Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ năm, 15/08/2024, 12:00

Nổi nênh cùng muối

Trưa nắng, diêm dân hối hả ra đồng với vẻ mặt đầy lo lắng khi những vầng mây đùn lên từ phía chân trời...

Hơn 16 năm qua, tôi thường đi về nơi đồng muối và được nghe những chuyện buồn vui của bà con diêm dân Sa Huỳnh. Những ngày này, giá muối đang ở mức cao nhưng trời hay đổ mưa giông nên nhiều người buông tiếng thở dài nuối tiếc.

Giá cả bấp bênh

Trưa nắng, anh Võ Tấn Nghi ở phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) cùng vợ mang quanh gánh hối hả ra đồng. Những ruộng muối kết tinh trắng lấp lóa dưới nắng. Diêm dân vội vàng cào rồi hốt và bước đi như chạy gánh muối đổ thành đống trên bờ đê. Mồ hôi chảy ròng trên gương mặt sạm đen vì nắng gió. Chốc lát, họ ngoái nhìn những vầng mây đùn lên từ phía chân trời báo hiệu mưa giông ngày hạ.

Muối Sa Huỳnh chất lượng ngon nổi tiếng nhưng đời sống diêm dân bao đời vẫn cơ cực. Ảnh: Võ Thanh Kỳ.

"Muối lên giá nên phải tranh thủ cào chứ nếu mưa thì bao công sức bỏ ra mấy bữa nay tan thành nước hết. Chỉ cần cào được vài bao muối là đủ ngày công lao động nên ai cũng tranh thủ", anh Nghi tâm sự.

Chợt nhớ chiều hè năm trước, tôi lang thang trên đồng muối thì trời đổ mưa giông. Những giọt mưa đầu tiên rớt xuống ruộng muối trắng vừa kết tinh tạo nên hình dáng khá đẹp. Chúng tựa những chiếc lá sen non bé xíu đính vào bạch ngọc, đẹp mơ màng, mỏng manh giữa đất trời. Và, vẻ đẹp mỏng manh ấy nhanh chóng tan biến sau màn mưa. Cánh đồng muối hòa tan trong nước giữa làn mưa nhập nhòa.

Muối trắng vừa kết tinh sau bao ngày nắng cùng nỗi nhọc nhằn của phận đời diêm dân hòa vào nước, trở về biển. Ngồi nép sát vào nhau trú mưa trong túp lều che tạm giữa đồng muối, diêm dân thở dài, cõi lòng se thắt. Gương mặt họ hằn sâu vết chân chim, tóc điểm thêm vài sợi bạc. Họ trò chuyện với giọng điệu buồn bã, lẫn vào tiếng mưa rơi. "Diêm dân tụi tui tranh nắng, cướp mưa", anh Phạm Cho tếu táo.

Giá tăng cao nhưng muối vừa kết tinh chưa kịp thu hoạch thì mưa giông trút nước xuống ruộng đồng. Nhiều người gượng cười như mếu. Bởi vậy, họ luôn "Trông trời, trông gió, trông mây/Trông cho nắng mãi đến ngày cào thôi...".

"Làm muối khổ lắm chú ơi! Mấy năm trước muối nhiều thì giá mỗi ký chỉ 400 - 500 đồng, lắm khi chẳng có người mua. Cuộc sống khó khăn nên nhiều người bỏ hoang ruộng muối tìm kế sinh nhai bằng những nghề khác", anh Cho bộc bạch. "Năm nay giá muối cao nhưng các mặt hàng cũng tăng chóng mặt nên cuộc sống khó vẫn hoàn khó", vợ anh Cho là chị Nguyễn Thị Thu Chính góp chuyện.

Công nhận thương hiệu vẫn ế ẩm

Sáng chớm thu 13 năm trước, hàng trăm diêm dân tụ tập tại sân Trường Tiểu học số 3 Phổ Thạnh dự lễ đón nhận và công bố nhãn hiệu muối Sa Huỳnh. Nhiều cụ già tóc bạc phơ cũng đến dự để "xem thử thương hiệu muối như thế nào mà tụi trẻ bàn tán vui lắm".

Trao biểu trưng (logo) và quyết định công nhận nhãn hiệu Muối Sa Huỳnh cách đây 13 năm. Ảnh: Võ Thanh Kỳ.

