Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ sáu, 05/08/2022, 17:00

Khoai khai - sản vật thiên nhiên ban tặng

Phú Yên - Khoai khai giống như khoai mài nhưng củ dài đến cả mét. Giống khoai dại này mọc ở bìa rừng, ăn sâu hốc đá. Đây là sản vật thiên nhiên ban tặng cho người dân vùng núi An Lĩnh, huyện Tuy An.

Dây khoai khai thường lẩn trong các bụi rậm, hốc đá. Ảnh: CTV

Khoai khai luộc chín chấm với đường cát trắng, nhai sựt sựt, có vị ngọt bùi còn nấu canh tôm chan cơm ăn vị ngon níu lưỡi.

Dây khoai mọc tự nhiên, củ dài cả mét

Ngày hè rảnh rỗi, chị Mai Thị Lành ở thôn Phong Thái, xã An Lĩnh, huyện Tuy An vác cuốc, xà beng vào núi Điệp (xã An Lĩnh) đào khoai khai. Đầu tiên là quan sát các bụi rậm xung quanh, nếu phát hiện dây khoai, chị Lành lần theo tìm gốc. Tiếp đó, chị dùng xà beng đào rồi dùng cuốc moi theo củ khoai ăn sâu vào hốc đá.

Khoai khai thường to bằng bắp tay người lớn, giống củ khoai mài nhưng dài hơn. Moi ló củ một đoạn, chị Lành bẻ gãy cho vào rổ rồi lại moi tiếp. Theo chị Lành, dây khoai khai ra nhiều củ, có củ dài cả mét. Tuy nhiên, khó có ai đào được nguyên củ mà phải bẻ từng đoạn vì củ ăn sâu trong hốc đá, xuyên qua rễ cây gai quýt.

“Vì củ dài nên đi đào khoai khai ham lắm, cứ moi theo lấy củ, có hôm tôi ở luôn trưa ngoài rừng. Tôi chỉ cần đào 3 bụi khoai khai là chiều chở về nửa bao tải cột túm miệng. Khoai khai bán với giá 20.000 đồng/kg, có năm tôi bỏ túi 10 triệu đồng”, chị Lành cho hay. Khoai khai chỉ đào được những tháng mùa nắng, chứ không phải quanh năm suốt tháng. Mùa mưa dễ đào nhưng khoai khai no nước ăn không ngon. Mùa hè củ dẻo dai, ngọt bùi…

Theo chị Lê Thị Điệp, người cùng thôn với chị Lành, có hôm hai chị thay phiên nhau đào lấy hết củ khoai dài cả mét. Khoai khai rửa sạch đem xuống các xã vùng biển như An Ninh Đông, An Ninh Tây… bán, người ta mua hết. Vỏ của giống khoai này rất mỏng, khi gọt bỏ lớp vỏ mỏng bên ngoài nó sẽ đổ nhớt như khoai mài.

“Trồng khoai mài có người bón phân hóa học, còn khoai khai hoàn toàn tự nhiên, nó tốt nhờ lá cây rừng ủ mục. Khoai khai là đồ rừng 100%. Loại khoai này thân dây leo, dây màu tím có gai, lá xanh. Ở đâu xa không biết, nhưng ở huyện Tuy An chỉ có vùng núi cao như An Lĩnh mới có. Trong quá trình đào khoai khai bị gãy, sót lại chỉ một lát nhỏ bằng khu chén, dày bằng chiều ngang ngón tay thì sau đó khoai nảy mầm, đội lá ủ mọc lên lại”, chị Điệp nói.

Củ khoai khai được người dân đào về. Ảnh: CTV.

Khoai khai nấu canh tôm là số 1

Nói về khoai khai, ông Nguyễn Văn Bình ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân tấm tắc: Con gái tôi lấy chồng ở An Lĩnh, đào khoai khai mang về cho ba mẹ nấu canh tôm. Hồi giờ chưa ăn, mới thưởng thức lần đầu chỉ chan húp chút nước có vị ngọt thanh tao. Sau đó ăn tới phần củ vừa dẻo vừa bùi, cả hai vị ngon níu lưỡi. Ăn no đứng dậy mà còn thèm. Tôi ăn một lần khen hoài, dặn con gái lúc rảnh đi đào hoặc gặp ai bán thì mua mang về.

Chị Nguyễn Thị Hương, con gái ông Bình, cho hay khoai khai không hảo thịt mà hạp với nấu canh tôm nêm hẹ. Nó có đặc tính nửa khoai nửa sâm nên dẻo dai, nấu lâu trên bếp không nát nhừ như khoai mài. Khi nấu canh, khoai được xắt nhỏ thành cọng dài bằng nửa ngón tay, hoặc đem mài tròn như cọng bún nhưng ngắn sẽ có cảm giác ngon hơn.

Là một trong những người đào khoai khai nhiều năm, theo chị Hương, có thể chế biến nhiều món từ củ khoai rừng này. Đơn giản và nhanh nhất là khoai khai luộc chín chấm với đường cát trắng, nhai sựt sựt, ăn vào có vị ngọt, thơm và có một chút khai khai. Có người nói, đây là củ khoai mài nhưng có vị của khoai hạ nên gọi là khoai khai. Còn khoai khai nấu canh tôm chan cơm ăn có chút vị béo, ngon dẻo. Khoai khai đào về để đến nửa tháng cũng không bị đen nũng.

“Thời gian qua do vào vụ mùa trồng sắn, chăm sóc mía, tôi chưa có thời gian đi đào khoai khai. Vừa rồi tôi dành một buổi đi đào về nấu ăn. Củ khoai trắng, dẻo; lâu rồi mới ăn lại, nó như có vị vừa quen lại vừa lạ”, chị Hương chia sẻ.

Theo ông Lê Văn Lạc, 80 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã An Lĩnh, khoai khai mọc hoang khắp các bìa rừng, ruộng rẫy. Loại khoai này có quanh năm, vào mùa nắng, người dân ở đây thường rủ nhau đi đào về chế biến các món ăn. Món nào được chế biến từ khoai khai cũng rất dân dã và bổ mát. Ai đã từng thưởng thức món khoai khai luộc dù có đi đâu xa cũng luôn nhớ. Người dân vùng này thường nấu canh khoai khai đãi khách. Có người thì luộc khoai ăn tráng miệng sau mỗi bữa cơm. Thời kháng chiến chống Mỹ, người dân An Lĩnh nhờ có khoai khai đào ăn trừ cơm. Hồi đó, chỉ có khoai khai mới đắp đổi cho cả vùng này vượt qua nạn đói trong những năm tháng khói lửa chiến tranh. 

Khoai khai đơn giản và nhanh nhất là luộc chín chấm với đường cát trắng, nhai sựt sựt, ăn vào có vị ngọt, thơm và có một chút khai khai. Có người nói, đây là củ khoai mài nhưng có vị của khoai hạ nên gọi là khoai khai. Đây là sản vật được thiên nhiên ban tặng cho người dân vùng núi An Lĩnh.

Chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Phong Thái, xã An Lĩnh, huyện Tuy An

(Nguồn: baophuyen.vn)

Link gốc: https://baophuyen.vn/141/281592/khoai-khai-san-vat-thien-nhien-ban-tang.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Người già Trung Quốc gây sốt trên TikTok

'Đặc sản' kiến vàng của người Jrai

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829