Đang tải ...
  
Cập nhật 24/7 Giao thông

Thứ sáu, 21/01/2022, 10:00

Tổng thầu công bố điểm rủi ro của Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Ngoài băn khoăn của cánh tài xế liên quan đến việc không có làn dừng xe khẩn cấp, chủ thầu cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận còn công bố về những điểm rủi ro của dự án này khi đưa vào vận hành.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cho phép phương tiện chạy tốc độ tối đa 80 km, tối thiểu 60 km - Ảnh BẮC BÌNH

Nền đường của dự án đang chờ lún

Tại lễ thông xe kỹ thuật Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận phục vụ lưu thông Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (ngày 19.1), ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, khẳng định nền đường của dự án này đang chờ lún trong lúc chờ đưa vào khai thác.

Bởi, theo ông Hoàng, 41/51,5 km của tuyến dự án này nằm trên địa tầng đất yếu của vùng ĐBSCL; đồng thời 41 km cao tốc này sẽ dễ bị lún do tác động của tình trạng hạ thấp mạch nước ngầm và không đều đang hiện hữu ở vùng ĐBSCL.

“Đây là điểm rủi ro mà chúng tôi phải công bố để nhân dân cả nước biết. Giải pháp của chúng tôi là xây dựng hệ thống mốc quan trắc lún trên đường và các giải pháp xử lý khi có xảy ra hiện tượng lún nền đường. Ngoài ra, tình trạng hiện này có rất nhiều các phương tiện quá khổ, quá tải di chuyển, trong khi hệ thống kiểm soát tải trọng thì chưa có nên rất dễ xảy ra các hiện tượng vệt hằn bánh xe trên đường, lún…ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ công trình", ông Hoàng nói.

Sự kiện thông xe kỹ thuật dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được 20 triệu người dân ĐBSCL trông chờ - Ảnh BẮC BÌNH

Để khắc phục vấn đề trên, ông Hoàng cho biết chủ tổng thầu đề nghị Bộ Công an, Bộ GTVT và tỉnh Tiền Giang hỗ trợ lắp đặt hệ thống cân tải trọng, kiểm soát hành trình trên toàn tuyến, tổ chức xử phạt nghiêm các sai phạm.

Ngoài ra, theo ông Hoàng, hiện nay các tiêu chuẩn được ngành hữu quan áp dụng xem xét để nghiệm thu hay xét về những sai phạm của công trình thì không phù hợp với thực tế thi công tại Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Vấn đề này, ông Hoàng kiến nghị T.Ư có sự rà soát để tránh các hiện tượng không đồng nhất giữa các bên có liên quan khi cùng xem xét từng vấn đề trong các phần việc còn lại của dự án theo quy định pháp luật.

“Đây là dự án theo hợp đồng PPP (hợp tác công – tư). Do đó, khi đưa vào khai thác thì chúng tôi mong muốn người dân có nhu cầu lưu thông, trả tiền phải được hài lòng vì cảm thấy xứng đáng ‘đồng tiền bát gạo’ mà mình đã bỏ ra”, ông Hoàng nói.

Vì sao cao tốc không có làn dừng khẩn cấp?

Lưu thông cùng với PV Báo Thanh Niên ngay sau khi UBND tỉnh Tiền Giang và Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận tuyên bố chính thức thông xe kỹ thuật, tài xế Nguyễn Hữu Vinh (ngụ Tiền Giang), cho biết anh cảm thấy lo lắng vì toàn tuyến cao tốc dài hơn 51 km này không có làn dừng khẩn cấp.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chưa bố trí làn đường dừng xe khẩn cấp khiến cho cánh tài xế không khỏi lo lắng - Ảnh BẮC BÌNH

"Làn dừng khẩn cấp là tiêu chí rất được các tài xế như chúng tôi quan tâm khi lưu thông trên các tuyến cao tốc. Bởi, làn dừng khẩn cấp vừa là nơi dành cho các xe gặp sự cố tấp vào an toàn và không cản trở lưu thông của các xe phía sau mà còn là nơi ‘thoát đi’ nếu không may xảy ra tại nạn giao thông phía làn đường chính để lưu thông. Làn khẩn cấp còn để các xe chuyên dụng hoạt động dễ dàng mà không gây áp lực đối với các tài xế điều khiển phương tiện dân sự thông thường phía trước”, tài xế Vinh băn khoăn.

Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang, cho biết Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 không có làn dừng khẩn cấp trên toàn tuyến, mà từ Trung Lương đi Mỹ Thuận được bố trí 6 điểm dừng khẩn cấp, chiều ngược lại thì 5 điểm dừng khẩn cấp. Các điểm dừng khẩn cấp được sử dụng cho các phương tiện gặp sự cố khi di chuyển trên đường cao tốc. Trong giai đoạn 1 của dự án, do nhiều nguyên nhân mặt đường chỉ được thiết kế rộng 17 m dành cho 4 làn xe (2 chiều) nên không thể xây làn dừng khẩn cấp dọc tuyến. Thiết kế mặt đường chỉ rộng 17 m đã có từ khi Bộ GTVT làm cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và khi chuyển về UBND tỉnh Tiền Giang vẫn giữ nguyên phần thiết kế này.

Một số công trình phụ trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang được đơn vị thi công khẩn trương hoàn thành - Ảnh BẮC BÌNH

Hiện, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đang phối hợp Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang và các cơ quan liên quan kiểm soát các vấn đề an ninh trật tự trong quá trình tổ chức phục vụ xe (ô tô) trong dịp Tết Nhâm Dần (từ ngày 25.1 đến ngày 10.2) đảm bảo an toàn, thuận tiện cho người dân.

Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có vai trò đặc biệt quan trọng trong giao thương kết nối khu vực ĐBSCL với TP.HCM và các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Mặc dù vậy, suốt gần 10 năm đầu triển khai dự án với 2 lần thay đổi chủ tổng đầu tư, 3 lần thay đổi tổng mức đầu tư (lần cuối cùng là 12.668 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước góp 2.186 tỉ đồng), 4 lần lùi thời hạn hoàn thành và dự án chỉ đạt được 10% khối lượng.

Tháng 3.2019, liên danh các nhà đầu tư đã mời Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, do ông Hồ Minh Hoàng làm Chủ tịch HĐQT, tham gia quản trị, điều hành thông qua doanh nghiệp dự án là Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận. Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền được Thường trực Chính phủ chỉ đạo chuyển từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Tiền Giang. Ngày 31.12.2020, dự án được thông tuyến.

Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nằm toàn bộ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có tổng chiều dài hơn 51 km. Điểm đầu là nút giao cao tốc tại xã Thân Cửu Nghĩa, H.Châu Thành và điểm cuối là nút giao QL30, H.Cái Bè (nối tỉnh Đồng Tháp).

(Nguồn: thanhnien.vn)

Chia sẻ

Xem nhiều

Thiếu tàu bay, giá vé máy bay khó 'hạ nhiệt'

Người Mỹ sốc nặng khi sáng thức giấc nghe tin sập cây cầu huyết mạch

Sà lan chở đá va chạm làm lệch nhịp cầu Nhiếm bắc qua sông Cần Thơ

Sẽ triển khai thu phí không dừng đồng loạt tại 5 sân bay từ ngày 5/5

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829