Thì ra, cánh thanh niên lan truyền thông tin muối Sa Huỳnh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Họ cho rằng, việc công nhận thương hiệu sẽ tạo điều kiện thuận lợi để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho diêm dân... Thế nên ai cũng hả hê lắm. Họ chăm chú nhìn về phía sân khấu khi lãnh đạo huyện Đức Phổ (nay là thị xã Đức Phổ) trao biểu trưng (logo) và quyết định công nhận thương hiệu cho đại diện diêm dân. Nhiều người hi vọng muối sẽ được giá, cuộc sống sẽ khá hơn nên không giấu nụ cười vui dù đời còn nhiều cơ cực.

Thế nhưng, muối vẫn ế ẩm khiến bao người thở dài ngao ngán. "Giá muối thường ở mức thấp, riêng trước và sau Tết mới tăng cao vì lúc đó hết vụ sản xuất, chỉ còn muối tồn đọng. Nhưng khi giá cao thì còn ít muối vì ai cũng kẹt tiền nên đành phải bán trước đó...", diêm dân Trần Sơn cho biết.

"Trước và sau Tết ngư dân thường trúng đậm cá cơm mà muối Sa Huỳnh làm mắm rất ngon nên nhiều người mua để muối mắm, vì vậy giá muối cao hơn hẳn thời điểm khác trong năm. Ngày thường rất ít người hỏi mua muối. Nếu mua cũng chỉ năm mười bao là cùng...", tiểu thương Cao Thị Hồng Sen cho biết.

Báo chí vào cuộc, đăng thông tin quảng bá sản phẩm nhằm nâng cao giá trị hạt muối của diêm dân Sa Huỳnh. Ngày nọ, tôi nhận được điện thoại của đồng nghiệp công tác tại một tờ báo lớn. Anh cho biết, người thân của anh đang cần nguồn muối để sản xuất gia vị cung cấp cho thị trường các tỉnh, thành miền Trung.

Việc tìm kênh tiêu thụ ổn định cho muối Sa Huỳnh đến nay vẫn là bài toán chưa có lời giải. Ảnh: Võ Thanh Kỳ.

Tôi liền cho anh số điện thoại của ông Nguyễn Thành Út (khi ấy là Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất muối 1 Sa Huỳnh) để họ trực tiếp trao đổi công việc. "Hồi đó họ có điện cho tôi nhưng không thể hợp tác vì anh ấy không tìm ra thị trường tiêu thụ nên chẳng thể sản xuất như dự kiến ban đầu...", ông Út nhớ lại.

Chiều xuân 4 năm trước, anh Trần Ngọc Tuyên hồ hởi điện thoại báo tin vui: "Có người đàn ông ở tận thành phố Đà Nẵng vào gặp tôi nói chuyện mua muối lâu dài chú à! Mừng quá! Thế là có mối bán ổn định rồi...". Nguyên nhân là do tôi viết bài đăng báo giới thiệu muối Sa Huỳnh. Sau khi xem, độc giả mang theo tờ báo lái xe ô tô vượt hàng trăm cây số đến tận đồng muối tìm gặp nhân vật trong bài viết.

Họ bàn bạc và thống nhất phương thức sản xuất, thu mua muối. Nhưng rồi đôi bên cũng không thể hợp tác vì chẳng có thị trường tiêu thụ những sản phẩm chế biến từ muối. Đơn vị chức năng của tỉnh Quảng Ngãi cũng nỗ lực tìm nơi tiêu thụ nhưng hạt muối vẫn bí rị đầu ra, cuộc sống của diêm dân vô vàn gian khó.

Chật vật mưu sinh

Khi muối rớt giá, anh Nghi làm nhiều việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Nhiều bữa, anh theo bạn chài đánh bắt trên tàu cá ở vùng biển gần bờ. Họ gắng sức buông - kéo lưới đánh bắt cá tôm và cùng thở dài khi những mẻ lưới rỗng. Gặp ngày may mắn, anh kiếm được dăm ba trăm nghìn và chia nhau mớ cá tươi rói mang về chế biến món ăn trong bữa cơm gia đình. "Nghề muối không đủ sống nên chúng tôi phải làm nhiều việc để kiếm thêm. Nhiều người không đi biển thì chẻ đá, bốc vác, làm thuê hay phục vụ đám tiệc...", anh tâm sự.

