người xây Đại Kim tự tháp Ai Cập

Bí ẩn ‘kim tự tháp’ 400 mét giữa Amazon: Kỳ quan nhân tạo hay tự nhiên?

NASA phát hiện hành tinh mới với nhiệt độ khả thi cho sự sống

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829