Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ bảy, 18/06/2022, 14:00

Người đam mê hồi sinh xe cổ

Tây Ninh - Bằng tay nghề điêu luyện và tâm huyết, ông Huỳnh Ngọc Ẩn, 61 tuổi, ngụ khu phố Hiệp Nghĩa, phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh đã phục dựng những chiếc xe Honda 67, xe Cub hư hỏng, tàn tạ thành những chiếc xe có hình dáng, màu sắc gần giống như nguyên bản.

Ông Ẩn thường đem xe ra trưng bày và ngắm nghía cho thoả niềm vui.

Ông Ẩn cư ngụ trong một ngôi nhà có chiều ngang 3,5 mét, hẻm số 1, đường Điện Biên Phủ. Trong căn nhà chật hẹp ấy hiện có khoảng 10 chiếc xe cổ, phân khối nhỏ như xe Honda Dame, Honda 67, Cub 78, 79, Cub cánh én, Cub 81…Ngoài ra, còn có hàng trăm phụ tùng “rin”, quý hiếm như mặt nạ xe Dame, cùm, bửng, cốp, còi, đồng hồ, bình xăng lớn, bình xăng nhỏ của các xe Cub, bóng đèn, ghi-đông, chân chống xe 67…

Tất cả những linh kiện này được ông Ẩn tốn nhiều công sức tìm mua lại từ những nơi chuyên bán phụ tùng mô tô, bãi thanh lý xe cũ đem về dự trữ để sẵn sàng thay thế cho các phụ tùng hư hỏng trong quá trình “dựng lại” xe cổ. Những lúc rảnh rỗi, chủ nhà thường đem các xe “cưng” ra dựng trước cửa để cùng những người bạn cùng sở thích vừa nhấm nháp cà phê, vừa ngắm nghía xe cổ như một thú vui tao nhã.

Nói về thú vui này, ông Ẩn tâm sự, đam mê xe cổ bắt nguồn từ hơn 40 năm trước, khi cha của ông sở hữu một chiếc xe Honda 67. Với bản tính tinh nghịch, ông thường đem chiếc xe 67 ra tìm hiểu về máy móc. Sau năm 1975, ông Ẩn có cơ hội lần lượt được sở hữu một số loại xe khác như BMW, Dame, Cub…Mỗi khi những chiếc xe này bị hư hỏng, ông đều tự mày mò sửa chữa. Cứ thế, dần dần ông tích luỹ kinh nghiệm và có thể sửa được nhiều loại xe khác nhau mà không cần học qua trường lớp dạy sửa xe.

Hằng ngày, ông Ẩn miệt mài với công việc phục dựng xe cổ của mình.

Hơn 10 năm trước, nhân một lần đến huyện Tân Châu, ông Ẩn nhìn thấy ở đây có nhiều xe Honda Cub, xe Honda 67 được người dân đem bán vào vựa ve chai với giá rẻ. Nhìn thấy những phương tiện này còn khá nhiều đồ “rin” nhưng chỉ bán với giá vài trăm ngàn đồng/chiếc, ông chợt nghĩ, sao mình không mua những chiếc xe cũ này đem về phục hồi lại? Thế là ông tìm mua một vài chiếc đem về sửa chữa.

Thời gian đầu mới bắt tay vào nghề, chưa quen biết rộng rãi, tìm mua phụ tùng về sửa rất khó. Có những phụ tùng không mua được, ông phải tự mày mò, chế tạo. Theo lời ông kể, thời đó, phụ tùng thay thế rất hiếm và rất khó mua. Có lần cần một chiếc kim xăng để phục hồi bình xăng con cho chiếc BMW 50cc, nhưng không mua được trên thị trường, ông đành thức sáng đêm, mài chiếc căm xe đạp nhỏ lại như cọng chân nhang. Sau đó, dùng giấy nhám vuốt cho bóng láng mới sử dụng được.

Những năm đầu mới bắt tay vào việc phục hồi xe, ông chỉ dự định sửa lại những chiếc xe để thoả mãn thú vui và dùng làm phương tiện đi lại. Thế nhưng, khi những chiếc xe do ông phục hồi gần như nguyên bản, vẻ đẹp của chúng đã thu hút sự quan tâm của những người thích hoài cổ. Vì vậy, hầu hết các xe của ông vừa làm xong đều có người đến mua. Thấy có người cùng sở thích, ông chia lại với giá vốn mua sắm phụ tùng và một ít tiền công.

