Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ hai, 19/06/2023, 10:00

Lận đận tàu hậu cần nghề cá

Quảng Ngãi hiện có trên 3.150 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, chủ yếu hoạt động ở ngư trường xa, dài ngày trên biển, nên có nhu cầu các dịch vụ hậu cần rất lớn. Tuy nhiên, tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá vừa thiếu, vừa yếu, lại gặp nhiều rào cản trong quá trình hoạt động, dẫn đến chưa đáp ứng nhu cầu của ngư dân.

Tàu hậu cần vỏ thép thường xuyên nằm bờ, có nguy cơ hư hỏng, vì chi phí duy tu bảo dưỡng cao, trong khi hoạt động kém hiệu quả.  

Gặp khó vì... quy định

Tháng 10/2018, tàu dịch vụ hậu cần vỏ thép của ngư dân Nguyễn Văn Cư, ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) được hạ thủy. Tàu hoạt động cung cấp nhiên liệu dầu, đá để bảo quản thủy sản, vật tư, lương thực thực phẩm và thu mua thủy sản của ngư dân ngay trên biển. Tuy nhiên, chỉ sau vài chuyến biển, ông Cư được ngành chức năng thông báo là theo quy định của Luật Thủy sản 2017 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019), tàu dịch vụ hậu cần chỉ được chở đá, vật tư, ngư lưới cụ, lương thực thực phẩm và thu mua thủy sản; chứ không được phép vận chuyển, kinh doanh xăng, dầu. 

Ông Cư chia sẻ, tàu dịch vụ hậu cần mà chỉ được thực hiện các hoạt động trên thì thực sự không đủ chi phí cho tàu ra khơi. Tàu có công suất 940CV, mỗi chuyến ra biển kéo dài từ 3 - 4 ngày, chạy lòng vòng để thu gom 30 - 40 tấn hải sản nên tốn nhiều nhiên liệu. Lợi nhuận từ việc thu mua hải sản và bán các vật dụng, nhu yếu phẩm khác không đủ khoản chi phí bỏ ra. Đây chính là nguyên nhân khiến tàu hậu cần của tôi làm ăn thua lỗ, không trả nợ đúng hạn cho ngân hàng, dẫn đến phát sinh nợ xấu với số tiền gần 2 tỷ đồng.

Còn chiếc tàu hậu cần vỏ thép có công suất hơn 500CV của ngư dân Nguyễn Ngọc Nhiên, ở huyện Lý Sơn cũng rơi vào cảnh nằm bờ nhiều hơn vươn khơi. Chiếc tàu được hạ thủy vào giữa tháng 10/2015 chuyên làm nhiệm vụ cung cấp nhiên liệu, lương thực thực phẩm; đồng thời thu mua hải sản cho các chủ tàu cá đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa.

Ông Nhiên cho biết, có tàu này nên ngư dân phấn khởi vì cá bán được trên biển với giá cao, mà không phải tốn thời gian và nhiên liệu để cập cảng nạp dầu, đá, thực phẩm. Nhưng niềm vui không kéo dài được lâu, khi từ năm 2019, tàu hậu cần nghề cá không được tiếp tế nhiên liệu trên biển dẫn đến lợi nhuận sụt giảm, số chuyến biển lỗ ngày càng nhiều, thời gian nằm bờ ngày càng tăng, còn tôi cũng cạn sức. 

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Tạ Ngọc Thi, các tàu dịch hậu cần thủy sản đóng mới theo Nghị định 67 đều có công suất lớn (hơn 900CV), chiều dài từ 30m trở lên và lắp trang thiết bị hiện đại nhằm thực hiện chức năng dịch vụ hậu cần thủy sản, gồm: Chở nhiên liệu, xăng dầu, đá bảo quản thủy sản, vật tư sửa chữa nhỏ, ngư lưới cụ, lương thực, thực phẩm thiết yếu và thu mua hải sản, đáp ứng yêu cầu của nhiều tàu cá đang hoạt động xa bờ của tỉnh. Tuy nhiên, Luật Thủy sản 2017, Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành một số điều Luật Thủy sản 2017 quy định tàu dịch vụ hậu cần thủy sản không có chức năng cung cấp, vận chuyển xăng, dầu trên biển. 

Còn Thông tư số 47/2015/TT-BCT ngày 11/12/2015 của Bộ Công thương về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xăng, dầu trên biển đối với tàu dịch vụ hậu cần thủy sản là phải đặt, neo đậu cửa hàng xăng dầu trên mặt nước đúng quy định. Nhưng thực tế, tàu dịch vụ hậu cần thủy sản chỉ cập bến trong thời gian nhất định để bốc dỡ hải sản thu mua và lấy nguyên nhiên vật liệu, sau đó xuất bến, di chuyển thường xuyên liên tục trên biển. Trước thực trạng trên, Chi cục Thủy sản tỉnh đã tham mưu Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương tháo gỡ vướng mắc về hoạt động kinh doanh xăng, dầu đối với tàu dịch vụ hậu cần thủy sản đóng mới theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh.

