Đang tải ...
  
Kinh doanh

Thứ tư, 26/07/2023, 15:00

Người tiêu dùng nhiều nước đổ xô tích trữ gạo sau lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ

Động thái cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ khiến giá gạo được dự báo sẽ tăng hơn 10% ở các thị trường xuất khẩu như Việt Nam và Thái Lan, với giá gạo 5% tấm vượt quá 600 đô la/tấn, mức cao nhất trong hơn mười năm qua.

Trong khi đó, người tiêu dùng ở nhiều quốc gia hoảng loạn, đặc biệt là ở các nước có đông Ấn kiều như Mỹ, Canada và Úc. Các video trên mạng xã hội cho thấy những hàng dài người xếp hàng bên ngoài các tiệm tạp hóa và những kệ hàng siêu thị hay tiệm tạp hóa không còn túi gạo nào.

Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo nhằm kiểm soát tình trạng tăng giá trong nước. Nhưng tác động của lệnh cấm có thể khiến giá gạo tăng đột biến trong ngắn hạn. Ảnh: Bloomberg.

Giá tăng vượt tầm kiểm soát?

Gạo là khẩu phần ăn chính trong thực đơn của hàng tỉ người dân châu Á và châu Phi. Giá gạo tăng cao sẽ tăng thêm áp lực lạm phát và hóa đơn nhập khẩu cho người mua.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Ấn Độ hiện chiếm 40,5% thị phần xuất khẩu gạo trong mùa vụ 2022-2023, trong khi đó Thái Lan chiếm 15,3% và Việt Nam 13,5%. Động thái cấm xuất khẩu của nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới càng gây tác động lớn trong bối cảnh thời tiết El Niño ở khắp nơi, nhiệt độ tăng cao ở châu Âu và cuộc chiến Nga – Ukraine kéo dài.

Ấn Độ ra lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thường nhằm mục đích kiểm soát giá nội địa. Nhưng tác động của lệnh cấm này có thể lớn hơn mức nhiều người tưởng tượng.

Peter Timmer, Giáo sư danh dự tại Đại học Harvard chuyên nghiên cứu về an ninh lương thực trong nhiều thập niên, cho biết: “Lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ cần được xem xét trong bối cảnh đáng ngại hiện nay. Có nhiều lý do để lo ngại rằng giá gạo ở châu Á có thể vượt khỏi tầm kiểm soát khá nhanh”.

Ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, nói: “Trong ngắn hạn, giá chắc chắn sẽ tăng lên. Vấn đề chỉ là giá sẽ tăng cao đến mức nào. Giá sẽ không tăng từ từ mà là tăng đột biến”.

Tại Việt Nam, nhà xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới sau Ấn Độ và Thái Lan, giá gạo trắng 5% được báo ở mức 600 đô la/tấn. Giá gạo cùng loại ở Thái Lan là 534 đô la/tấn, gần mức cao nhất trong hai năm qua. Chủ tịch Chookiat dự báo rằng Thái Lan cũng có thể sớm tăng giá gạo để chạm mức 600 đô la/tấn, tức tăng hơn 12%. Mức tăng này có thể đẩy giá gạo Thái lên mức cao nhất từ năm 2012.

Giá lúa mì, bắp và các mặt hàng nông sản khác tăng trong tháng 7 này. Đợt tăng giá mới của gạo sẽ khiến giá gạo tiếp tục leo thang trở lại sau một thời gian dài giảm. Chỉ số giá lương thực thế giới của Liên hợp quốc chạm mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021 vào tháng 6 năm nay sau năm lần giảm hàng quí.

Động thái mới nhất của Ấn Độ, cộng với việc hạn chế gạo tấm trước đó, ảnh hưởng đến 30-40% tổng lượng xuất khẩu gạo của nước này. Ngân hàng đầu tư Nomura Holdings Inc. của Nhật Bản cảnh báo các hạn chế có thể được mở rộng, áp đặt với các loại gạo và nông sản khác trong trường hợp lượng mưa phân bố không đồng đều giữa các vùng canh tác của Ấn Độ và lạm phát trong nước gia tăng. Lượng gạo xuất khẩu bị ảnh hưởng của lệnh cấm có thể lên đến 80%. Hiện lệnh cấm này có thể động đến dòng chảy gạo đến Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Indonesia và một loạt các quốc gia châu Phi.

