Đang tải ...
  
Khoa học cuộc sống Trong nước

Thứ năm, 30/03/2023, 14:00

Quảng Nam: Ứng dụng khoa học công nghệ để bảo tồn voi

Việc ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong công tác bảo tồn voi rừng và đa dạng sinh học tại lâm phận được Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam chú trọng.

Dữ liệu thu được từ bẫy ảnh của Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi. Ảnh: CTV.

Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam có diện tích gần 19.000ha, nằm trên địa bàn 2 xã Quế Lâm và Phước Ninh (Nông Sơn). Khu bảo tồn nằm trong khu vực triển khai dự án Trường Sơn Xanh tỉnh Quảng Nam do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ. Vùng đệm khu bảo tồn có diện tích 24.985ha, bao gồm 22 thôn (thuộc 9 xã, 5 huyện), là khu bảo tồn chuyên về voi đầu tiên của Việt Nam.

Quảng Nam là một trong số ít địa phương ở nước ta còn có sự phân bố tự nhiên của đàn voi rừng châu Á với khoảng 13 - 14 con chia làm 3 quần thể, gồm khoảng 5 - 6 cá thể tại khu vực Bắc Trà My và phía tây bắc Tiên Phước; 8 cá thể tại huyện Nông Sơn.

Ông Mai Văn Dưỡng - Giám đốc Ban Quản lý (BQL) Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi cho biết, để thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và công tác bảo tồn loài voi rừng trong lâm phận, ngay từ đầu năm, BQL đã xây dựng kế hoạch và đặt bẫy ảnh theo dõi đàn voi; đặt các biển cảnh báo voi nguy hiểm tại các khu vực giáp ranh với rừng sản xuất của người dân để tránh xảy ra xung đột giữa người và voi.

Theo đó, có tổng cộng 28 máy bẫy ảnh hiệu RECONYX HC550 được cài đặt ngẫu nhiên trên toàn bộ diện tích của khu bảo tồn với lưới ô vuông 2,5X2,5km. Hiện tại, trên toàn lâm phận khu bảo tồn có 33 điểm đặt bẫy ảnh theo hệ thống. Sau 2 tháng đặt bẫy ảnh, cán bộ BQL sẽ tiến hành đi tháo gỡ bẫy và lấy dữ liệu lưu trữ, phân tích với sự hỗ trợ của phần mềm Wildilfe Insights.

Hệ thống bẫy ảnh này nhằm ghi nhận tất cả các loài thú, chim… hiện diện trong khu bảo tồn một cách ngẫu nhiên, tạo cơ sở dữ liệu ban đầu. Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi đã đặt hệ thống bẫy ảnh trên toàn lâm phận vào năm 2019 và đã thu thập được nhiều loài vật quý hiếm như mang lớn, voọc chà vá chân xám, vượn…

Dự kiến, trong năm 2023, BQL sẽ tiếp tục triển khai đặt bẫy ảnh hệ thống lần 2 trong toàn lâm phận. BQL cũng triển khai hệ thống bẫy ảnh tại khu vực voi thường xuất hiện nhằm nhận dạng từng cá thể, cấu trúc và thể trạng của đàn voi, xác định cường độ xuất hiện tại từng khu vực để có giải pháp bảo vệ phù hợp.

BQL còn sử dụng phần mềm SMART trong việc quản lý, chỉ đạo công tác tuần tra, bảo vệ rừng và giám sát đa dạng sinh học. Trước đây, trong tuần tra rừng, cán bộ của khu bảo tồn sử dụng phần mềm LOCUS để ghi lại thời gian tuần tra.

Từ tháng 9/2022, BQL bắt đầu áp dụng phần mềm SMART Mobile trong công tác tuần tra. Các tổ tuần tra của các trạm khi đi tuần tra bắt buộc phải sử dụng phần mềm SMART Mobile để báo cáo lãnh đạo.

Mỗi người phải có thời gian tuần tra trong lâm phận tối thiểu là 15 ngày. Lãnh đạo sẽ dựa vào kết quả tuần tra SMART để đánh giá, chỉ đạo và quản lý. Sau 5 tháng triển khai áp dụng SMART Mobile trên thiết bị điện thoại thông minh, BQL đã bước đầu đánh giá được những ưu điểm của SMART Mobile giúp cho việc quản lý theo dõi bảo vệ rừng và giám sát đa dạng sinh học dễ dàng và chính xác hơn.

Bên cạnh đó, trong công tác bảo tồn loài, BQL còn sử dụng máy ghi âm tiếng vượn hót để đánh giá tình trạng và phân bố của các loài thuộc họ vượn hót trong lâm phận. Ngoài ra, để phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học, BQL sử dụng phần mềm PLANET để theo dõi biến động rừng...

(Nguồn: Quảng Nam Online).

Link gốc: https://baoquangnam.vn/moi-truong/ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-de-bao-ton-voi-140376.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829