Lối mở nào cho tàu hậu cần nghề cá?

Số lượng tàu vươn khơi xa lớn, nhưng phần lớn chưa được đầu tư trang bị thiết bị bảo quản sản phẩm đúng tiêu chuẩn, nên ngư dân phải quay vào bờ thường xuyên để kịp thời tiêu thụ, chế biến. Điều này dẫn đến thời gian bám biển gián đoạn, chi phí cho những chuyến biển tăng cao, trong khi giá trị sản phẩm giảm. Thực tế trên cho thấy, việc phát triển đội tàu hoạt động hậu cần nghề cá là cần thiết, góp phần giúp quá trình sản xuất trên biển của tàu khai thác trở nên thuận lợi hơn, sản phẩm được bán với giá cao và thời gian bám biển dài ngày hơn.

Vì vướng quy định nên tàu hậu cần vỏ thép của ngư dân Nguyễn Văn Cư, ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), hoạt động cầm chừng, thường xuyên thua lỗ.  

Ngư dân Nguyễn Thọ, ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cho biết, việc bán sản phẩm và tiếp nhiên liệu, đá, thực phẩm trên biển không chỉ giúp ngư dân tiết kiệm chi phí đi lại, mà còn không bỏ lỡ cơ hội khai thác luồng cá lớn. Chẳng hạn, trong lúc hầm cá đã đầy, nhiên liệu cũng cạn nhưng tàu lại gặp luồng cá lớn, cần 4 - 5 ngày mới đánh bắt hết, nếu không có tàu hậu cần, ngư dân phải ngậm ngùi cho tàu vào bờ để bán sản phẩm. Ngược lại, nếu có tàu hậu cần, thì tàu sẽ bám được luồng cá để đánh bắt.

Vì vậy, khi ngư dân mong muốn cải hoán tàu cá, chuyển đổi ngành nghề (chủ yếu là từ nghề câu) sang hoạt động hậu cần phục vụ đánh bắt nguồn lợi thủy sản (NLTS), Chi cục Thủy sản tỉnh đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện các thủ tục. Tuy nhiên, hoạt động của gần 100 tàu hậu cần phục vụ đánh bắt NLTS cũng không tránh khỏi sự lận đận.

Chủ tàu Huỳnh Lang, ở xã Bình Thạnh (Bình Sơn) cho biết, tàu của tôi chỉ thu mua hải sản, tiếp đá và thực phẩm cho các tàu đánh bắt ở các đảo gần như Lý Sơn, Cù Lao Chàm (Quảng Nam), chứ ra vùng khơi thì không đủ chi phí. Vì số lượng tàu khai thác nằm bờ nhiều, sản lượng thu mua ngoài biển thấp nên nhiều phiên biển lỗ tổn. Nhưng vì “giữ chân” bạn hàng, nên tôi vẫn phải cố gắng.

Để phát triển đội tàu hậu cần phục vụ đánh bắt NLTS đáp ứng yêu cầu thực tế, đã đến lúc ngành chuyên môn cần tổ chức rà soát, sắp xếp lại các hoạt động hậu cần phục vụ đánh bắt NLTS, nhất là các khâu thu mua, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo đúng quy định. Bên cạnh đó, cần phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác kinh doanh tiêu thụ hải sản và hậu cần tại các cảng cá, tạo điều kiện cho tàu dịch vụ ngày càng phát triển.

Tiếp tục hỗ trợ ngư dân

Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương nhấn mạnh, tàu hoạt động hậu cần đánh bắt NLTS được trang bị nhiều thiết bị hiện đại, đặc biệt là hầm bảo quản sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Qua đó, giúp sản phẩm khai thác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên tăng tính cạnh tranh; đồng thời tạo ra nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp chế biến thủy sản.

Ngoài ra, hoạt động của đội tàu hậu cần đánh bắt NLTS còn phát huy được tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau, giảm rủi ro trong quá trình hoạt động trên biển. Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của trung ương và tỉnh đã ban hành để khuyến khích, tạo động lực cho hoạt động nghề cá phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngư dân.

(Nguồn: baoquangngai.vn)

Link gốc: https://baoquangngai.vn/kinh-te/bien-kinh-te-bien/202306/lan-dan-tau-hau-can-nghe-ca-8b71206/

Chia sẻ

Xem nhiều

Về miền đồng lác Vũng Liêm

Thương lái lúa gạo sẽ phải có 'giấy phép hành nghề'?

An Giang mùa trâm chín

Gà Mã Đà đẹp như chim, có nguy cơ tuyệt chủng

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829