Thứ ba, 25/10/2022, 13:00
Nhà kho hàng trăm năm tuổi ở Thụy Sĩ
Zermatt là một trong những ngôi làng nổi tiếng thanh bình, yên tĩnh ở vùng núi phía Nam của Thụy Sĩ. Ngoài phong cảnh núi non hùng vĩ, nơi đây còn sót lại dấu tích của các nhà kho cũ, đã được tổ tiên của người dân địa phương sử dụng cách đây mấy trăm năm.
Những căn nhà kho cổ được chống lên cao bằng trụ gỗ và các phiến đá hình dĩa. Nguồn: BBC.
Với độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển, việc trồng trọt và chăn nuôi ở vùng núi cao diễn ra theo mùa và phải có nơi dự trữ lại số lương thực hoặc ngũ cốc sử dụng cho cả năm và gieo trồng cho vụ sau. Để giữ cho số ngũ cốc này không bị ẩm mốc và chống sâu mọt trong thời gian dài, nông dân địa phương nghĩ ra một giải pháp hữu hiệu là nâng kho lên cao trên mặt đất chừng vài feet khi chứa ngũ cốc (1 feet tương đương khoảng 0,3m). Tận dụng các vật liệu sẵn có tại chỗ, người ta kê nhà kho lên cao bằng nhiều trụ gỗ và mỗi trụ chống kèm là một phiến đá đặc biệt có hình như cái dĩa để giúp phân tán lực đều và cấu trúc kho trở nên vững chắc hơn.
Gỗ làm nhà kho này được lựa chọn là các cây tùng, cây thông mọc nhiều ở vùng bản địa, nhựa và mùi hương từ các loại cây này giúp xua đuổi các loại gặm nhấm hay tìm ăn ngũ cốc trong kho. Chưa kể vào mùa hè để ngăn hơi ẩm vào kho dễ làm hỏng lương thực và điều hòa nhiệt độ, người dân còn tuyển chọn các phiến đá bằng phẳng để lót đều mặt sàn.
Những năm 1940, ngũ cốc vẫn được người dân trồng ở độ cao khoảng 2.000m và dự trữ theo cách truyền thống tại các nhà kho bên sườn núi. Nhưng sau khi hệ thống tàu lửa xây đến đây thì diện tích trồng trọt giảm, việc mua lương thực từ nơi khác về cũng rẻ hơn và dễ dàng hơn so với tự trồng tại chỗ. Nhà kho dần bị bỏ quên và ít người sử dụng hơn. Những nơi còn dấu tích của các kho ngũ cốc lâu đời vẫn còn tại làng Zermat, Thụy Sĩ tồn tại cách đây vài trăm năm, có kho đã có tuổi lên tới 700 năm.
Theo luật ở địa phương không cho phép chuyển đổi các công trình nông nghiệp thành nhà ở nên việc duy trì và bảo tồn những nhà kho gặp nhiều thách thức không nhỏ. Phần lớn các nhà kho đều bỏ hoang và xuống cấp, trừ một số nhà kho còn được giữ lại bởi một số gia đình còn thói quen trồng, thu hoạch lúa mạch đen tại chỗ để làm bánh mì truyền thống thủ công. Hiện nay có nhiều dự án của các tổ chức bảo tồn, phi lợi nhuận nhằm tái sử dụng nhà kho vì mục đích xã hội, lưu giữ lại dấu tích xưa để các thế hệ sau dễ hình dung đời sống và hoạt động nông nghiệp mà tổ tiên từng trải qua.
(Nguồn: baohaugiang.com.vn)
Link gốc: https://www.baohaugiang.com.vn/van-hoa-nuoc-ngoai/nha-kho-hang-tram-nam-tuoi-o-thuy-si-115328.html