Đang tải ...
  
Biết để khỏe Tin sức khỏe

Thứ tư, 02/04/2025, 17:00

Mắc bệnh lạ, bé gái không nhận ra người thân, tự bóp cổ mình

 Bé gái 14 tuổi đột nhiên khóc cười vô cớ, không nhận ra người thân, tự bóp cổ, cắn môi... làm hại mình. Bác sĩ phát hiện em mắc bệnh viêm não tự miễn, một bệnh hiếm dễ nhầm lẫn với các bệnh rối loạn tâm thần.

Khoảng 1 tháng trước, em K.N. (14 tuổi, ở Lâm Đồng) thường xuyên bị đau đầu, khó ngủ, ít tiếp xúc với mọi người. Sau đó em la hét, kích động, khóc cười vô cớ, không nhận ra người nhà, không thể nói chuyện được.

Gia đình đưa N. đến bệnh viện địa phương điều trị, nhưng tình trạng ngày càng tăng dần, N. tiếp tục được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 thăm khám, các bác sĩ nhanh chóng khám và làm các xét nghiệm chuyên sâu.

Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Khi nhập viện, em bỗng nhiên liên tục la hét, gồng tay chân, không nhận ra người nhà, tự hủy hoại bản thân như bóp cổ mình, cắn môi, cắn lưỡi làm chảy máu, gãy răng… 3, 4 người trong gia đình mới có thể giữ tay chân, chắn hàm để em không làm tổn thương mình thêm. Các bác sĩ phải tiêm thuốc an thần, truyền thuốc chống co giật để giảm bớt tình trạng này.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Hải Uyên - Phó trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết, sau khi tiến hành xét nghiệm dịch não tủy, chụp MRI sọ não cho kết quả, em N. mắc chứng bệnh viêm não tự miễn, thể kháng thụ thể NMDA - một căn bệnh hiếm nhưng có thể điều trị nếu được phát hiện kịp thời.

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Ngọc Hồng Hạnh - Khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 - em N. được điều trị theo phác đồ viêm não tự miễn với corticoid liều cao 30mg/kg trong 5 ngày, nhưng em không đáp ứng. Em vẫn còn gồng cứng, la hét, không nhận ra người thân.

Sau hội chẩn khoa, các bác sĩ quyết định điều trị liệu pháp thay huyết tương, thực hiện 5 chu kỳ trong 10 ngày. Đến chu kỳ thứ ba, em bắt đầu giảm la hét, ngủ được. Sau đó em hiểu, làm theo yêu cầu của bác sĩ nhưng chưa nói chuyện được. Khi hoàn tất xong chu kỳ thay huyết tương thứ năm, em đã có thể nói được từng từ ngắn, đi lại chậm rãi, ăn qua đường miệng.

Đến nay, em N. có nhận thức tốt hơn và đặc biệt, không còn những ảo giác đáng sợ, đã đi lại được, có thể nói chuyện, hỏi thăm bác sĩ “Răng của con có mọc lại được không?".

Hiện tại, bệnh nhi đã qua giai đoạn nguy hiểm. Tuy nhiên, em vẫn cần được điều trị và theo dõi định kỳ trong thời gian tới, đảm bảo phục hồi hoàn toàn và ngăn ngừa kịp thời nguy cơ tái phát.

Bác sĩ Hải Uyên cho biết, viêm não tự miễn là căn bệnh khó chẩn đoán, lại diễn tiến từ từ, dễ nhầm lẫn với các bệnh rối loạn tâm thần. Nhiều gia đình thường bị đi sai hướng trong quá trình tìm bệnh, dẫn đến việc chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị.

Khi trẻ có những biểu hiện bất thường về hành vi, nhận thức hoặc giấc ngủ, phụ huynh không nên chủ quan mà cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám sớm nhất. Đừng để sự hiểu lầm và chậm trễ cướp đi cơ hội hồi phục của con em mình.

(Nguồn: phunuonline.com.vn)

Link gốc: https://www.phunuonline.com.vn/mac-benh-la-be-gai-khong-nhan-ra-nguoi-than-tu-bop-co-minh-a1546048.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Những thói quen đang làm hại sức khỏe của bạn mỗi ngày

Chế độ ăn kiêng thịt giúp đẩy lùi 11 vấn đề sức khỏe

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829