Đang tải ...
  
Cập nhật 24/7 Xã hội

Thứ tư, 06/09/2023, 10:00

Ít ai ngờ phế phẩm từ mít lại có những lợi ích này

Hậu Giang- Từ những nguyên liệu dư thừa từ mít trên địa bàn tỉnh Hậu giang, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh đã nghiên cứu sản xuất giá thể hữu cơ để phục vụ trồng trọt, mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân.

Sản phẩm mít nguyên liệu dư thừa được đưa về sản xuất tại Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh.

Giải quyết lượng phế phẩm dư thừa

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 9.938ha đất trồng mít, trong đó chủ yếu là mít Thái siêu sớm. Thời gian qua, ngoài đối mặt với việc giá cả lên xuống thất thường, người nông dân còn phải chịu nhiều khó khăn do sự tấn công của các loại sâu, bệnh hại trên cây mít, như bệnh xơ đen, bệnh thối nhũn,… Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất, còn có những trái mít tuyển, mít loại, vỏ mít, xơ mít, lá mít,… có giá trị sử dụng thấp hoặc không còn giá trị sử dụng, bị thải loại.

Những nguyên liệu dư thừa từ mít thường được người nông dân tận dụng để làm thức ăn cho dê, bò, cá,… hoặc được thu mua với giá rẻ. Ông Võ Trung Tình, Giám đốc Hợp tác xã Chín Em Ba, ở ấp Long Trường 1, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Vào mùa trái rộ, tùy vào nhu cầu của khách hàng mà mỗi ngày chúng tôi có thể thu mua từ vài trăm ký đến 1 tấn nguyên liệu dư thừa từ mít. Tùy vào thời điểm mà giá thu mua có thể từ 1.000-1.500 đồng/kg”.

Tuy nhiên, việc thu mua này chưa thể giải quyết hết lượng mít dư thừa trong dân. Đáng lo hơn là khi những trái mít mang mầm bệnh không được đem ra khỏi khu vực canh tác, là nguy cơ khiến cho mầm bệnh tiếp tục lây lan, gây ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng mít của các vụ trồng tiếp theo. Để canh tác bền vững, ngoài việc xử lý tốt mầm bệnh trong vườn, người trồng mít cũng phải quan tâm cung cấp, bổ sung lại dưỡng chất cho đất.

Nhằm giải quyết vấn đề này, từ tháng 12-2021, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh đã nghiên cứu quy trình sản xuất giá thể hữu cơ từ xơ mít và vỏ mít theo tiêu chuẩn cơ sở. Đây là một trong những nội dung nghiên cứu chính của đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất đa dạng hóa các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu mít trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”, do TS. Dương Thị Phượng Liên làm chủ nhiệm, Trường Đại học Cần Thơ là tổ chức chủ trì.

Thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát và nhập nguyên liệu dư thừa từ mít về để thử nghiệm, xây dựng quy trình và ứng dụng tại tỉnh.

Góp phần phát triển nông nghiệp tuần hoàn

Để tiến hành nghiên cứu giá thể hữu cơ này, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh đã sử dụng khoảng 20 tấn nguyên liệu dư thừa từ mít như xơ mít, mít loại, mít tuyển trái, lá mít, mít bệnh xơ đen, thối nhũn,… Phân tích các chỉ tiêu hóa học của nguyên liệu. Sau đó, tiến hành băm nhuyễn, phơi khô và đưa vào bồn ủ với phân chuồng, men vi sinh và một số phụ gia theo tỷ lệ nhất định. Trong quá trình ủ, khối ủ thường xuyên được phối trộn thêm chủng vi sinh, kiểm tra nhiệt độ, quá trình phân hủy và mùi.

Sau khi kiểm tra độ ẩm, độ pH, chất hữu cơ, axit humic, axit fulvic,… giá thể tiếp tục được phối trộn với than sinh học, chế phẩm men vi sinh và phụ gia theo tỷ lệ nhất định. Thực hiện lên men bán hiếu khí trong buồng ủ, tiếp tục theo dõi nhiệt độ, độ ẩm và định kỳ đảo trộn nguyên liệu. Với thời gian ủ từ 1,5-2 tháng, mỗi khối ủ 2 tấn ban đầu sẽ thu về được khoảng 800kg giá thể hữu cơ sinh học. Sản phẩm được xác định đạt tiêu chuẩn cơ sở để tiến hành thử nghiệm thực tế.

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng 2 mô hình thử nghiệm giá thể để trồng mít và rau tại vùng đất phù sa ở huyện Châu Thành và vùng đất phèn nhẹ ở huyện Phụng Hiệp. Tại mỗi mô hình, có 2 hộ được ứng dụng giá thể này với tổng quy mô 3.840m2. Qua quá trình thử nghiệm, các mô hình đã thu được những kết quả tích cực. Bên cạnh đó, nhóm còn tổ chức 2 buổi Tập huấn Sản xuất giá thể hữu cơ từ xơ mít và vỏ mít theo tiêu chuẩn cơ sở tại huyện Châu Thành và huyện Phụng Hiệp.

Theo TS. Nguyễn Thị Kiều, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Hội Nông dân huyện Châu Thành để xây dựng mô hình canh tác mít tuần hoàn. Trong đó, có sản xuất và sử dụng giá thể này để giúp người dân tối ưu hóa trong canh tác. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương khác để phổ biến nhiều hơn đến người dân”. Qua đó, giúp nông dân của tỉnh tiếp cận với việc làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững hơn.

(Nguồn: Hậu Giang Online).

Link gốc: https://www.baohaugiang.com.vn/xa-hoi/it-ai-ngo-phe-pham-tu-mit-lai-co-nhung-loi-ich-nay-124491.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Kỳ nghỉ lễ 30/4 nóng nhất lịch sử

Giá dừa tươi biến động như 'giá vàng'

'Cơn sốt' mua xác ve sầu để… chữa bệnh

VFF chính thức công bố HLV Kim Sang-sik dẫn dắt đội tuyển Việt Nam

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829