Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ năm, 07/04/2022, 13:30

Sức hút và mối lo từ nghề 'làm đất'

Sức hấp dẫn quá lớn từ việc kinh doanh, môi giới bất động sản đang tác động mạnh mẽ đến lực lượng lao động của nhiều ngành nghề kinh tế khác tại các địa phương.

Hộ gia đình chị C.P.H mở tiệm kinh doanh tại phường Nghĩa Tân (TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông) gần 3 năm nay. Công việc ngày càng nhiều nên chị H treo bảng và đăng tuyển tìm thêm 2 nhân công phụ giúp việc kinh doanh. Nhưng sau gần cả tháng, chị H vẫn chưa tuyển được người nào.

Theo chị H, cách đây 1 năm, mức lương chị trả cho nhân viên khoảng 5 triệu đồng/tháng. Đối với những nhân viên có thâm niên thì mức lương khoảng 6 triệu đồng/tháng. Ngoài lương, chị H còn hỗ trợ thêm xăng xe, thưởng lễ, tết, theo doanh số…

“Công việc dịch vụ của mình chủ yếu làm theo giờ hành chính. Tính chất công việc và thu nhập cũng phù hợp với nhiều đối tượng. Nhưng số người xin việc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một số người thì hẹn thử việc nhưng sau đó không thấy hồi âm”, chị H tâm sự.

Cùng cảnh ngộ trên, chị N.T.A, chủ 1 siêu thị mini ở phường Nghĩa Thành (TP.Gia Nghĩa) cũng chưa tuyển được người phụ việc kinh doanh.

Chị A chia sẻ: Lương mình trả 5 - 6 triệu đồng/tháng nhưng một số người vẫn không chịu làm. Xăng dầu, vật giá đều tăng phi mã. Giờ phải tăng lương mới có người làm nữa nên kinh doanh của chúng tôi càng thêm phần khó khăn.

Một lô đất dọc Quốc lộ 28 được người môi giới đưa khách đến xem.

Qua tìm hiểu, một trong những nguyên nhân chính của việc khó tuyển lao động do sức hấp dẫn quá lớn từ những cơn “sốt đất”. Vài năm trở lại đây, giá đất tại Đắk Nông nói chung, TP. Gia Nghĩa liên tục tăng. Môi giới, kinh doanh bất động sản đột nhiên trở thành “nghề hot”. Không ít người nhanh chóng kiếm được tiền tỷ vì tham gia “làm đất”.

Theo đồn thổi của những người “làm đất”, việc mua đi - bán lại đôi lúc rất dễ kiếm tiền. Quan trọng nhất là việc “săn” được những mảnh đất giá rẻ, “view đẹp”.

Tiếp đó, cần kết nối với những khách từ nơi khác, nhất là những thành phố lớn. Những đối tác này dẫn khách đến xem và sẵn sàng “chốt” nếu thấy ưng ý. Vấn đề là những lô đất này phải có pháp lý rõ ràng, có đường hiển thị trên sổ và ô tô thuận tiện đi vào.

Giới kinh doanh đất thường hay bàn nhau về việc “bán lướt”. Có nghĩa một số lô đất chỉ cần đặt cọc một ít tiền cho chủ đất, sau đó tìm người bán ngay. “Nhiều lô đất “lướt” qua đã được mấy chục, có khi cả trăm triệu. Tháng nào hên tôi chốt được mấy lô”, một người buôn bán đất quảng cáo.

“Làm đất” là nghề đang thu hút rất đông số người tham gia. Ảnh: Bộ phận một cửa UBND TP. Gia Nghĩa có đông người đến thực hiện các thủ tục đất đai.

Những người có tiền kinh doanh, còn những người ít vốn, thậm chí không có vốn thì tham gia môi giới (nhiều người gọi là “cò” đất). Dân “làm đất” quy ước ngầm rằng, sau mỗi phi vụ giao dịch thành công, phía môi giới nhận được 2% giá trị chuyển nhượng từ người bán đất.

Nếu giao dịch trị giá 1 tỷ đồng, môi giới được hưởng 20 triệu đồng. Cứ theo tỷ lệ đó nhân lên, nhiều phi vụ môi giới kiếm được vài chục, thậm chí cả trăm triệu đồng.

Môi giới đất hiện đang trở thành một nghề thu hút rất lớn người ở Đắk Nông tham gia. Nhiều người đồn nhau rằng môi giới là nghề “việc nhẹ lương cao”.

Một số đặc trưng của nghề này là: không cần bỏ ra vốn, không ràng buộc về thời gian làm, thu nhập thì “tùy duyên”…Chỉ cần chịu khó chạy xe vòng vòng, nghe ngóng thông tin quy hoạch, giá…có thể “chốt” được tháng vài lô đất. Tiền môi giới thu được bằng làm mấy tháng, thậm chí làm cả năm.

Theo các chuyên gia kinh tế, số lượng người tham gia “làm đất” ngày càng đông là bởi sức hấp dẫn quá lớn từ những lời đồn thổi. Tuy nhiên, một lực lượng lớn chỉ chuyên kinh doanh, môi giới đất sẽ khiến cho việc thiếu hụt lao động từ các ngành khác ngày càng tăng. Cùng với đó, việc đầu tư quá nhiều tài sản vào kinh doanh nhà đất đang là diễn biến bất lợi cho nền kinh tế.

(Nguồn: baodaknong.org.vn)

Link gốc: https://baodaknong.org.vn/kinh-te/suc-hut-va-moi-lo-tu-nghe-lam-dat-92335.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Về miền đồng lác Vũng Liêm

Thương lái lúa gạo sẽ phải có 'giấy phép hành nghề'?

Giải pháp cho vấn đề nguồn nước vùng ĐBSCL

An Giang mùa trâm chín

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829