Tuy nhiên, các lô gạo vẫn có thể được xuất khẩu nếu được phép của chính phủ nhằm giúp các nước ổn định an ninh lương thực, tùy theo yêu cầu từ chính phủ các nước. Ngoài ra, xuất khẩu gạo đồ basmati và các loại gạo trắng khác vẫn tiếp tục, có thể làm dịu tác động của lệnh cấm.

Nhà kinh tế Shirley Mustafa thuộc Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO) nói rằng mức độ tác động đến các nước nhập gạo ở châu Á và châu Phi phụ thuộc vào thời hạn của lệnh cấm và khả năng thương lượng qua các kênh ngoại giao của các nước mua.

Bà Mustafa cho biết các nhà nhập khẩu cũng có thể đa dạng hóa nguồn cung, với điều kiện là các hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ không dẫn đến việc tăng giá từ những nơi bán hàng, vốn dễ làm tổn thương những nước “nhạy cảm về giá”. Những nơi này có thể làm giảm nhu cầu, đặc biệt là đối với những người mua nhạy cảm về giá. “Đây chính là điều đáng lo nhất”, bà nói.

Giá gạo thế giới có thể tăng hơn 12% trong ngắn hạn do tác động của lệnh cấm từ Ấn Độ. Nguồn: Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan.

Người tiêu dùng bắt đầu tích trữ

Người gốc Ấn ở Mỹ, Canada và Úc đang ra sức tích trữ gạo. Một số cửa hàng đã giới hạn số lượng gạo mỗi khách được mua, số khác thì tăng giá để kiếm tiền. Các nhà hàng Ấn Độ lại lo chuyện thiếu gạo, cả loại gạo đồ basmati và gạo trắng thường.

“Trong vài ngày qua, mọi người đã bắt đầu mua gạo với số lượng có thể gấp đôi bình thường. Vì vậy, chúng tôi phải hạn chế”, theo lời Shishir Shaima, quản lý của cửa hàng tạp hóa Ấn Độ MGM Spices ở Surrey Hills thuộc thành phố Melbourne, Úc.

Cửa hàng này hiện chỉ bán cho mỗi người mua một túi gạo 5 ký. “Một số người tức giận khi chúng tôi không cho phép họ mua nhiều hơn một túi. Và chúng tôi cũng không thể bán nhiều hơn số lượng đó”, Shaima nói với hãng tin Bloomberg.

Ở Mỹ, tờ Hindustan Times tường thuật, các clip viral trên mạng cho thấy mọi người đổ xô đi mua sắm. Trong khi đó, theo CityNews của Canada, một số cửa hàng tạp hóa Nam Á ở Toronto cũng đã hạn chế lượng gạo khách mua và tăng giá bán lẻ.

Govindasamy Jayabalan, Chủ tịch Hiệp hội chủ nhà hàng Ấn Độ tại Malaysia, cho biết ông lo ngại điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu gạo và tăng chi phí chế biến các món ăn truyền thống như bánh thosai (giống như bánh xèo, được làm từ bột gạo và đậu lên men) và bún gạo.

“Chúng tôi rất lo lắng. Hầu hết khách đến nhà hàng của chúng tôi thuộc nhóm thu nhập thấp. Tình trạng khiến kinh doanh của nhà hàng gặp khó khăn”, ông nói.

(Nguồn: Kinh tế Sài Gòn Online)

Link gốc: https://thesaigontimes.vn/nguoi-tieu-dung-nhieu-nuoc-do-xo-tich-tru-gao-sau-lenh-cam-xuat-khau-cua-an-do/

Chia sẻ

Xem nhiều

Số nhà cửa bỏ hoang ở Nhật tăng 80% sau 20 năm

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế GTGT 6 tháng cuối năm

Giá tăng cao, sức cầu căn hộ vẫn lớn

Người tiêu dùng thua thiệt khi bán lại vàng trang sức

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829