Đang tải ...
  
chưa có chuyên mục 1

Thứ tư, 01/06/2022, 18:00

Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên đầy rắc rối của NATO

Khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mới đây đe dọa sẽ ngăn Thụy Ðiển và Phần Lan gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO), giới chức phương Tây tỏ ra rất tức giận nhưng không bị sốc, bởi nhà lãnh đạo cứng rắn này đã nhiều lần gây rắc rối cho liên minh quân sự vốn hoạt động dựa trên sự đồng thuận.

Nhiều lần "gây rối"

Năm 2009, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ từng phản đối việc bổ nhiệm cựu Thủ tướng Ðan Mạch Anders Fogh Rasmussen làm Tổng Thư ký của NATO do cho rằng Copenhagen đã quá nhân nhượng đối với việc báo chí Ðan Mạch đăng tải loạt tranh biếm họa về nhà tiên tri Muhammad và tỏ ra đồng tình với “những kẻ khủng bố người Kurd” sinh sống tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo tờ Thời báo New York (Mỹ), các nhà lãnh đạo phương Tây đã phải mất hàng giờ để khuyên can ông Erdogan. Và để làm ông hài lòng, Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama thậm chí còn hứa rằng NATO sẽ bổ nhiệm một người Thổ Nhĩ Kỳ vào vị trí lãnh đạo của liên minh quân sự này.

Sau khi quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Israel rạn nứt vào năm 2010, ông Erdogan đã ngăn NATO hợp tác với Nhà nước Do Thái trong vòng 6 năm. Vài năm sau đó, ông còn trì hoãn kế hoạch của NATO tập hợp các nước Ðông Âu chống lại Nga với yêu cầu khối quân sự này coi các tay súng người Kurd hoạt động tại Syria là những kẻ khủng bố.

Ðặc biệt, ông Erdogan hồi năm 2020 đã cử một tàu thăm dò khí đốt với sự hậu thuẫn của máy bay chiến đấu đến gần vùng biển Hy Lạp, khiến Pháp phải cử tàu tới hỗ trợ Athens vốn cũng là một thành viên của NATO.

Giờ đây, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã trở lại vai trò “kỳ đà cản mũi” khi ngăn Thụy Ðiển và Phần Lan gia nhập NATO, do cho rằng cả Stockholm và Helsinki chứa chấp và hỗ trợ “khủng bố”. “Những quốc gia này gần đây đã trở thành ngôi nhà của các tổ chức khủng bố. Nên không có chuyện chúng tôi ủng hộ họ gia nhập” - Tổng thống Erdogan tuyên bố.

Ðộng thái trên của ông Erdogan được cho tạo lợi thế đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người có quan hệ hữu hảo với ông trong những năm gần đây. Ðối với Nga, việc Thụy Ðiển và Phần Lan không thể gia nhập NATO sẽ là một thắng lợi lớn.

Song, hầu hết các nhà phân tích cho rằng ông Erdogan cuối cùng cũng sẽ không ngăn việc Thụy Ðiển và Phần Lan gia nhập NATO, nhưng động thái này sẽ tạo ra lợi ích chính trị trong nước cho ông trước thềm cuộc bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ vào năm tới.

NATO “đau đầu”

Gia nhập NATO vào năm 1952 sau khi bắt tay với phương Tây chống lại Liên Xô, Thổ Nhĩ Kỳ mang lại cho liên minh quân sự này vị trí chiến lược quan trọng ở giao điểm của châu Âu và châu Á, bao trùm cả Trung Ðông và Biển Ðen. Tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn còn căn cứ không quân lớn của Mỹ, trong đó có chứa cả vũ khí hạt nhân.

 Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (trái) trong cuộc gặp với người đồng cấp Nga Putin hồi tháng 9 năm ngoái.

Nhưng dưới thời ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở thành vấn đề khiến NATO “đau đầu”. Với tư cách là thủ tướng và sau đó là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan đang dần tách Ankara ra khỏi châu Âu và áp đặt chế độ chính trị Hồi giáo và dân túy, đặc biệt là kể từ nỗ lực đảo chính thất bại vào năm 2016.

Ðáng chú ý, ông đã mua hệ thống tên lửa tiên tiến từ Nga mà giới chức NATO xem là mối đe dọa đối với các hệ thống phòng thủ tích hợp của khối liên minh. Năm 2019, ông còn phát động cuộc tấn công quân sự nhằm vào lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn ở ở miền Bắc Syria, nơi lực lượng này đang ra sức hỗ trợ cuộc chiến chống lại tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria.

Trong bài tham luận được đăng tải trên tờ Nhật báo Phố Wall, cựu Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ Joe Lieberman lập luận rằng ông Erdogan sẽ phá vỡ các tiêu chuẩn của NATO về quản trị dân chủ ở các quốc gia thành viên mới. Bài tham luận cảnh báo, các chính sách của Ankara, gồm quan hệ thân thiết với Tổng thống Putin, đã làm suy yếu lợi ích của NATO, do đó liên minh này nên tìm cách loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ. “Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO nhưng dưới thời ông Erdogan, nước này không còn tuân theo các giá trị làm nền tảng cho liên minh” - ông Lieberman và ông Mark Wallace, Giám đốc điều hành Dự án Dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ, đồng tác giả bài luận, nhận định.

Nhiều thành viên Quốc hội Mỹ thì cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời ông Erdogan “không nên và không thể được coi là đồng minh”.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên có lực lượng  quân đội lớn thứ hai trong NATO, có nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến, có vị trí địa lý trọng yếu và đóng vai trò sống còn của khối nên không thể mạo hiểm xem nhẹ hoặc loại nước này ra khỏi liên minh.

Câu hỏi quan trọng hiện nay là điều gì sẽ làm ông Erdogan đổi ý và ủng hộ Thụy Ðiển, Phần Lan gia nhập NATO. Một số nhà phân tích nhận định Tổng thống Erdogan muốn mặc cả với Washington khi Ankara đang vận động mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ nhưng bị giới nghị sĩ nước này kịch liệt phản đối.

Trước đây,  ông Erdogan đã giận dữ vì bị Mỹ cấm bán chiến đấu cơ tàng hình F-35 sau khi mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga vào năm 2017.

Nguồn: baocantho.com.vn).

link gốc: https://baocantho.com.vn/tho-nhi-ky-thanh-vien-day-rac-roi-cua-nato-a147481.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829