Đang tải ...
  
Đời sống

Thứ sáu, 26/08/2022, 16:30

Giữ nét đẹp áo dài ngũ thân

Ở TP Cần Thơ, có một nam thợ may tâm huyết với nghề may áo dài ngũ thân - trang phục cổ truyền, mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Việc tự học hỏi, yêu thích và gắn bó với chiếc áo dài ngũ thân “quốc hồn, quốc túy” của người thợ may này khiến nhiều người cảm phục.

Áo ngũ thân được mặc trong lễ cúng đình. Ảnh: Duy Linh cung cấp.

Ông là Trần Thanh Tòng, 52 tuổi, chủ tiệm may Thanh Tòng ở đường Huỳnh Cương, quận Ninh Kiều. Hôm chúng tôi đến, ông Tòng vừa hoàn thành chiếc áo dài ngũ thân bằng vải sa hàng, màu tím than, bông song hỷ, rất đẹp, nghiêm cẩn, đúng chất xưa. Ông Tòng cho biết, ông dồn sức hơn 2 ngày để hoàn thành chiếc áo này, từ việc cắt, may lớp chính, lớp lót, đến làm khuy, đơm nút... Tất cả các công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và thủ công.

Ông Tòng kể, ông đến với nghề thợ may khi mới 17-18 tuổi, khi đó ông học may áo sơ-mi, quần tây. Đến năm khoảng 20 tuổi, ông đã rành nghề, sống được với nghề thợ may. Từ đó, ông vừa may vừa nâng cao tay nghề, tự học để may thêm nhiều loại trang phục khác như đầm, váy, áo kiểu... cho phụ nữ. Sau đó, ông tự mày mò để may thêm áo dài nam cách tân, loại áo phổ biến trong giới trẻ gần đây.

“Cách nay hơn 2 năm, tôi xem các bộ phim tài liệu về văn hóa thời nhà Nguyễn ở nước ta, thấy các nhân vật mặc lễ phục đẹp quá nên tôi tìm hiểu. Mới hay, đó là áo dài ngũ thân, loại trang phục truyền thống thời đó”, ông Tòng nhớ lại. Càng tìm hiểu, ông càng bị thu hút bởi chiếc áo đặc biệt này. Các vị bô lão hồi trước, khi hành lễ ở đình, chùa, hội hè... cũng khoác áo dài ngũ thân, cung kính, trang nghiêm. Bây giờ, nhiều người tồn cổ cũng chọn chiếc áo dài để mặc trong các lễ hội cổ truyền. Vậy là ông Tòng mày mò may theo. Ông kể: “Tôi tìm sách đọc, rồi học qua mạng, xem hình ảnh, hỏi những người hiểu biết... sau nhiều lần may rồi sửa, tôi đã thành công”.

Theo ông Tòng, may áo dài ngũ thân khó nhất ở chỗ làm khuy, nút, vì để gài được nút đồng (hồi xưa, có khi nút làm bằng bạc, vàng, nút vàng tạo hình bông hoa, đồng tiền...) khuy được dùng vải cuộn tròn thành sợi mảnh nhỏ, sau đó dùng chỉ thắt từng sợi để làm thành. Khâu vô cổ, viền lai cũng mất rất nhiều thời gian của người thợ. Đặc biệt, do là trang phục mặc trong các nghi lễ nên đòi hỏi tính trang trọng, người thợ phải canh vải sao cho giữa các thân, hoa văn phải đối xứng, cân chỉnh cho đều.

Anh Nguyễn Duy Linh ngụ huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, vừa là khách hàng, vừa là người hỗ trợ ông Tòng rất nhiều trong may áo dài ngũ thân. Yêu thích và nghiên cứu về văn hóa Nam Bộ, anh Linh sở hữu nhiều áo dài ngũ thân xưa, có giá trị. Vì vậy, ngoài chỉ cách sao cho ông Tòng may áo chuẩn, anh Linh còn mang hiện vật đối chiếu, sao cho bản may của ông Tòng đúng cổ truyền nhất. Nhận thêm chiếc áo bằng vải sa hàng còn thơm mùi phấn, anh Linh hài lòng: “Anh Tòng có khiếu thẩm mỹ, yêu thích may áo tứ thân, nên may đẹp lắm. Dù chưa thể bằng áo của người xưa nhưng cũng không thua là bao nhiêu”.

Ông Tòng chia sẻ niềm vui rằng, khách hàng chủ yếu đặt qua online, hầu hết là những người trẻ tồn cổ, yêu văn hóa. Ông yêu cầu khách hàng cung cấp những số đo căn bản là đã có thể may áo dài. Mỗi chiếc áo thành phẩm có giá từ hơn 1 triệu đến gần 3 triệu đồng, nhưng đằm sâu trong đó còn có giá trị văn hóa, tinh thần. “Giao áo cho khách, mọi người nhắn tin lại cảm ơn, khen áo đẹp... là tôi vui lắm, đó là phần thưởng quý giá cho tôi”, ông Tòng chia sẻ.

Điều đáng mừng là hiện nay, nhiều người có xu hướng chọn áo dài ngũ thân để mặc trong các nghi lễ truyền thống, như cách tìm lại bản sắc văn hóa. Và cũng có nhiều người thợ may tâm huyết với cổ phục, mà ông Trần Thanh Tòng là một điển hình.

Theo nhiều tài liệu, áo dài ngũ thân được định hình từ thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát, có thể coi là tiền thân của chiếc áo dài bây giờ. Sở dĩ gọi là áo ngũ thân, vì áo được ghép từ 5 thân, hay còn gọi là 5 vạt: 2 vạt trước, 2 vạt sau, vạt thứ 5 ở phía trước, bên phải, nép bên trong vạt thứ nhất. Cũng có người gọi áo dài ngũ thân là ngũ thể. Ý nghĩa của 5 thân áo được lý giải rằng: 4 thân ngoài tượng trưng cho “tứ thân phụ mẫu” (cha mẹ ruột, cha mẹ vợ/chồng), 1 thân trong tượng trưng cho người con. “Tứ thân phụ mẫu” sẽ ấp ôm, bao bọc con trong lòng bằng sự bao dung, rộng mở.

Áo ngũ thân có 5 nút: 1 nút ở cổ áo, 1 nút xéo ngang bên trái nút thứ nhất, 3 nút còn lại xếp theo hàng thẳng bên hông trái áo. 5 nút này có ý nghĩa tượng trưng cho ngũ thường: nhân - lễ - nghĩa - trí - tín; hay 5 mối quan hệ của người xưa (ngũ luân): quân - thần (vua - tôi), phụ - tử  (cha - con), phu - phụ (chồng - vợ), huynh - đệ (anh - em), bằng hữu (bạn bè). Vậy nên, nhiều người quan niệm rằng, một khi mặc áo dài ngũ thân là khoác lên người đạo nghĩa ở đời, tự răn mình không được làm điều gì trái luân thường đạo lý

.

(Nguồn: baocantho.com.vn)

Link gốc: https://baocantho.com.vn/giu-net-dep-ao-dai-ngu-than-a150442.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Giải pháp cho vấn đề nguồn nước vùng ĐBSCL

Loại côn trùng bay đầy đồng lúa có giá bán cao bất ngờ

Vĩnh Long: Bảo tồn 'Vương quốc lò gạch' gắn với phát triển du lịch

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829