Chiều muộn, anh Trần Ngọc Tuyên mang gần 100 chiếc lồng bằng lưới ra đầm nước mặn Sa Huỳnh. Anh chất lồng vào thúng chai rồi chèo ra cách bờ vài mét đặt xuống nước xanh thẳm để bắt cá, tôm, cua. Chừng 2 giờ sáng hôm sau, anh lặn lội ra đầm vớt lồng mang về nhà để vợ bưng mớ hải sản tươi rói đến phiên chợ sớm. Gặp bữa may mắn, vợ chồng anh kiếm được hơn trăm nghìn đồng. Lắm hôm, chỉ đủ chế biến món ăn qua bữa. Anh còn theo bạn hành nghề lắp đặt hệ thống điện, nước. Ngày nọ, anh bị té ngã khi đang đứng trên thang cao. "Bao năm gánh muối hổng sao. Vừa làm điện thời gian ngắn thì bị ngã nên chân đi cà nhắc. Vậy nhưng chẳng sao cả, tôi vẫn gánh muối như thường...", anh hóm hỉnh.

Hiện diện trên đồng muối Sa Huỳnh giữa trưa nắng toàn là người luống tuổi hay những bậc cao niên. Lớp trẻ theo tàu cá lênh đênh trên sóng nước khơi xa hay rời làng đến các tỉnh, thành tìm kế mưu sinh.

Hai con của ông Út ra tận Hà Tĩnh và Huế mưu sinh bằng việc bán hủ tiếu gõ. Mỗi tháng nhọc nhằn sớm khuya nơi đất khách cơ cực hơn cả trên đồng muối ở quê nhà. "Hai đứa nó đi mới có dư chút đỉnh chứ ở nhà làm gì đủ sống. Nghề muối vất vả nhưng thu nhập bèo bọt lắm. Lúc trước tôi làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã muối mà mỗi năm chỉ nhận được 1 triệu đồng. Nói vậy thì chú biết nghề muối chật vật như thế nào rồi", ông Út bộc bạch.

Diêm dân Sa Huỳnh vẫn lận đận, phận nghèo đeo bám bao năm. Ảnh: Võ Thanh Kỳ.

"Nghề muối từ đời ông cha truyền lại nhưng lớp trẻ bây giờ không muốn giữ nghề. Cực khổ thì chịu được nhưng thu nhập không đủ sống nên lớp trẻ bỏ đi xứ khác thôi. Giờ tôi già rồi và cũng không có nghề nghiệp gì nên phải bám ruộng muối...", ông Châu Rợ giãi bày.

Hạt muối Sa Huỳnh mặn dịu với dư vị khó phai, góp phần tạo nên những món ngon cho đời. Nhưng diêm dân nơi đây vẫn lận đận, phận nghèo đeo bám bao năm.

Đầm Nước Mặn nằm cạnh đồng muối có diện tích hơn 210ha thông với đại dương qua cửa biển Sa Huỳnh. Đầm là nơi lưu dẫn nước mặn cho đồng muối và là nơi trú ngụ của nhiều loài thủy sản. Khi vụ muối kết thúc vào đầu mùa mưa, diêm dân tháo cống ngăn nước tràn vào đồng. Cá, tôm, cua... bơi vào ruộng đồng sinh sôi, thu hút nhiều loài chim đến đây tìm mồi tạo nên khung cảnh hoang sơ. Diêm dân buông lưới, đặt lồng... đánh bắt thủy sản hay đóng cọc tre rồi quây lưới nhựa xung quanh thả nuôi tôm, cua để kiếm thêm thu nhập.

"Thu nhập từ đánh bắt thủy sản hay nuôi tôm, cua trên đồng muối tuy không nhiều nhưng cũng đỡ, giúp chúng tôi vượt qua khó khăn trong những tháng không làm muối...", lão diêm Lê Toan tâm sự.

(Nguồn: nongnghiep.vn)

Link gốc: https://nongnghiep.vn/noi-nenh-cung-muoi-d396221.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Đậm đà bún mực đuổi rau muống

Phú Thọ đề xuất xây cầu Phong Châu mới với vốn đầu tư 865 tỷ đồng

Người chuyển khoản chủ động liên hệ, xin lỗi Liên đoàn Xiếc Việt Nam

Cảnh báo mưa lớn kéo dài ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829