Đang tải ...
  
chưa có chuyên mục 1

Chủ nhật, 26/12/2021, 15:00

Hé lộ bí mật tượng thần Ganesha ở Việt Nam

Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh đang lưu giữ một tượng thần Ganesha bằng kim loại. Sau thời gian dài giải mã, các nhà nghiên cứu đã tìm ra câu trả lời thoả đáng.

Theo các chuyên gia thuộc Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh: Ganesha là vị phúc thần rất được tín đồ Hindu sùng bái. Nguồn gốc của thần được đề cập nhiều trong những bộ kinh Hindu, trong số đó thì điển tích được nhiều người biết đến nhất là trong bộ kinh Purana Shiva.

Vị thần hạnh phúc

Bộ kinh Purana Shiva miêu tả rằng, Ganesha là con trai của nữ thần Parvati và Shiva, nhưng chỉ do mình nữ thần Parvati tạo ra. Trong một lần nữ thần Parvati tắm, để đảm bảo cho sự riêng tư của mình thì nữ thần đã lấy những chất bẩn từ cơ thể để tạo ra một cậu bé khôi ngô và bảo cậu bé canh cho mình tắm.

Thần Shiva trở về nhà và đi vào thăm vợ, bất ngờ bị một cậu bé ngăn cản. Thần Shiva không biết đó là con trai của mình nên đã tức giận và chém đầu cậu. Khi Parvati tắm xong, thấy con trai mình bị mất đầu đã rất đau khổ và giận chồng.

Thần Shiva sai đoàn tùy tùng của mình (gana) đi bắt về một sinh vật đang ngủ mà mặt quay về hướng Bắc. Đoàn tùy tùng đã đem về một con voi. Thần Shiva lấy đầu con voi ấy để bù vào cho con trai và thổi sự sống vào. Kết quả là thần Ganesha có dạng mình người đầu voi và Shiva đã giao cho con trai nhiệm vụ lãnh đạo (pati) đoàn tùy tùng kia (vì thế mà Ganesha còn được gọi là Ganapati).

Ganesha (Ganapati) tượng trưng “cho sự hợp nhất giữa tiểu vũ trụ và đại vũ trụ”, là vị thần hạnh phúc, bảo vệ và loại bỏ những trở ngại, đáp ứng những điều may mắn, cát tường cho mọi lời cầu nguyện.

Bức tượng thần Ganesha mà Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh đang lưu giữ là hiện vật bằng kim loại, mang số kiểm kê BTLS.8947. Tượng do Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh chuyển giao vào năm 1988. Và từ đó đến nay, nhiều nhà nghiên cứu đã cố giải đáp các thông điệp cũng như ý nghĩa tôn giáo ẩn chứa trong đó.

Tượng thần Ganesha  tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đo đạc của các nhà nghiên cứu, bức tượng cao 18 cm, ngang 13 cm, thể hiện thần Ganesha trong tư thế đứng trên bệ hình chữ nhật, hai chân rộng bằng vai. Đầu đội mũ miện, gồm hai bộ phận: Phần chỏm mũ hình chóp nhọn, phía dưới là một vành miện rộng chạm hình răng cưa, phía trên hình cánh hoa sen. Tai xòe rộng ngang vai, trán dồ, mắt mở to, vòi tả thực mềm mại, vểnh cao về bên phải, được thể hiện có một ngà trái.

Tượng có 6 cánh tay: 3 cánh tay bên phải đối xứng với 3 cánh tay bên trái. Trên mỗi tay cầm một biểu tượng khác nhau. Bên phải từ trên xuống, tay đầu tiên có thể là một chiếc ngà? (Bhagnadanta) của thần.

Vốn là vị thần học vấn, Ganesha được xem là đã bẻ đi chiếc ngà của mình để viết thiên sử thi Mahabharata. Tay giữa thần cầm ốc tù và (Shankha) tượng trưng cho tiếng “Om” rung động cơ bản để từ đó mà có sáng tạo.