Tiếng lành đồn xa, những chiếc xe qua tay ông Ẩn được phục hồi gần giống nguyên bản và giá thành tương đối rẻ nên ngày càng được nhiều dân chơi xe cổ tìm đến giao lưu. Những năm gần đây, khi mạng xã hội phát triển, hình ảnh những chiếc xe mới phục hồi được ông Ẩn đăng tải trên Facebook, Zalo càng được nhiều người khắp mọi miền đất nước biết đến. Ngược lại, ông cũng kết nối được với nhiều tên tuổi chuyên sưu tầm phụ tùng “rin” ở nhiều nơi trong, ngoài tỉnh. Nhờ thế, hiện nay việc sửa chữa, trao đổi, mua bán xe cổ của ông có nhiều thuận lợi hơn.

Để trang bị thêm kiến thức cho mình, ông thường dành hết thời gian rảnh rỗi lên các trang mạng xã hội tìm xem phim, ảnh tư liệu có liên quan đến xe cổ. “Tôi thường tìm kiếm hình xe “rin” thường đăng trên những trang web Sài Gòn xưa để coi thật kỹ, từ đó mình mới biết, phục hồi đúng từng chi tiết, màu sắc của từng loại xe”- ông Ẩn bộc bạch. Ngoài ra, người thợ cao niên này còn thường xuyên gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, người yêu thích xe cổ để trao đổi thêm từ thực tế. Trong quá trình sửa chữa, ông Ẩn luôn tận dụng những phụ tùng “rin” theo xe để tiết kiệm chi phí và có độ bền cao.

Đơn cử như những dòng xe sử dụng bộ phận vít lửa như Cub 78, 79, cánh én… đã được ông Ẩn nghiên cứu cải tiến bộ phận đánh lửa bằng vít sang IC nhưng vẫn giữ lại bộ quay lăng mâm lửa cũ. Ông Ẩn giải thích: “Thông thường, khi nâng cấp từ vít lửa lên IC, nhiều người tháo bỏ cả bộ quay lăng mâm lửa và vít lửa để thay vào đó bộ quay lăng mâm lửa mới do Đài Loan hoặc Trung Quốc sản xuất và bộ IC. Cách làm này vừa tốn nhiều tiền mà chất lượng lửa của xe không ổn định”.

Tương tự như thế, trong quá trình phục hồi các loại xe, bao giờ ông Ẩn cũng cố gắng tối đa để giữ lại hệ thống dây điện “rin” của xe chứ không thay thế dây điện mới. Ông Ẩn nói, kinh nghiệm cho thấy dây điện “rin” của xe có lõi dây đồng to, chắc nên không bao giờ bị đứt. Các loại dây điện mới cũng có ruột đồng to nhưng không dẻo, sau một thời gian sử dụng dễ nóng, dẫn đến chập điện, hư hỏng vặt.

Những phụ tùng xe cổ “rin”, quý hiếm, được ông Ẩn sưu tầm để thay thế trong quá trình phục dựng.

Để phục hồi từ một chiếc xe cũ trở lại nguyên bản, ông Ẩn dồn hết công sức và phải tốn thời gian từ 2- 3 ngày. Tuỳ theo mức độ xe bị hư hỏng nhiều hay ít mà chi phí có thể dao động từ vài triệu đến cả chục triệu đồng/chiếc. Một người có thâm niên sưu tầm các loại xe Chaly, xe Cub ở huyện Dương Minh Châu vừa mua được chiếc Cub 78 còn “rin” hơn 80%, nhưng không hiểu sao chiếc xe thường xuyên bị chết máy trong quá trình sử dụng.

Ông đã tốn nhiều công sức tìm tòi, sửa chữa nhưng vẫn không khắc phục được. Cuối cùng, ông đem chiếc Cub đến nhờ ông Ẩn giúp. Sau một lúc “bắt mạch”, ông Ẩn đã tìm ra được “bệnh” và chỉ cần một vài thao tác nhỏ, chiếc Cub nổ máy giòn tan.

Biết tay nghề ông Ẩn, một cựu giáo chức ở thị xã Hoà Thành cũng đem chiếc xe Dame cũ đến nhờ tân trang. Vài ngày sau, nữ cựu giáo chức này tròn xoe mắt khi nhìn thấy chiếc Dame cà tàng của mình được phục hồi đẹp gần như lúc mới mua. Bà cảm ơn ông Ẩn và cho biết sẽ gìn giữ chiếc xe này như một người bạn tri kỷ chứ không bao giờ bán cho người khác.

Mỗi người chọn cho mình một thú vui, với ông Huỳnh Ngọc Ẩn thì chọn thú vui xe cổ. Đấy cũng là một cách vừa thoả mãn đam mê, vừa có việc làm, thu nhập ổn định cho mình.

(Nguồn: baotayninh.vn)

Link gốc: https://baotayninh.vn/nguoi-dam-me-hoi-sinh-xe-co-a146394.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Bheem, con trâu giá 70 tỉ đồng

Mật ngữ nghề biển

Miền Tây nước ngọt không còn dồi dào

Trượt ván Skateboard thu hút giới trẻ

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829