Ganesha sử dụng nó để gọi những người theo thần đến và cầu nguyện. Ốc tù và thường được thổi để công bố sự khởi đầu của một nghi lễ, một kỷ niệm và vào lúc bình minh của ngày. Tay dưới cùng cầm biểu tượng dây thừng (Pasa) dùng để dẫn dắt và ràng buộc các linh hồn kiềm chế niềm đam mê và dục vọng, ngăn ngừa ma quỷ làm hại.

Bên trái từ trên xuống, tay đầu tiên chưa xác định được biểu tượng rõ ràng, có thể là Chamara. Tay giữa thần cầm biểu tượng dùi quản tượng (Ankusa) được thần Indra (Thần sấm sét) cho để thúc voi. Tay dưới cùng cầm cái bát (Laddus) đựng thức ăn ngọt. 

Tượng hiếm bằng kim loại

Các chuyên gia khảo cổ khẳng định, thần Ganesha gần như luôn được mô tả là đang cầm thức ăn ngọt. Tính thèm ăn đồ ăn ngọt của thần đã trở nên nổi tiếng và trên điện thờ luôn có các món này.

Trên mỗi cổ tay và bắp tay, cổ chân có đeo đồ trang sức. Ngực nở, bụng to phệ, mình đeo rắn Naduki vắt chéo từ vai trái xuống hông phải, đầu rắn quay về phía trước – một dấu hiệu thường thấy ở các tượng thần Shiva. Thần mặc Sampot dài quá gối có thân buông xuống phía trước, thắt lưng được buộc lại bằng một loại khoá chạm khắc thành hình dải nơ cầu kì trước bụng.

Tượng thần Ganesha thuộc văn hóa Khmer, có niên đại khoảng thế kỷ 17 – 18.

Ở Đông Nam Á, tại các vương quốc chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ như Champa, Phù Nam, Campuchia, Thái Lan tượng thần Ganesha được thờ rất phổ biến, chủ yếu được làm bằng chất liệu đá, rất hiếm gặp tượng được làm bằng kim loại.

Qua nghiên cứu về phong cách thể hiện ở mũ miện cũng như trang phục và so sánh với một số tượng Ganesha bằng chất liệu kim loại tại Bảo tàng quốc gia Campuchia, các nhà khảo cổ Việt Nam nhận định tượng thần Ganesha thuộc văn hóa Khmer, có niên đại khoảng thế kỷ 17 - 18.

So sánh với tượng Ganesha Champa, Óc Eo đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, các nhà nghiên cứu thấy có sự khác biệt trong phong cách thể hiện. Ở Ganesha của Champa có thân hình cân đối, vạm vỡ, trán bằng, tai nhỏ, đầu đội mũ Kirita-Mukuta nhưng nét chạm khắc đơn giản hơn.

Đặc biệt, bức tượng không đi sâu vào thể hiện chi tiết, đường nét, mà thiên về mỹ thuật trang trí, trang sức: Mũ, đồ trang sức thần đeo được chạm nổi cầu kì, thể hiện rõ nét, y phục thể hiện theo kiểu Sampot, từ vị trí của khóa dây nịt có hai dải nơ.

Đối với tượng Ganesha của Óc Eo thì cơ thể khá hiện thực với cái bụng to tròn, phình lớn, lỗ rốn sâu, trán dô. Đường nét của các chi tiết đầu, vòi, tay, đôi tai xòe rộng, đôi vai ngang được tả thực mềm mại. Mặc sampot ngắn trên gối, được cuốn lại và giắt dưới rốn phía trước, tạo thành một tua rua hình đuôi cá.

Người Ấn Độ đã đến Việt Nam sinh sống từ cuối thế kỷ 19. Nhờ tài kinh doanh, họ trở nên giàu có và xây dựng nhiều cơ sở tôn giáo ngay tại trung tâm Sài Gòn thời bấy giờ. Hiện nhiều công trình vẫn còn nguyên vẹn, làm phong phú thêm nét đẹp văn hóa vùng đất Nam Bộ. 

(Nguồn: Báo Giáo dục & thời đại)

Chia sẻ

Xem nhiều

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829